Tháo vây cấp chiến thuật
Trong kháng chiến chống Mỹ, đối phương thực hiện nhiều lần bao vây cấp chiến thuật, quyết tâm xóa sổ lực lượng vũ trang Bến Tre, nhưng không thành công. Quân giải phóng Bến Tre kiên cường, dũng cảm mở đường máu thoát khỏi vòng vây, chuyển bại thành thắng.
Chính quyền Sài Gòn bất ngờ về cuộc Đồng Khởi ở vùng điểm Mỏ Cày 17-1-1960. Trung tuần tháng 3-1960, lực lượng vũ trang non trẻ của Bến Tre đối đầu thắng lợi với một đại đội Thủy quân lục chiến ở Định Hưng (Định Thủy). Đối phương cay cú, tập trung trên một vạn quân hỗn hợp hình thành thế bao vây 3 vòng khép kín theo chiến thuật quả trám đối với ba xã Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy. Lực lượng ta khoảng 60 quân, có cả cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh nằm gọn trong vòng vây. Rừng dừa, rừng mía trong địa bàn chiến sự là thành phần quan trọng của thế trận chiến tranh nhân dân "thiên la địa võng", "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Mỗi lần chạm súng với địch, ta nhanh chóng di chuyển lẩn tránh hỏa lực trong địa hình che khuất. Ta kiên cường bám trụ chống càn, địch thương vong nhiều, ta tổn thương không đáng kể. Đồng bào vùng chiến sự mưu trí "tản cư ngược", đấu tranh trực diện với đối phương làm chùn bước cuộc hành quân xóa "ung nhọt Kiến Hòa".
Cuộc hành quân hỗn hợp quy mô lớn của đối phương vào vùng điểm Đồng Khởi hoàn toàn thất bại cả quân sự lẫn chính trị. Ta bảo tồn lực lượng, rút được kinh nghiệm tấn công địch bằng phương thức "hai chân, ba mũi giáp công".
Sau bốn ngày quần nhau với địch, toàn bộ lực lượng của ta thoát khỏi vòng vây, chuyển quân về cù lao Bảo và Mỏ Cày Bắc, tiếp tục hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy làm chủ xóm, ấp, giải phóng nhiều xã trong toàn tỉnh. Đơn vị cơ động ban đầu liên tục "nở nồi" hình thành lực lượng vũ trang Bến Tre hùng mạnh trong thời kỳ chống Mỹ.
Tiểu đoàn 516 vượt sông Cái Cấm về căn cứ Thanh Tân.
Sau bốn tháng thành lập, Tiểu đoàn 516 ra quân trận đầu thắng lớn. tiếp tục vượt vòng vây chuyển bại thành thắng. Ý định chiến đấu ban đầu là tiêu diệt đại đội bảo an quận Hàm Long, mở rộng địa bàn đứng chân của trạm giao liên vượt sông Tiền nối liền đường dây liên tỉnh về Khu 8. Cách đánh của phương án tác chiến bằng chiến thuật "Công đồn - đả viện". Ta sử dụng một đại đội có tăng cường hỏa lực diệt đồn cấp trung đội ở Phú Túc. Đại bộ phận của Tiểu đoàn 516 được phối thuộc một đại đội địa phương quân Châu Thành phục kích diệt viện ở Lộ Thơ (Thành Triệu). Đối phương đánh giá địa phương quân Châu Thành không có khả năng diệt đồn cấp Trung đội. Chúng lập tức sử dụng một Tiểu đoàn Biệt động quân và Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 10/ Sư đoàn 7 đổ quân giải tỏa, truy lùng lực lượng ta. Đại đội Bảo an Hàm Long không hành quân vào Lộ Thơ, trận địa phục kích diệt viện bị bỏ ngõ.
Hai tiểu đoàn chủ lực của đối phương càn quét giải tỏa ở Quới Thành và Phú Túc. Đến 16 giờ cùng ngày, chúng ra Lộ Thơ để kết thúc hành quân. Trận địa phục kích của ta bị đảo lộn, lấy khóa đầu làm khóa đuôi và ngược lại. Hai tiểu đoàn chủ lực hành quân song song theo bờ kênh Thành Triệu và Lộ Thơ, lọt vào trận địa phục kích diệt viện. Cả hai Tiểu đoàn chủ lực của đối phương bị diệt gọn (trên 600 quân) sau 50 phút chiến đấu, bắt sống 42 tù binh, diệt 4 cố vấn Mỹ và 2 thiếu tá Tiểu đoàn trưởng.
