Chiều về An Đức - Ba Tri/ vàng mơ đồng lúa xanh rì bờ tre". Trong cái nắng vàng ngả bóng, tôi theo tỉnh lộ 885 về quê biển Ba Tri, viếng Đền thờ cụ Đồ Chiểu.
"Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"
Người đời quý Cụ Đồ Chiểu ở một tấm lòng yêu nước thương dân, quý ở cụ từ những áng văn hay, những vần thơ kiệt xuất. Cụ Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1-7-1822 tại Gia Định, mất ngày 3-7-1888 tại Ba Tri - Bến Tre. Hẳn trong chúng ta ai cũng biết những câu chuyện về Lục Vân Tiên - hóa thân của cuộc đời cụ. Năm 1843, cụ thi đỗ tú tài ở Trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, cụ trở ra Huế học, chờ khoa thi nhưng chưa kịp thi thì hay tin mẹ mất. Trên đường trở về quê chịu tang mẹ, vì quá lo buồn, khóc thương, cụ lâm trọng bệnh và mù cả hai mắt. Khoảng thời gian đến cuối đời, cụ có 26 năm sinh sống ở làng An Đức, Ba Tri. Trong khoảng thời gian này, cụ đã làm thơ, dạy học và bốc thuốc chữa bệnh dân làng, người đời quý trọng gọi cụ là Cụ Đồ. Cụ đã an nghỉ nơi nền đất của người học trò cũ. Đền thờ Cụ Đồ được tôn tạo, xây cất khang trang với 3 tầng mái tượng trưng cho ba nghề nghiệp của Cụ Đồ Chiểu: nghề dạy học, bốc thuốc và làm thơ.
Đông đảo người dân đến với lễ hội tại Đền thờ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức (Ba Tri). Ảnh: H. Vũ
Đến thăm Đền thờ, khi đọc những dòng chữ ghi trên tấm văn bia hẳn nhiều người chưa quên những trang sách sử thời kỳ đen tối của đất nước khi Pháp xâm lăng, đánh chiếm thành Gia Định năm 1859. Cảm nhận sự hy sinh anh dũng của những nông dân chân đất, Nguyễn Đình Chiểu đã viết "Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc" vô cùng thống thiết. Áng văn của cụ xuất hiện những người nông dân nghèo khổ, chân lấm tay bùn, cần cù lao động "một đời côi cút làm ăn, riêng lo nghèo khổ", chỉ biết ruộng trâu trong làng, đã biết gì đến võ nghệ, võ khí, chiến trận. Nhưng tấm lòng của họ yêu nước đến cao độ, không đội trời chung với bọn xâm lăng cướp nước, họ đã cầm gậy, cầm chông xông lên đánh giặc trả nợ nước, thù nhà. "Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc" cùng với nhiều tác phẩm thơ, văn của Cụ Đồ Chiểu vẫn còn sống mãi với thời gian.
Trong Đền thờ có chạm khắc hai câu thơ "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" như tượng trưng cho chính nghĩa ở đời.
Tấc lòng ngưỡng mộ của người đời
"Chiều về An Đức lặng im/ Phút giây tưởng niệm hồn thiêng cụ Đồ". Đã bao năm qua, sức sống của những vần thơ Đồ Chiểu vẫn sống mãi với thời gian, với tâm hồn người dân Nam Bộ. Khuôn viên Đền thờ được xây cất, chỉnh trang, có nhiều loại cây cổ thụ sừng sững và nhiều loại cây cảnh quý hiếm được người dân khắp cả nước mang về trồng để tỏ lòng tưởng nhớ đến nhà thơ tài hoa của đất nước. Hàng năm, nơi này mở cửa đón hàng ngàn lượt khách về nguồn, tham quan.