Kỳ 2: Quan điểm của các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông
1. Các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông
- Trung Quốc
- Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) và “Nam Sa” (Trường Sa), cho rằng từ xưa hai quần đảo này đã là lãnh thổ Trung Quốc (từ thời Hán Vũ Đế 200 năm trước Công nguyên); Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, khai phá và cai quản hai quần đảo này v.v… Gần đây, Trung Quốc cũng cho rằng, quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) và “Nam Sa” (Trường Sa) có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
- Bên cạnh đó, Trung Quốc ra sức bám giữ yêu sách “đường lưỡi bò” bao trùm một khu vực rộng lớn trên Biển Đông (Xem hình số 2). Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc (các cách gọi khác là “đường chín đoạn” hoặc “đường chữ U”) được cho rằng do một tư nhân người Trung Quốc vẽ năm 1914 và xuất hiện sau đó trên bản đồ Trung Hoa Dân quốc năm 1948. Lúc đầu “đường lưỡi bò” có 11 đoạn, sau đó năm 1953 Trung Quốc bỏ 02 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ. Hiện nay “đường lưỡi bò” gồm 10 đoạn. Tháng 5 năm 2009, Trung Quốc chính thức lưu hành bản đồ thể hiện yêu sách “đường lưỡi bò” tại Liên hợp quốc. Kể từ đó, Trung Quốc đẩy mạnh triển khai các hoạt động nhằm hiện thực hóa yêu sách này. Dựa trên sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đưa ra đòi hỏi phi lý chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của năm nước ven Biển Đông là Việt Nam, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Bru-nây. Song, chính quyền Trung Quốc đại lục chưa bao giờ có bất cứ một lời giải thích thức nào về giá trị của bản đồ vẽ “đường lưỡi bò”.
Cho đến nay, chưa có một nước nào trên thế giới thừa nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Nhiều nước trong và ngoài khu vực đã lên tiếng bác bỏ, bày tỏ lo ngại về yêu sách này của Trung Quốc. Việt Nam (tháng 5 năm 2009), In-đô-nê-xi-a (tháng 7 năm 2010) và Phi-líp-pin (tháng 4 năm 2011) đã chính thức gửi công hàm cho Liên hợp quốc phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” tại Hội nghị quan chức cao cấp Diễn đàn khu vực ASEAN (SOM ARF) tháng 5 năm 2012. Tại phiên điều trần Quốc hội về tình hình trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ngày 05/02/2014, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” khi khẳng định bất kỳ yêu sách “đường lưỡi bò” được đưa ra mà không dựa trên yêu sách đối với các cấu trúc đất đều không tuân thủ luật pháp quốc tế. Ngày 5/12/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo định kỳ “Các giới hạn trên biển” (Limits in the Seas) số 143 về yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó chỉ trích “đường lưỡi bò” được vẽ một cách tùy tiện, thiếu nhất quán trong các bản đồ đã được công bố; phê phán yêu sách vùng biển của Trung Quốc bên trong đường này là không rõ ràng; đồng thời bác bỏ cách giải thích coi “đường lưỡi bò” là đường biên giới hay yêu sách lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 23/3/2015, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Joko Widodo tuyên bố “đường lưỡi bò” là “không có cơ sở chiều theo bất cứ luật pháp quốc tế nào”.
- Về vấn đề Biển Đông, quan điểm của Trung Quốc là chỉ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua thương lượng và đàm phán song phương giữa các quốc gia có liên quan trực tiếp, không chấp nhận giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua các cơ chế tài phán quốc tế hay bên thứ ba nào khác; bác bỏ và không tham gia vào vụ kiện của Phi-líp-pin; phản đối quốc tế hóa, khu vực hóa tranh chấp Biển Đông; tìm cách trì hoãn tiến trình thảo luận tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đồng thời, Trung Quốc đưa ra chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, coi đây là giải pháp khả thi đối với tranh chấp tại Biển Đông hiện nay. Trên thực tế, đây là chủ trương được Lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nhắc đến lần đầu trong cuộc gặp với Lãnh đạo Nhật Bản năm 1979 nhằm giải quyết tranh chấp biển đảo với Nhật Bản, và trong nội bộ Trung Quốc, chủ trương này được nêu đầy đủ hơn là “chủ quyền thuộc ta (Trung Quốc), gác tranh chấp, cùng khai thác”. Sau đó, Trung Quốc đã áp dụng chủ trương này vào giải quyết tranh chấp tại Biển Đông và đã nêu ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Phi-líp-pin (1988) và In-đô-nê-xi-a, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a (1990). Tháng 7/1992, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 25 tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin), Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham đã chính thức nêu chủ trương này với các nước ASEAN. Sau khi chính thức lưu hành bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” tại Liên hợp quốc năm 2009, Trung Quốc gia tăng sức ép với các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam, thúc ép “gác tranh chấp, cùng khai thác” tại vùng biển “chồng lấn” giữa “đường lưỡi bò” với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, mà thực chất là đòi hỏi phi lý tiến hành “khai thác chung” tại vùng biển thuộc quyền chủ quyền của các nước ven biển theo đúng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