Do giải quyết hậu quả sau chiến đấu, nên Tiểu đoàn 516 không kịp rút khỏi địa bàn chiến sự trong đêm. Sáng hôm sau, đối phương sử dụng một Sư đoàn tăng cường và lực lượng hỗn hợp hình thành thế bao vây ba vòng khép kín trên bờ, dưới sông và vùng ven các xã lân cận thuộc Châu Thành Tây.
Tiểu đoàn 516 vượt kênh Chẹt Sậy về căn cứ Giồng Trôm.
Sau giai đoạn tập trung pháo hỏa chuẩn bị, địch thực hiện đổ bộ đường không 3 Tiểu đoàn ở Phú Túc và Thành Triệu, phái nhiều mũi thọc sâu, thăm dò phát hiện bao vây Tiểu đoàn 516. Suốt 3 ngày trong vòng vây, Tiểu đoàn 516 quyết tử quần nhau với đối phương, kiên cường phòng ngự, chủ động giữ thế tiến công. Tiểu đoàn 516 mở đường máu thoát vòng vây, rút về phòng ngự ở ấp Phú Nhơn, xã An Khánh. Địch phát hiện, tiếp tục điều quân hình thành thế bao vây khép kín, quyết tâm tiêu diệt Tiểu đoàn 516. Chúng sử dụng hỏa lực pháo binh và không quân tối đa trước khi xuất kích. Đồng thời dùng máy bay L19 thực hiện chiến tranh tâm lý, kêu gọi đầu hàng: "Ban chỉ huy Tiểu đoàn 516 gồm Sáu Chung, Tư Nguyễn, Tám Vị và Chín Võ đã bị bắt. Các chiến binh Tiểu đoàn 516 phải ra đầu hàng. Quân lực hùng mạnh của Việt Nam Cộng hòa đã siết chặt vòng vây. Các anh không ra hàng, chúng tôi sẽ tiêu diệt ngay". Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 516 hoang mang vì đòn tâm lý thâm độc. BCH Tiểu đoàn lập tức chia ra bốn hướng, đi trong tầm sát thương hỏa lực của đối phương đến từng công sự các chiến binh thuộc quyền, động viên anh em "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Cán bộ, chiến sĩ nhìn thấy cấp chỉ huy Tiểu đoàn còn nguyên vẹn, sát cánh sống chết có nhau nên vững tin bám chắt công sự, kiên quyết đẩy lùi tất cả các đợt tiến công của quân chủ lực đối phương, giữ vững trận địa đến viên đạn cuối cùng. Tối lại, Tiểu đoàn 516 tiếp tục mở đường máu thoát vòng vây, chấp nhận có tổn thất nhưng không mất sức chiến đấu. Hai bộ phận của Tiểu đoàn 516 hành quân về căn cứ theo hai hướng: vượt sông Cái Cấm về Thanh Tân (Mỏ Cày); vượt lộ 6 về Phú An Hòa, qua kênh Chẹt Sậy về căn cứ Phong Nẫm, Phong Mỹ. Toàn bộ liệt sĩ, thương binh được các mẹ, các chị ở vùng chiến sự đảm đang chu đáo. Hành động quả cảm của má Bảy, má Mười, má Sáu ở An Khánh xứng danh những bà má anh hùng. 42 tù binh được đối xử tử tế, chuyển về căn cứ, giáo dục rồi phóng thích.
Trận đầu Tiểu đoàn 516 ra quân thắng lớn, thoát vòng vây cấp sư đoàn, tiếp tục chuyển bại thành thắng. Mã đáo thành công, mang tin chiến thắng cổ động chiến trường và nhân dân chào đón khao quân.
Chiến thắng vòng vây tử thần Sơn Phú
Sau xuân Mậu Thân 1968, nhiều đơn vị quân giải phóng mất sức chiến đấu, có đơn vị phải xóa phiên hiệu. Nhưng lực lượng vũ trang Bến Tre vẫn còn đủ mạnh để thành lập Chiến đoàn đối đầu với các cuộc hành quân liên quân Việt - Mỹ. Chiến đoàn từng lập công lớn ở các trận Gò Tranh, Hữu Định, An Khánh,…
Đối phương quyết liệt phản công sau Tết Mậu Thân. Chúng liên tục mở các chiến dịch "tìm - diệt", "quét và giữ" bằng mọi phương tiện vũ khí tối tân đánh gãy xương sống "Việt cộng" để bình định và Mỹ từng bước xuống thang chiến tranh.
