Tết đến xuân về có cây cầu mới bắt qua sông, đã thỏa ước mong bao năm chờ đợi của người dân xứ biển. Những chuyến phà từ lâu đã quen thuộc với mọi người, sẽ được thay thế bằng một cây cầu mới khang trang. Mở ra một bước ngoặt mới cho việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Mọi người dân đang rất hân hoan, mang một niềm vui khôn tả chờ đến ngày cây cầu mới đưa vào sử dụng.
Xuân này đem đến rất nhiều niềm vui, đời sống kinh tế người dân ở huyện Thạnh Phú được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nông dân khắp nơi trúng tôm, giá dừa rồi heo, bò, gà ở mức ổn định đảm bảo cho cuộc sống người dân, trong khi du lịch biển mở ra nhiều tín hiệu khả quan đem đến rất nhiều cơ hội cho người dân kinh doanh làm giàu. Bên cạnh, nhiều công trình mới được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng, nay cầu Cầu Ván hoàn thành niềm vui như được nhân lên gấp bội đối với nhân dân trong huyện.
Những chuyến phà từ lâu đã quen thuộc với mọi người, sẽ được thay thế bằng một cây cầu mới khang trang.Ảnh: V.Minh
Có thể nói, cầu Cầu Ván là một công trình của ý đảng lòng dân. thật vậy công trình đã nhận được sự đồng tình cao của người dân, người dân đón nhận thông tin xây cầu với một tâm trạng hồ hởi và xen lẫn sự chờ đợi. Nó còn được chứng minh rõ hơn khi đa số các hộ dân trong vùng dự án đều sẵn sàng nhận phương án bồi thường và chấp nhận di dời nhà, hy sinh cái riêng để đổi lấy lợi ích chung. Bà Phan Thị Mai ở ấp Giao Hòa Chợ cho biết: "Nhà tôi thì nằm trong vùng dự án, qua vận động của các cấp chính quyền tôi sẵn sàng nhận phương án đền bù và sớm di dời nhà để tạo điều kiện cho công trình thi công dễ dàng, chỉ mong sao sớm có được cây cầu".
Từ khi bắt đầu thi công, hằng ngày đi trên phà Cầu Ván người dân trong huyện, đặc biệt là 3 xã Giao Thạnh, Thạnh Phong và Thạnh Hải đều dõi theo từng công đoạn, hạng mục của công trình cốt mong sao cho cầu sớm hoàn thành. Ông Nguyễn Thành Sương, ở ấp Giao Hòa Chợ, xã Giao Thạnh cho biết: "Nhà tôi ở gần đây nên quan sát thấy tiến độ thi công cầu Ván hằng ngày. Nói thật lòng không chỉ tôi mà tất cả người dân các xã ven biển đều thấy phấn khởi vô cùng khi thấy cầu Cầu Ván hoàn thành, lúc trước việc đi lại của bà con hết sức khó khăn, từ đây lên thị trấn chỉ đi bằng ghe, rồi nhà nước làm con lộ từ phà Cầu Ván lên thị trấn, nay có thêm cây cầu, sắp tới việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của bà con mình không còn khó khăn như trước đây nữa".
Còn chị Nguyễn Thị Cam, nhà ở xã An Nhơn thường xuyên qua lại phà Cầu Ván, chở dây trói cua biển bán ở xã Giao Thạnh thì nói: "Thấy cầu xây xong tôi cảm thấy rất vui, rồi việc buôn bán sẽ thuận lợi và đỡ tốn thời gian hơn rất nhiều". Riêng chú Lê Văn Bực, sinh năm 1952 thì nói trong niềm vui không kém: "Nhà tôi ở Giao Thạnh nên thường xuyên qua lại phà, nay cây cầu xây xong còn niềm vui nào bằng nữa chớ! Sắp tới sẽ không còn cảnh chờ phà như thế này nữa".