- Lập luận của Trung Quốc về chủ quyền đối với “Tây Sa” (Hoàng Sa) và “Nam Sa” (Trường Sa) là hoàn toàn sai trái và không có căn cứ khoa học vì Trung Quốc ngụy tạo chứng cứ lịch sử, không có tài liệu nào chứng minh Nhà nước Trung Quốc đã chiếm hữu đầu tiên theo đúng luật pháp quốc tế. Chủ trương của Trung Quốc về “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong phạm vi “đường lưỡi bò” cũng hoàn toàn phi lý và không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, xâm phạm vùng biển của các nước ven Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Đài Loan (Trung Quốc) về cơ bản có nhiều quan điểm tương đồng với Trung Quốc đại lục; triển khai các hoạt động nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Trường Sa như vậy xây dựng cảng, nâng cấp đường băng ở đảo Ba Bình, khảo sát, thăm dò dầu khí, tiến hành tập trận quân sự v.v… Tuy nhiên, Đài Loan không nhấn mạnh yêu sách đối với vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” và cho rằng vào thời điểm đưa ra bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” năm 1947, căn cứ vào luật pháp quốc tế tại thời điểm đó, Trung Hoa Dân quốc chỉ đòi hỏi chủ quyền đối với 4 nhóm đảo ở Biển Đông và lãnh hải 3 hải lý của các đảo này.
- Phi-líp-pin
- Phi-líp-pin chính thức yêu sách các đảo, bãi ở quần đảo Trường Sa (Phi-líp-pin gọi là Nhóm đảo Kalayaan) trong Sắc lệnh số 1596 năm 1978 của Tổng thống. Hai lập luận Phi-líp-pin đưa ra là sự kế cận về địa lý, thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (tuyên bố vào năm 1978) và do người Phi-líp-pin khám phá mảnh đất vô chủ. Quan điểm pháp lý của Phi-líp-pin là các đảo đá ở Trường Sa chỉ có 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Phi-líp-pin chiếm đóng 09 đảo, bãi (đảo Song Tử Đông, đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta, đảo Bến Lạc, đảo Bình Nguyên, đảo Vĩnh Viễn, bãi An Nhơn, đá Công Co, bãi Cỏ Mây).
Chủ trương của Phi-líp-pin là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982, thực thi đầy đủ và nghiêm túc DOC, kiềm chế, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Chính giới Phi-líp-pin nhiều lần phát biểu (kể cả ở cấp cao nhất) phản đối mạnh các hoạt động gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông; chủ động đưa ra sáng kiến, đề xuất về quản lý và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông như: Thỏa thuận hợp tác khảo sát, thăm dò địa chấn 3 bên ở biển Đông giữa Việt Nam, Trung Quốc và Phi-líp-pin năm 2005 (Thỏa thuận này đã hết hạn vào năm 2008 nhưng không triển khai tiếp vì chính quyền mới của Phi-líp-pin sau đó phản đối); sáng kiến thành lập Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác ở Biển Đông (ZoPFF/C, tháng 7/2011), trong đó đề xuất khoanh khu vực tranh chấp và tiến hành hợp tác chung trong khu vực khoanh vùng đó (sáng kiến này không nhận được hưởng ứng của ASEAN và bị Trung Quốc phản đối); Kế hoạch hành động 3 giai đoạn (TAP, tháng 8/2014) v.v…
- Ngày 22/1/2013, Phi-líp-pin gửi Trung Quốc Thông báo và Tuyên bố khởi kiện và đề nghị thành lập Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để giải quyết tranh chấp trên biển giữa hai nước. Đồng thời, Phi-líp-pin cũng chỉ định ông Rudiger Wolfrum, người Đức, thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển, làm Trọng tài viên cho mình trong vụ kiện.
Nội dung kiện của Phi-líp-pin chủ yếu liên quan đến yêu sách “đường lưỡi bò” và các hoạt động của Trung Quốc tại một số cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa. Cụ thể, Phi-líp-pin yêu cầu Tòa án ra phán quyết với nội dung chính như sau: (i) Yêu sách các vùng biển của Trung Quốc dựa trên “đường lưỡi bò” trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; (ii) việc Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng ở đá Ga Ven, đá Xu Bi và yêu sách các vùng biển ngoài 12 hải lý từ bãi cạn Scarborough, đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Chữ Thập là bất hợp pháp; (iv) Phi-líp-pin có quyền có lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở quần đảo theo Công ước Luật biển 1982; (v) Trung Quốc đã ngăn cản bất hợp pháp các quyền của Phi-líp-pin theo Công ước Luật Biển 1982 ở trong và ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở quần đảo của Phi-líp-pin.
