Gần 7 năm qua, cứ ngày 20 hàng tháng, các cô chú lại về Trạm Y tế xã Thạnh Trị (Bình Đại) để thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng. Đó là hoạt động của Dự án hỗ trợ Việt Nam - Australia "Giảm nguy cơ sốt xuất huyết tại thực địa" và "Dự án cung cấp nước sạch nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long" đầu tư tại xã (năm 2006).
Dự án đã tập huấn cho người dân cách phòng, chống bệnh SXH bằng tác nhân sinh học: Mesocyclops - một loài sinh vật ăn trứng và lăng quăng con. Năm 2009, khi Dự án kết thúc, nhưng nhóm tình nguyện viên vẫn duy trì hoạt động đến nay.
Tổ diệt lăng quăng đang thăm con giống Mesocyclops
Với 20 thành viên, tổ đã đến từng nhà để thăm hỏi người dân và diệt lăng quăng. Nhờ vậy, qua gần 7 năm, tổ đã góp phần rất lớn trong việc kéo giảm đáng kể số ca bệnh SXH (năm 2007 mắc 70 ca, giảm còn 4 - 5 ca năm 2009). Theo anh Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Trạm Y tế xã, từ nguồn giống Mesocyclops của Dự án, mỗi tình nguyện viên còn nuôi sinh vật Mesocyclops tại nhà và cấp phát cho các hộ dân tiếp tục nuôi để diệt trừ tận gốc lăng quăng.
Dụng cụ của tổ dùng là cái vợt bằng lưới màu trắng rất nhuyễn, có cán dài khoảng 1,5m và chai (nhựa hoặc thủy tinh) dùng đựng Mesocyclops, cá lia thia và kính lúp (quan sát con Mesocyclops). Công việc của nhóm là vớt lăng quăng, thăm, thả cá lia thia và con Mesocyclops vào trong lu, mái nước của hộ dân. Các tình nguyện viên cùng các hộ súc lu thạp chứa nước không xài; dọn dẹp, phát quang tàn cây, khu vườn, tránh muỗi có thể sinh sôi. Tổ tình nguyện viên thường đi đến hộ dân vào buổi sáng và kết thúc công việc lúc chiều về. Sau một ngày thăm, diệt lăng quăng, tổ tiến hành tổng kết tình hình dịch bệnh (SXH, tay - chân - miệng,…). Cô Nguyễn Thị Thu - ngụ tại ấp 3 - xã Thạnh Trị - thành viên của Tổ chia sẻ, anh chị em trong Tổ không ngại vất vả, chỉ thấy có ích vì đã giúp cho công việc chung. Vậy là vui.
Dẫu chi phí hỗ trợ hoạt động không nhiều, nhưng công việc mà Tổ đã và đang làm mang lại hiệu quả rất đáng trân trọng. Không chỉ diệt lăng quăng, Tổ đã góp phần khống chế mầm bệnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức về mối nguy hại của lăng quăng, muỗi vằn gây bệnh, tích cực thực hiện vệ sinh môi trường để đảm bảo chất lượng cuộc sống không bị dịch bệnh gây ảnh hưởng sức khỏe.
Mô hình diệt lăng quăng bằng tác nhân sinh học ở xã Thạnh Trị đã được nhân rộng ra 3 xã: Đại Hòa Lộc, Vang Quới Đông, Thới Lai, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc phòng, chống dịch bệnh SXH.
Bài, ảnh: Phan Hân
Nguồn:baodongkhoi.com.vn