Cầu Ván thuộc dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia, do Tổng cục đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Với tổng kinh phí xây dựng là 212 tỷ đồng. Do liên doanh tổng Công ty XDCT GT4- Công ty ĐTXD Trường Sơn và Công ty cổ phần cầu 11 Thăng Long trúng thầu thi công. Cầu được xây dựng tại km 91+555, Quốc lộ 57 vượt sông Eo Lói cách phà cầu Ván khoảng 150m về phía sông Hàm Luông, cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng pê tông cốt thép và bê-tông dự ứng lực, chiều dài toàn cầu là gần 450m, rộng 11m, tải trọng 30 tấn thuộc loại công trình giao thông cấp 2 theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Cầu Cầu Ván sắp được đưa vào sử dụng. Ảnh: T.T
Cầu Ván được động thổ vào tháng 8 và bắt đầu thi công từ tháng 11/2012. Từ khi bắt đầu thi công, các đơn vị đã tập trung nguồn nhân lực, đẩy nhanh tiến độ và đề cao chất lượng công trình. Không khí thi công luôn diễn ra sôi nổi có thời điểm thi công cả ngày lẫn đêm, không kể các ngày nghỉ lễ như 30/4 hay 2/9 với quyết tâm cao mong công trình sớm hoàn thành. Với sự nỗ lực lớn của công nhân, đến nay công trình đã hoàn thành và vượt tiến độ đặt ra.
Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải ngày càng đông, nhưng không ít du khách ngán ngại vì thời gian chờ phà, đặc biệt là vào dịp lễ tết, thứ bảy, chủ nhật cộng với đường đi từ phà Cầu Ván đến Ngã ba Mũi Tàu không thuận lợi khiến không ít du khách chùn bước mỗi khi muốn đến du lịch tại biển Cồn Bửng lần thứ hai. Bên cạnh đó, thời gian qua việc vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản như dưa hấu, sắn, tôm, nghêu, sò… của nông dân cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng mọi chuyện sẽ khác đi khi cầu Cầu Ván được đưa vào sử dụng, rồi tương lai đoạn đường từ cầu Ván đến Ngã ba Mũi Tàu được đầu tư nâng cấp sẽ mở ra một triển vọng lớn lao, một điều kiện tuyệt vời để tiềm năng kinh tế của các xã ven biển Thạnh Phú được phát triển mạnh mẽ hơn.
Cầu Cầu Ván là công trình lớn của huyện và tỉnh, cầu hoàn thành nối liền giao thông trên Quốc lộ 57, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của huyện tạo thành một hệ thống giao thông thông suốt từ trung tâm huyện đến các xã ven biển, phá thế biệt lập, tạo thế và lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn về phát triển kinh tế xã hội của 3 tiểu vùng trong huyện.
Nói về những triển vọng khi cầu Cầu Ván hoàn thành và đưa vào sử dụng, ông Mai Văn Hùng – Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết: Cầu Cầu Ván hoàn thành nối liền 2 xã An Nhơn và Giao Thạnh tạo điều kiện cho giao thông đường bộ phát triển, khai thác có hiệu quả tuyến giao thông trên Quốc lộ 57. Qua đó, việc vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn, giảm chi phí góp phần nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất tại địa phương, đây cũng là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh về đầu tư. Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Cồn Bửng, xã Thạnh Hải đã được khởi công xây dựng, Lăng Ông Nam Hải và Nhà cổ Huỳnh Phủ được đầu tư nâng cấp sẽ tạo nên một quần thể cho du lịch của huyện. Cầu Cầu Ván hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác tiềm năng đối với phát triển du lịch kết hợp kinh tế biển của huyện Thạnh Phú nói chung và du lịch biển Cồn Bửng nói riêng trong tương lai. Bên cạnh, thúc đẩy sản xuất phát triển đối với các xã ven biển và phát triển xã Giao Thạnh thành đô thị ở tiểu vùng 3 của huyện Thạnh Phú. Đồng thời, sẽ tác động tích cực đối với công tác giảm nghèo nâng cao mức thu nhập cho người dân, tạo nên một diện mạo mới của vùng nông thôn, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Văn Minh