Kỳ 1: Đường đứt đoạn ở Biển Đông: Tìm kiếm một giải pháp pháp lý
Giáo sư Erik Franckx & Marco Benatar – Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Brussel, Bỉ
- Giới thiệu
Hầu như là bất biến, nỗ lực của các quốc gia nhằm củng cố sự kiểm soát và quyền tài phán đối với các đảo thể hiện qua các yêu sách dựa trên các tài liệu bản đồ. Một mặt, những bản đồ được vẽ một cách cẩn thận có thể là chìa khóa để giải quyết các tranh chấp quốc tế, thể hiện ý định của các bên và cung cấp số liệu địa lý chính xác. Mặt khác, quá phụ thuộc vào các bản đồ cũng khá mạo hiểm bởi vì “giống như các số liệu, chúng có thể ‘nói dối’”. Tranh chấp đối với các đảo ở Biển Đông không phải là ngoại lệ. Các quốc gia yêu sách ở Đông Nam Á đã tập hợp một số lượng lớn các bản đồ để bảo vệ cho các lập luận của mình, khác nhau về nội dung và chất lượng kỹ thuật. Một tấm bản đồ nổi lên gần đây và đã tạo được sự chú ý của dư luận là tấm bản đồ chính thức của Trung Quốc về Biển Đông mô tả “đường lưỡi bò” hay “chữ U”. Sự tái khẳng định mạnh mẽ của tài liệu này gợi ra một loạt câu hỏi liên quan đến nguồn gốc, ý nghĩa và cơ bản nhất là giá trị của bản đồ đó trong các tranh chấp đang tiếp diễn ở Biển Đông.
Mục đích của bài nghiên cứu này là nhằm đưa ra phân tích pháp lý quốc tế về bản đồ nêu trên của Trung Quốc. Bài viết mở đầu bằng tóm tắt về lịch sử của bản đồ nêu trên và những diễn biến gần đây liên quan đến vấn đề này. Do đó, khía cạnh pháp lý của các cách giải thích khác nhau (và thay đổi theo thời gian) sẽ được xem xét đến. Chúng tôi sẽ phát triển các lập luận của Trung Quốc liên quan đến “đường chín đoạn” là hoàn toàn không có cơ sở trong luật quốc tế. Sau đó, bài viết sẽ tập trung phân tích các vụ án liên quan có sử dụng bản đồ làm bằng chứng. Các nhân tố rút ra từ các vụ án này sẽ cho phép chúng ta chứng minh được rằng bản đồ sẽ có ít hoặc không có giá trị làm bằng chứng trước Tòa. Cuối cùng, chúng tôi sẽ chứng minh rằng ngay cả nếu có giá trị pháp lý, bản đồ này cũng không thể sử dụng chống lại Việt Nam do Việt Nam sau đó đã có phản đối hiệu quả.
- Bản đồ của Trung Quốc
- Nguồn gốc
Nguồn gốc của “đường chữ U” ngày nay bắt nguồn từ những hoạt động của Ủy ban Điều tra Bản đồ Đất và Biển nước Trung Hoa dân quốc (sau đây gọi tắt là ROC hay Đài Loan) thành lập năm 1933. Nhiệm vụ của Ủy ban này bao gồm việc khảo sát và đặt tên cho các đảo ở Biển Đông và xuất bản các bản đồ thể hiện các đảo này thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.
Bản đồ chính thức đầu tiên thể hiện “đường đứt đoạn” có nguồn gốc từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Bản đồ này được Vụ Biên giới và Lãnh thổ, Bộ Nội vụ ROC xuất bản tháng 12 năm 1946. Trong bản đồ này, “đường chữ U” bao gồm 11 nét đứt bao trùm phần lớn Biển Đông và các đảo ở khu vực này. Bắt đầu từ đường biên giới Việt – Trung, hai nét đầu tiên đi qua Vịnh Bắc Bộ. Nét thứ 3 và thứ 4 lần lượt tách bờ biển Việt Nam ra khỏi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nét thứ 5 và 6 đi qua Bãi James Shoal (4o Bắc), bãi ở cực Nam đường yêu sách của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) và Đài Loan. Đi theo hướng Nam – Đông, hai nét đứt tiếp theo một mặt nằm giữa Trường Sa và mặt khác giữa Borneo (In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia, Bru-nây) và Phi-líp-pin (tỉnh Palawan). Nét thứ 9, 10,11 tách biệt Phi-líp-pin với ROC.
Sau khi đánh đuổi Quốc Dân đảng ra khỏi đại lục, nước PRC mới thành lập đã tiếp tục chính sách của các Chính phủ Trung Quốc trước đó, minh họa các nét đứt tương tự đã xuất hiện trên các bản đồ của ROC. Từ đó trở đi, cả PRC và ROC đều bảo vệ “đường chữ U”. Tuy nhiên, từ năm 1953, các bản đồ của Trung Quốc về Biển Đông chỉ vẽ 9 thay vì 11 nét (hai nét ở Vịnh Bắc Bộ đã bị xóa bỏ).
- Công hàm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRO) gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc (ngày 07 tháng 5 năm 2009)
Tranh cãi xoay quanh “đường chữ U” lại nổi lên năm 2009 liên quan đến Báo cáo chung của Ma-lai-xia và Việt Nam và Báo cáo riêng của Việt Nam lên Ủy ban về Ranh giới Thềm lục địa (nêu sau đây là CLCS). Ủy ban cho phép các quốc gia ven biển muốn thiết lập ranh giới ngoài của thềm lục địa xa hơn 200 hải lý. Thời gian đăng ký của chính phủ Việt Nam và Ma-lai-xia có thể được giải thích bởi thời hạn của từng nước là tháng 5 năm 2009. Phản ứng lại các hoạt động này, PRO lần đầu tiên đã đưa “đường chữ U” tại cấp quốc tế, như sau:
“Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, và được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và tầng đất dưới đáy của vùng biển đó (xem bản đồ kèm theo). Lập trường trên đây đã được Chính phủ Trung Quốc đưa ra một cách nhất quán và được cộng đồng quốc tế biết đến rộng rãi”.
Đọc kỹ công hàm này sẽ cho phép chúng ta nhận ra một vài khẳng định của Trung Quốc:
- Chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận (bản đồ kèm theo chỉ ra các đảo nằm trong khu vực đường đứt đoạn bao quanh, bao gồm: Quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa và Đông Sa.
- Quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan, bao gồm cả đáy biển và tầng đất dưới đáy biển.
- Sự nhất quán về lập trường chính thức của PRC đối với các yêu sách biển và lãnh thổ ở Biển Đông.
- Sự công nhận của các quốc gia thứ ba đối với các yêu sách biển và lãnh thổ của PRC ở Biển Đông.
- “Đường chữ U” phác họa yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.
(còn nữa)