Bến Tre thuộc cụm liên kết phát triển du lịch duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Long An. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi có hệ thống kênh rạch chằng chịt, sông nước hữu tình, miệt vườn trù phú, nhiều làng nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, con người đôn hậu và mến khách. Đây là điều kiện thuận lợi để Bến Tre hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.
Khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng
Theo xu hướng phát triển du lịch vùng ĐBSCL từ nay đến năm 2020, loại hình du lịch xanh sẽ tập trung phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: “Ba định hướng phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL là sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên tự nhiên cho phát triển du lịch, hạn chế tác động của chất thải từ hoạt động phát triển du lịch và ưu tiên phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái…thì vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch bền vững của cả nước”.
Điểm du lịch nhà ông Tám Huy (Hưng Phong) với vườn dừa xanh mát đang hướng đến phát triển du lịch cộng đồng (Ảnh: XTDL)
Tại hội thảo liên kết phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL năm 2015 đã đi đến thống nhất thông điệp về phát triển du lịch xanh hướng tới phát triển bền vững vùng ĐBSCL là “Sản phẩm xanh - Doanh nghiệp xanh - Cộng đồng xanh - Khách du lịch xanh”. Thông điệp được xác định là “kim chỉ nam” trong các hoạt động phát triển du lịch xanh của vùng ĐBSCL.
Với một số giải pháp liên kết phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL trong thời gian tới cần tập trung thực hiện như: Tăng cường mối “liên kết dọc” giữa: Nhà quản lý- nhà khoa học- doanh nghiệp du lịch. Trong đó, nhà quản lý có trách nhiệm xây dựng môi trường pháp lý cho hoạt động du lịch; nhà khoa học tư vấn, hỗ trợ các giải pháp ứng dụng khoa học-công nghệ; doanh nghiệp triển khai các mô hình du lịch xanh phù hợp với đặc thù của địa phương và vùng. Đẩy mạnh các hoạt động “liên kết ngang” giữa các địa phương trong phát triển các sản phẩm du lịch xanh đặc thù; xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu du lịch xanh, xây dựng bộ tiêu chí “Nhãn du lịch xanh ĐBSCL”; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng du lịch của vùng và ở một số khu vực trọng điểm có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch xanh.
Với địa thế là vùng sông nước cách Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) chỉ hơn 80km, cách TP Cần Thơ trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL khoảng 120 km, điều kiện giao thông thuận lợi kết nối với nhiều tỉnh thành trong khu vực. Trong những năm gần đây, du lịch Bến Tre đã có bước phát triển nhanh và có xu hướng phát triển bền vững một số loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre: “Năm 2014, Bến Tre có 904.000 lượt khách du lịch, trong đó có 393.700 lượt khách quốc tế, 510.300 lượt khách nội địa tăng bình quân 13%/năm, doanh thu đạt 562 tỉ đồng. Năm 2015, Bến Tre có 1.030.100 lượt khách, trong đó có 447.100 lượt khách quốc tế, 583.000 lượt khách nội địa, tăng trưởng bình quân 23%/năm trở lên, phấn đấu năm 2016 thu hút 1.113.000 lượt khách, 496.000 lượt khách quốc tế, 637.000 lượt khách nội địa, tổng doanh thu du lịch đạt 876 tỷ đồng.
Hiện nay, Bến Tre trồng chuyên canh nhiều loại trái cây ngon như: Sầu riêng Cái Mơn, măng cụt, bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, chôm chôm, bòn bon, ca cao,…Những dòng sông Tiền, Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai đã bồi tụ phù sa màu mỡ để cho vùng đất Bến Tre này ngày càng thêm trù phú với khung cảnh làng quê với những con đường nhỏ quanh co, những mái nhà ẩn sau vườn cây dọc bờ sông tạo nên bức tranh sông nước miệt vườn thanh bình. Những lợi thế đó giúp Bến Tre có nhiều điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch homestay (sống tại nhà dân) để tìm hiểu về văn hóa, nếp sống, phong tục tập quán, con người địa phương.
Hiện Bến Tre có hơn 68 điểm du lịch, trong đó có nhiều điểm du lịch sinh thái miệt vườn, homestay: Khu du lịch cồn Phụng (Tân Thạch- Châu Thành), điểm du lịch Phong Phú, Thảo Nhi, Hảo Ái, Diễm Phương, Quê Dừa, điểm du lịch cồn Quy (Quới Sơn), Tân cồn Quy, vườn du lịch sinh thái Phú An Khang (Bình Phú-TP Bến Tre), Năm Công (Hưng Khánh Trung B), cơ sở cây giống- hoa kiểng Hoàng Duy, vườn sầu riêng Bảy Thảo, điểm du lịch Đại Lộc (Sơn Định- Chợ Lách), vườn du lịch Ba Ngói, Tám Lộc, homestay Hoàng Lan (An Khánh- Châu Thành), Homestay Cái Cấm (xã Tân Thành Bình- Mỏ Cày Bắc), Khu nghĩ dưỡng cao cấp Forever Green Resort (Phú Túc- Châu Thành).
