Site banner

Tiền Giang hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển xa bờ

Tiền Giang phấn đấu đạt sản lượng khai thác cả năm trên 125.000 tấn hải sản các loại đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu. Trong hai tháng đầu năm 2022, mặc dù chưa vào vụ khai thác chính trong năm nhưng các ngư phủ địa phương cũng đã khai thác đạt gần 20.000 tấn hải sản các loại.

Tỉnh hiện có đội tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Số còn lại chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nằm trong diện bị chìm, cháy hoặc nằm bờ chưa tham gia khai thác trong năm 2022.

 

iuu-tien-giang-chuyen-bien-ro-ret-trong-khac-phuc-iuu-145228-20210330-486.jpg 
Ảnh minh họa. Nguồn: nongnghiep.vn

 

Để khai thác hải sản theo hướng bền vững vừa phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định (IUU) một cách hiệu quả, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo đã phối hợp cùng các cấp, các ngành hữu quan thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành tổ chức các cuộc thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất về quản lý tàu cá.

Cùng đó, đảm bảo an toàn cho hoạt động của người và tàu cá trên lĩnh vực khai thác hải sản vừa kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các qui định về phòng, chống khai thác IUU trong ngành khai thác thủy sản địa phương cũng như kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm trên lĩnh vực này.

Đồng thời, Tiền Giang cũng phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương và UBND 28 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong khu vực ven biển trao đổi và xử lý thông tin kịp thời nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá vi phạm các qui định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định ở các vùng biển nước ngoài.

Công tác tuyên truyền về Luật Thủy sản, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP và một số nội dung liên quan đến chống khai thác IUU; Sơ đồ hoạt động nghề cá trên biển; Bản đồ theo dõi bão,Bản đồ ranh giới biển; Bản đồ phân định ranh giới trên biển của tỉnh Tiền Giang, an toàn giao thông và phối hợp cứu nạn trên biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bộ tài liệu tuyên truyền về biển đảo... được triển khai đến các người dân, nhất là các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, ngư phủ để am hiểu, nâng cao nhận thức về vai trò khai thác bền vững nghề cá trong giai đoạn hội nhập, đổi mới và đồng thuận tham gia tích cực.

Mặt khác, tỉnh Tiền Giang triển khai một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa bờ để người dân có thêm điều kiện ổn định và phát triển năng lực khai thác xa bờ nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền trên biển gắn với tổ chức lại hoạt động ngành nghề khai thác hải sản theo hướng phát triển kinh tế tập thể, thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã, đẩy mạnh liên kết trong khai thác, đánh bắt khơi xa...

Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang đã vận động thành lập được 44 tổ hợp tác khai thác hải sản với 405 phương tiện, thu hút 3.544 thuyền viên; 1 hợp tác xã khai thác với 7 phương tiện và 68 thuyền viên; 3 nghiệp đoàn khai thác hải sản với 98 phương tiện và 745 thuyền viên.

Theo đánh giá của lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành thủy sản và phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch cũng như trong việc cung ứng nguyên vật liệu thiết yếu cho nghề biển.

Từ đó, giúp các phương tiện khai thác tiếp tục bám biển dài ngày, giảm chi phí chuyến biển, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản khơi xa vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Ngoài ra, các phương tiện đánh bắt trong các mô hình liên kết sản xuất còn có thể hỗ trợ nhau kịp thời khi thiên tai, tai nạn, hoặc ứng phó rủi ro bất ngờ giữa trùng khơi, giảm thiệt hại, bảo vệ an toàn người và phương tiện khi hành nghề.

 

Theo TTXVN