Site banner

Tổ tàu thuyền đoàn kết - Điểm tựa vững chắc của ngư dân Đà Nẵng

 

 

92291645pm-to-tau-thuyen-doan-ket2.jpg

 

Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Trà tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: Trúc Hà

 

 

Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng là địa phương có lượng tàu đánh bắt hải sản lớn nhất của TP Đà Nẵng với 1.102 phương tiện, trong đó có gần 500 tàu hoạt động vùng khơi. Nhằm mục đích tăng năng suất khai thác, đánh bắt thủy, hải sản của địa phương, đồng thời tăng cường mối đoàn kết, gắn bó, tương trợ của ngư dân trên biển, năm 2021, UBND quận Sơn Trà rà soát, ra quyết định công nhận thành lập 93 tổ tàu thuyền đoàn kết. Các tàu trong mỗi tổ cùng ngành nghề khai thác, có mối quan hệ chặt chẽ, vừa chia sẻ ngư trường, vừa hỗ trợ khi có thiên tai, biến cố trên biển.

Thực tế, các tổ tàu thuyền đoàn kết cũng là “đầu mối liên lạc” với các đài canh thông tin của BĐBP TP Đà Nẵng. Qua thông tin từ các tàu cá, BĐBP cập nhật liên tục diễn biến thời tiết, tàu bị nạn, hay tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển, đảo... Theo Thượng tá Trần Doãn Toản, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP TP Đà Nẵng, thông qua các tổ tàu thuyền đoàn kết, đơn vị đã tuyên truyền, vận động các chủ tàu thuyền chấp hành nghiêm các quy định khi đánh bắt trên biển; đồng thời, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trở về âu thuyền Thọ Quang để bán hải sản sau chuyến đi biển, thuyền trưởng tàu ĐN 90758 TS Nguyễn Văn Tiến, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho biết: Chuyến biển này trúng đàn cá nên không chỉ anh mà các thuyền viên ai nấy đều phấn khởi vì thành quả gần 1 tháng trên biển.

Là Tổ trưởng Tổ tàu thuyền đoàn kết Tiến Lên của phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thuyền trưởng Tiến khẳng định hiệu quả của tổ tàu thuyền đoàn kết: “Không chỉ chia sẻ về ngư trường, chúng tôi còn tương trợ cho nhau khi lao động trên biển. Các tàu cũng đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, di chuyển thế nào thì cơ quan chức năng, BĐBP cũng nắm được. Chúng tôi cũng tự rút ra bài học cho bản thân từ những vụ việc của các ngư dân tỉnh bạn khi vi phạm vùng biển nước ngoài...”.

Thật mừng là gặp ngư dân nào, chúng tôi cũng đều nhận được câu nói tương tự như thuyền trưởng Lê Văn Tiến, qua đó, có thể thấy được ý thức chấp hành pháp luật của các ngư dân Đà Nẵng. Để có được kết quả trên, các Đồn Biên phòng Sơn Trà, Phú Lộc, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng, BĐBP TP Đà Nẵng thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân các cấp tuyên truyền cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên nắm chắc các quy định về vùng khai thác cũng như các văn bản pháp luật liên quan đến việc khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

 

93791645pm-to-tau-thuyen-doan-ket1.jpg 
Cán bộ Đồn Biên phòng Phú Lộc tặng phao cứu sinh cho ngư dân thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trúc Hà

 

Với nhiều hình thức tuyên truyền thường xuyên, linh hoạt như: tập trung, nhỏ lẻ, lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố, khu dân cư, nhà trường trên địa bàn..., kiến thức pháp luật của cán bộ, nhân dân, đặc biệt ngư dân trên địa bàn khu vực biên giới biển đã có sự chuyển biến rõ rệt. Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra hoạt động thủy sản đã góp phần nâng cao ý thức của ngư dân trong tuân thủ pháp luật khi làm ăn trên biển, nhất là không xâm phạm chủ quyền vùng biển các nước khác.

Đại úy Doãn Hồng Quang, Chính trị viên Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Tiên Sa, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng là “gương mặt thân quen” với nhiều ngư dân quận Hải Châu qua các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Các bài nói chuyện của Đại úy Quang đã giúp nhân dân hiểu rõ những quy định về hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp; quy định xử phạt một số lỗi thường gặp về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và thẩm quyền của BĐBP theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP, ngày 16-5-2019 của Chính phủ; chính sách của một số quốc gia có liên quan trong việc xử lý ngư dân, tàu cá nước ngoài vi phạm; tác động của “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với xuất nhập khẩu thủy sản. Các thông tin này giúp ngư dân nắm chắc phạm vi vùng biển Việt Nam, tự giác chấp hành pháp luật, để chung tay cùng các cấp, các ngành gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Ở khu vực miền Trung, mùa biển động thường kéo dài từ tháng 10 âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau, các đài trực canh thông tin của Đồn Biên phòng Phú Lộc, Sơn Trà thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết để thông báo, hướng dẫn cho các tàu chủ động thoát khỏi vùng nguy hiểm cũng như tiếp nhận kịp thời các vụ việc tàu bị nạn trên biển. Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP TP Đà Nẵng còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Chương trình “Tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ” và trao tặng nhiều phần quà, áo phao, hộp thuốc cấp cứu, phao cứu sinh để cổ vũ, động viên ngư dân vươn khơi bám biển, đồng thời phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại tai nạn trên biển.

Việc duy trì hiệu quả các tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển, cùng với hỗ trợ kịp thời, thiết thực của những người lính Biên phòng là nguồn động viên lớn lao giúp ngư dân thành phố Đà Nẵng thêm vững tin trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Lê Văn Thiên, ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu cho biết: “Những ngày nghỉ biển, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng tổ chức tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, tôi và máy trưởng đều tham gia rồi phổ biến lại cho các thuyền viên. Những văn bản cũ thì nghe đi nghe lại nhiều lần cho nhớ, rồi cập nhật các văn bản mới. Tôi có 4 tàu khai thác vùng khơi nên phải hiểu biết và tuân thủ pháp luật cũng là một cách để phát huy thế mạnh ngành nghề và tăng thêm lợi nhuận cho mình và bạn thuyền”.

 

 

Theo bienphong.com.vn