Nhãn mác hàng hóa góp phần đưa sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường tiêu thụ khó tính, vì người tiêu dùng rất an tâm bởi có nguồn góc xuất xứ rõ ràng. Trong khi cả làng nghề truyền thống cá khô đang chờ đợi thương hiệu tập thể thì có một người tiên phong đi đầu đăng ký nhãn mác hàng hóa sản phẩm của chính cơ sở mình. Vô tình đưa thương hiệu của cả làng nghề vươn xa. Đó là ông Phan Văn Lành ấp An Thới, xã An Thủy (Ba Tri) – chủ cơ sở chế biến cá khô Tư Lành, đồng thời là Trưởng Ban quản lý làng nghề cá khô An Thủy.
Tính đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có hai làng nghề cá khô: An Thủy (Ba Tri) và Bình Thắng (Bình Đại). Mặc dù, Bình Thắng đứng đầu về qui mô và số lượng, thế nhưng An Thủy đã từng bước tiến gần người tiêu dùng với nhãn mác Tư Lành cơ sở chế biến cá khô được công nhận năm 2010.
Được biết, An Thủy có 300 hộ dân sinh sống bằng nghề cá khô, trong đó 70 hộ sản xuất chuyên với qui mô lớn. Mỗi năm làng nghề sản xuất từ 1000-1500 tấn cá khô, thu hút gần 3000 lao động. Riêng xưởng cá khô Tư Lành có khoảng 50 lao động, sản xuất đủ các loại khô như: khô cá đù, cá linh, cá đổng, mối, lưỡi trâu, chỉ vàng, đúi, chìn,…Trong đó, khô cá đù và cá lưỡi trâu được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, giá dao động từ 70 – 200 ngàn/ký. Trong nhiều năm qua, thị trường tiêu thụ cá khô của làng nghề chủ yếu là các điểm bán lẻ trong tỉnh do làng nghề chưa thương hiệu sản xuất cá thể, thị trường tiêu thụ hạn chế, các hộ dân chưa hoạt động hết công suất tiềm năng sẵn có về kinh tế biển. Đến năm 2010, với qui mô và kinh phí đầu tư đáng kể, cá khô Tư Lành mạnh dạn đăng ký thương hiệu cho cở sở góp phần phát triển làng nghề truyền thống.
Từ vật liệu xây dựng kho bãi đến máy móc trang thiết bị đều được trang bị theo kỹ thuật khoa học công nghệ. Chú Tư đầu tư trên 300 triệu đồng xây dựng kho lạnh với công suất 40 tấn và lò sấy đốt bằng than với công suất trên 300 ký cho một lần sấy khô. Tại cơ sở có 4 chiếc xe tải vận chuyển cá tươi, khô với trọng tải 5 tấn/chiếc. Có khả năng điều phối vận chuyển kịp thời khi cần thiết. Cơ sở xây dựng khép kín từ khâu nhập cá tươi tại cảng đến vận chuyển chế biến khô tại xưởng. Từ khi thương hiệu chế biến cá khô Tư Lành được công nhận đã góp luồng gió đưa làng nghề cá khô An Thủy sớm tiếp cận nhiều thị trường hấp dẫn trong ngoài tỉnh. Bước đầu có mặt tại các gian hàng hội chợ thương mại và xâm nhập vào các siêu thị trong tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất mặn mà nước biển, chú Tư gắn bó với nghề từ khi còn rất nhỏ. Với chú Tư, đó không phải là nghề mà là cả tấm quyết với quê hương với mảnh đất biển An Thủy. Từ tình yêu lớn lao với biển, với nghề cá khô, chú đã mạnh dạn đăng ký và thành công với thương hiệu hàng hóa cá khô Tư Lành. Truyền đi khắp các huyện trong tỉnh và vượt ra các tỉnh lân cận. Từ đó, thúc đẩy sản lượng hàng hóa tăng vọt so với các năm, đặc biệt tạo được lòng tin của người tiêu dùng với làng nghề cá khô của huyện Ba Tri.
Tiếp cận được thị trường rộng có sức tiêu thụ hấp dẫn, cơ sở chế biến cá khô Tư Lành góp phần tăng thêm thu nhập cho làng nghề và người lao động ven biển xã An Thủy. Bình quân mỗi lao động ngày làm 120 ký, mỗi ký 2 ngàn đồng, thu nhập trên 200 ngàn/ngày. Bên cạnh đó, tham gia hội chợ hàng tháng ở các tỉnh: Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang, thì nhu cầu thị trường ngoài nước vẫn có như: Trung Quốc và Châu Âu. Thế nhưng vì độ an toàn và đảm bảo hàng hóa nội địa, chú Tư hạn chế các thị trường ngoài nước tránh những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra. Trong phiên chợ thương mại của Sở Công thương ngoài nước (ở Lào vào ngày 16-7-2013), chú Tư từ chối vì xem xét tình hình cũng như chi phí và đầu ra sản phẩm chú Tư không tham gia.
Hướng tới để phát huy thế mạnh của làng nghề và giữ vững truyền thống bao đời nay, chú Tư mở rộng thêm mô hình sản xuất chả cá với nguồn vốn đầu tư gần tỷ đồng. Chú tâm sự, nếu kinh tế có hướng mở rộng sẽ hoạt động lại chả cá đã sản xuất được vài đợt cung ứng cho thị trường trong nước như: Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: Thụy Quân