Các điểm du lịch ven sông Tiền của huyện Châu Thành được du khách rất yêu thích, tham quan cồn Phụng, lênh đênh trên sông nước xứ dừa, thưởng thức trà mật ong hoa nhãn tại vườn, ăn trái cây và nghe đờn ca tài tử Nam Bộ, trải nghiệm cảm giác thú vị trên xe ngựa tham quan cảnh làng quê nông thôn, chèo xuồng ngắm rặng dừa nước trong những con rạch ngoằn ngèo, tham quan các cơ sở sản xuất kẹo dừa và thủ công mỹ nghệ từ dừa. Nhà ông Lê Văn Nở, thường gọi là Mười Nở (xã Nhơn Thạnh- TP Bến Tre), là một điểm đến được yêu thích đối với du khách trong và ngoài nước. Tại đây, du khách trải nghiệm làm nông dân khi tham gia vào những hoạt động thường ngày của gia chủ, đi chợ quê truyền thống, tham quan làng nghề dệt chiếu truyền thống Nhơn Thạnh, tát mương bắt cá, chèo xuồng trong rạch dừa nước, hướng dẫn nấu ăn, làm bánh, du khách có thể ở đây qua đêm với gia chủ, được dẫn đi xem đom đóm về đêm. Nếp sống thân tình của gia đình ông Mười Nở được rất nhiều du khách quốc tế yêu mến, quay lại nhiều lần.
Về với xứ sở cây trái và hoa kiểng nơi được mệnh danh là “Vương quốc cây giống- hoa kiểng” du khách sẽ được trải nghiệm du lịch miệt vườn, thưởng thức các loại trái cây ngon, cùng với nghệ nhân thực hành các công đoạn ươn ghép cây giống và hoa kiểng, thương thức đặc sản địa phương ốc gạo cồn Phú Đa. Du khách có thể thư thả dạo chơi, hít thở không khí trong lành của vườn cây quanh nhà, tự do hái các loại cây trái trong vườn hoặc mắc võng ngã lưng, tận hưởng giây phút yên bình của miền quê sông nước. Du khách quốc tế lại thích đạp xe quanh các cung đường xanh, vành đai cây ăn trái dọc theo các con rạch nhỏ, chuyện trò với những người dân mộc mạc, mến khách.
Đất và người hào sảng, thân thiện, giàu nghĩa tình, đã tạo cho Bến Tre thành một điểm đến hấp dẫn, lý tưởng cho những ai thích tìm hiểu về văn hóa, nếp sống của người Nam Bộ nói chung, sông nước xứ dừa nói riêng.
Hướng tới phát triển bền vững
Năm 2015, ngành du lịch Bến Tre đã gặt hái được nhiều thành công. Chị Trần Thị Thu Thủy, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đến với Bến Tre nơi có rất nhiều dừa, con người ở đây thì mến khách lắm. Được đi tàu trên sông hít thở không khí miền sông nước trong lành, cảm giác khá thú vị, trái cây ở đây rất phong phú, tươi ngon, được thưởng thức nhiều món ăn ngon mang đậm hương vị miền Tây. Chỉ tiếc, do khoảng thời gian quá ngắn để có thể tìm hiểu kĩ thêm về đời sống, phong tục, tập quán, và văn hóa nơi đây.
Nếu so sánh với các tỉnh trong khu vực thì Bến Tre phát triển du lịch còn chậm, nhưng ngành du lịch Bến Tre đã định hình được hướng đi riêng của mình với những đặc trưng của loại hình du lịch sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng, du lịch homestay. Trong đề án phát triển du lịch Bến Tre từ năm 2015 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển phát triển du lịch và đặc biệt Chỉ thị 09 của Tỉnh ủy cũng đã chỉ rõ: “Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp vào GDP của tỉnh hàng năm. Phấn đấu doanh thu du lịch tăng bình quân 20%/ năm, lượng khách du lịch đến Bến Tre tăng 12%/ năm”. Vì vậy, tỉnh đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi, cơ chế, chính sách khuyến khích để doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Do đó, Bến Tre xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch có trách nhiệm với môi trường. Trong Hội thảo Du lịch trách nhiệm gắn với môi trường trong khuôn khổ Lễ hội Dừa của tỉnh Bến Tre năm 2015 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre tổ chức, một số chuyên gia về du lịch đã có những chia sẻ thú vị về vấn đề phát triển du lịch Bến Tre từ nay đến năm 2020 nhằm tìm ra những giải pháp giúp Bến Tre phát triển du lịch bền vững.
Tháng 7/2015 vừa qua, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Châu Thành, các doanh nghiệp du lịch Bến Tre cũng đã tổ chức hoạt động kỉ niệm 55 năm Ngày Du lịch Việt Nam (9-7) với chủ đề: “Du lịch và Phát triển cộng đồng” nhằm đánh giá lại những kết quả đạt được trong 06 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, giải pháp đột phá cho 06 thánh tháng cuối năm 2015. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút du khách, thực hiện chương trình kích cầu du lịch do Tổng cục Du lịch phát động: Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, giảm giá dịch vụ, khuyến mãi,…