Trung Quốc bác bỏ thẩm quyền của Tòa và không tham gia vụ kiện. Bất chấp phản đối của Trung Quốc, đến nay vụ kiện vẫn diễn ra theo đúng trình tự quy định của Công ước Luật biển 1982. Tòa trọng tài vụ kiện đã thành lập và đã thông qua Quy tắc Tố tụng. Phi-líp-pin đã nộp Bản lập luận đầu tiên lên Tòa trọng tài. Ngày 17/12/2014, Tòa trọng tài ra Án lệnh số 3, trong đó đặt ra thời hạn ngày 15/3/2015 để Phi-líp-pin bổ sung lập luận bằng văn bản và thời hạn ngày 16/6/2015 để Trung Quốc đưa ra phản hồi đối với văn bản lập luận bổ sung của Phi-líp-pin. Ngày 16/3/2015, Phi-líp-pin đã nộp Bộ lập luận bổ sung theo đúng yêu cầu của Tòa trọng tài trong Án lệnh số 3 ngày 17/12/2014.
- Ma-lai-xi-a
Năm 1979, Ma-lai-xi-a xuất bản bản đồ ranh giới thềm lục địa, phạm vi và ranh giới bao trùm lên phần phía Nam của quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo An Bang và bãi Thuyền Chài ta đang quản lý và đá Công Đo (Phi-líp-pin đang chiếm giữ). Từ năm 1983 đến 1986, Ma-lai-xi-a đưa quân chiếm 3 đảo, đá (Kỳ Vân, Kiệu Ngựa, Hoa Lau). Năm 1999, chiếm thêm hai bãi Én Ca và Thám Hiểm ở khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa, đưa tổng số điểm chiếm đóng của Ma-lai-xi-a đến nay là 5 đảo, đá.
Thực hiện chủ trương tránh công khai phê phán, đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông, mặc dù bị ảnh hưởng trực tiếp bởi yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nhưng Ma-lai-xi-a chưa công khai phản đối yêu sách này. Tuy vậy, Ma-lai-xi-a bày tỏ quan điểm các yêu sách ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Thời gian gần đây, Ma-lai-xi-a tỏ ra hết sức lo ngại trước các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực James Shoal (Tăng Mẫu) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Ma-lai-xi-a.
- Bru-nây
Bru-nây không chiếm đóng bất kỳ đảo, bãi nào ở Trường Sa. Năm 1987, Bru-nây xuất bản bản đồ xác định ranh giới của vùng đánh cá và thềm lục địa, trong đó có đá Lu-xi-a, một rạn san hô vòng ở phía Nam quần đảo Trường Sa.
Bru-nây ít bày tỏ quan điểm một cách công khai, rõ ràng về tranh chấp Biển Đông. Trong khuôn khổ ASEAN, Bru-nây thường có quan điểm thuận theo quan điểm chung của các nước ASEAN.
2. Các nước ASEN
Các nước ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không đe dọa và sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc tế về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Lập trường nêu trên của ASEAN đã được thể hiện rõ trong Tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông tháng 7/2012.
3. Cộng đồng quốc tế
- khẳng định trung lập trong tranh chấp ở Biển Đông; tuyên bố có “lợi ích quốc gia” trong việc bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông; khẳng định bảo vệ lợi ích của các công ty Mỹ đang kinh doanh tại Biển Đông; phản đối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; yêu cầu các bên liên quan tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; ủng hộ thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kể cả thông qua các cơ chế tài phán quốc tế. Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã 4 lần ra Nghị quyết lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ phản đối việc Trung Quốc thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Mỹ đã chính thức bác bỏ cách giải thích coi “đường lưỡi bò” là đường biên giới hay yêu sách lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông và công khai thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là khu vực có tranh chấp.
- khẳng định trung lập trong tranh chấp Biển Đông, ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; khẳng định kiên trì hợp tác dầu khí với Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982.
Nhật Bản bày tỏ lập trường ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông, công khai phản đối yêu sách “đường lưỡi bò”.
Ấn Độ nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh, an toàn, tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực; khẳng định tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Hàn Quốc nhấn mạnh coi trọng an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, mong muốn các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, DOC và sớm thông qua COC.
Úc có nhiều phát biểu mạnh mẽ về Biển Đông tại các diễn đàn và hội nghị quốc tế, nhấn mạnh các bên liên quan cần giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao và hợp tác, không có đe dọa và ép buộc, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, ủng hộ DOC và COC.
- ngày càng quan tâm tới vấn đề Biển Đông. EU đánh giá cao vai trò xây dựng và tích cực của Việt Nam, ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở đối thoại và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, kêu gọi các bên thực hiện DOC và sớm tiến tới COC.
Nhiều tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển G7, NATO v.v…) đều lên tiếng bày tỏ lo ngại trước những hành động đơn phương trên Biển Đông, nhấn mạnh các tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
(còn nữa)