Qua 4 năm thực hiện Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo (viết tắt là DBRP) tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, đã góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân và bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc.
Xã Châu Hưng là xã nông nghiệp, đời sống người dân chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi. Trên thực tế đó, Dự án DBRP xác định các hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho người nghèo nông thôn chủ yếu về các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cho hộ nghèo, cộng đồng. Trong chuỗi hoạt động đó, năm 2010, Dự án đã chính thức đưa vào hoạt động Tổ liên kết trồng màu an toàn gồm 12 thành viên tại ấp Tân Hưng. Tại hoạt động của tổ, các thành viên được chuyển giao quy trình trồng rau an toàn, các hộ sản xuất còn liên kết hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật trong sản xuất.
Từ đó, người dân nắm vững và áp dụng thành công quy trình, kỹ thuật trồng rau an toàn, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận kinh tế cho người trồng màu, bảo vệ môi trường. Ông Lư Hồng Phương, tổ trưởng Tổ trồng rau an toàn ấp Tân Hưng cho biết: "Nhờ Dự án DBRP, nông dân ấp Tân Hưng mới nắm vững được quy trình sản xuất rau an toàn và thành lập tổ liên kết. Từ đó, mỗi vụ nông dân giảm chi phí sản xuất từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/1 công đất/1 vụ. Nông dân còn có thể liên kết giúp đỡ nhau về giống, đất sản xuất, góp phần giúp các hộ nghèo trong tổ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình".
Nông dân áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn.
Ngoài ra, trong năm 2010, Dự án DBRP huyện phối hợp đưa chương trình đào tạo nghề đan giỏ lục bình đến với người dân nông thôn nhằm giải quyết nguồn lao động nông thôn nhàn rỗi, đặc biệt là lao động nữ. Sau khi học nghề, các chị em phụ nữ ấp Hưng Chánh thành lập Tổ đan giỏ lục bình với 12 thành viên. Sau khi thành lập cho đến nay, tổ duy trì hoạt động, giải quyết thường xuyên trên 20 lao động nữ tại địa phương, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình. Bà Trần Thị Bạch Vân, tổ trưởng tổ đan giỏ lục bình ấp Hưng Chánh chia sẻ: "Từ tổ đan giỏ lục bình này mà các chị em trong ấp có thêm việc làm ngoài công việc đồng áng. Khi kết thúc mùa vụ, tổ thu hút trên 40 chị em đan giỏ, với thu nhập từ 40.000 – 60.000 đồng/ 1 ngày. Các chị em còn có thể sắp xếp thời gian chăm sóc gia đình, con cái".
Tổ đan giỏ lục bình ấp Hưng Chánh giải quyết lao động nữ.
Để tăng gia kinh tế gia đình, giúp các hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vừa qua, Dự án DBRP tổ chức chuyển giao xoay vòng bò sinh sản cho 5 hộ nghèo trên bàn xã. Đến nay, 1 trong 5 con bò sinh sản đã sinh ra bê con, 4 con còn lại đang trong thời gian mang thai. Trước mắt dự án nuôi bò sinh sản đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân, người dân rất phấn khởi.
Bên cạnh đó, trong những năm trước đây, các con đường còn sình lầy, hạ tầng nông thôn còn thấp, gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từ thực tế đó, trong 4 năm qua, Dự án DBRP đã chú trọng trong việc đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn, xây dựng các công trình giao thông nông thôn nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa của người dân, hạ tầng nông thôn chuyển biến tích cực.
Trong đó, các tuyến đường Giồng Nổi, đường Hợp tác xã, đường liên tổ ấp Hưng Thạnh với tổng kinh phí đầu tư trên 830 triệu đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đặc biệt, năm 2010, công trình Chợ xã Châu Hưng được đầu tư xây dựng mới với tổng vốn đầu tư trên 390 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại của xã. Đến nay, chợ xã Châu Hưng đã thu hút hơn 50 gian hàng, cơ sở kinh doanh của người dân tham gia buôn bán và trở thành đầu mối, trung tâm trao đổi hàng hóa của người dân.
Có thể nói, Dự án DBRP đã có vai trò rất lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, hạ tầng nông thôn của xã. Tỷ lệ hộ nghèo từng bước được kéo giảm, riêng cuối năm 2013, xã kéo giảm 2%, tương đương giảm 34 hộ nghèo so với đầu năm 2012. Nâng tổng số thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 21 triệu đồng/người/năm.
Nhìn chung, Dự án phát triển phát triển kinh doanh với người nghèo DBRP thực sự đem lại hiệu quả cao trong công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, phát triển kinh tế xã hội của xã nói riêng, toàn huyện nói chung.
Bài, ảnh: Tấn Tiến