Đêm 3-11-1968, nhiều phi vụ pháo đài bay B52 ném bom rải thảm xuống vùng Long Mỹ, Tân Hào, Lương Phú. Sáng ngày 4-11-1968, liên quân Việt - Mỹ thực hiện cuộc hành quân quy mô lớn ở chiến trường trọng điểm Giồng Trôm. Chúng đổ bộ đường không 6 Tiểu đoàn xuống các xã Tân Hào, Long Mỹ, Thuận Điền, Phước Long, Lương Hòa, Lương Phú tìm diệt lực lượng vũ trang Bến Tre. Chiến đoàn chủ trương không tập trung đánh lớn, chỉ phái nhiều bộ phận nhỏ đánh ngăn chặn từ xa để bảo tồn lực lượng vì Quân khu có quyết định điều Chiến đoàn trưởng Nguyễn Hữu Vị và Tiểu đoàn 5 về bổ sung cho quân chủ lực. Tỉnh đội trưởng Lê Minh Đào và Chiến đoàn trưởng Bến Tre thống nhất đưa các đơn vị cơ động hỗn hợp gần 1.000 quân của tỉnh về dưỡng quân ở Sơn Phú để củng cố.
Hải đoàn 23 bịt kín sông Hàm Luông, bao vây Sơn Phú, sẵn sàng nhả đạn.
Lực lượng ta đông, đốt đèn đào công sự phòng ngự bị địch phát hiện. Sáng sớm hôm sau, đối phương sử dụng một Tiểu đoàn thọc sâu thăm dò, chạm súng với ta. Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật ra lệnh bao vây với đội hình: hướng Sơn Phú dọc theo lộ 5 là Trung đoàn 11 của Sư đoàn 7 cùng với 1 Chi đoàn M113 (25 chiếc). Đội hình M113 dàn hàng ngang trên cánh đồng cặp lộ 5 cự ly 150m chĩa súng vào điểm đóng quân của ta. Hướng chợ Sơn Phú đến sông Hàm Luông là 2 Tiểu đoàn Biệt động quân và Thủy quân lục chiến rất tinh nhuệ. Giáp ranh xã Phước Long là lính bảo an và lính Sư đoàn 7. Dọc dài theo sông Hàm Luông là Hải đoàn 23 gồm nhiều tàu chiến, tàu há mồm đậu dày khít sẵn sàng đổ bộ. Men theo bờ là một đại đội lính bảo an. Trên trời máy bay quần đảo bỏ bom, tối đến thả trái sáng suốt đêm.
Suốt ngày, trên nhiều hướng, ta và địch chạm súng liên tục, có nơi quần nhau giáp lá cà. Lực lượng ta kiên cường bẻ gãy các đợt đột kích thọc sâu của đối phương, giữ vững trận địa phòng ngự. Tư lệnh Vùng 4 và Tư lệnh Sư đoàn 7 đốc thúc siết chặt vòng vây, quyết tâm tiêu diệt, bắt sống toàn bộ lực lượng bị bao vây. Lực lượng ta đang ở trong rọ, ba bên bốn phía, cả trên trời, dưới sông đều là địch. Tình huống hiểm nghèo, cực kỳ căng thẳng hơn lần bị bao vây hồi Đồng Khởi ở Mỏ Cày và trận Lộ Thơ năm 1964. Tỉnh đội trưởng và Chiến đoàn trưởng bàn thảo 5 phương án tháo vây, nhưng đều không khả thi vì sẽ phiêu lưu và tiêu hao nhiều lực lượng.
Quân - Dân Bến Tre phá đồn bót, chống phá bình định (1969-1972).
Nhưng rất may, trinh sát kỹ thuật phát hiện Tư lệnh vùng 4 và Tư lệnh Sư đoàn 7 ra lệnh Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến và Tiểu đoàn của Sư đoàn 7 phải khép kín khoảng trống 500m, bắt tay trước khi trời tối. Chiến đoàn trưởng nắm bắt thời cơ vàng, phái đơn vị trinh sát thiện chiến và cán bộ gan góc trận mạc, trang bị hỏa lực mạnh độn ngay vào giữa khoảng trống, đồng loạt nổ súng đánh mạnh sang 2 phía, nhanh chóng rút về đội hình phòng ngự. Hai sắc lính vốn có hiềm khích với nhau, bây giờ như gà nhà bôi mặt đá nhau sứt mồng xệ cánh và cuối cùng không bắt tay khép kín vòng vây.
Giữa khoảng trống ấy có một con mương dẫn nước vào ruộng lúa sắp trổ bông. Trên trời lúc nào cũng có ba trái sáng soi rõ từng vật thể dưới mặt đất. Bộ phận hỏa lực và trinh sát làm nhiệm vụ cảnh giới 2 bên cửa mở. Thương binh, liệt sĩ ưu tiên điều ra trước, lần lượt các đơn vị bộ binh và binh chủng âm thầm lẩn khuất theo cây cỏ um tùm hai bên mương và cuối cùng Tỉnh đội trưởng, Chiến đoàn trưởng thoát khỏi vòng vây an toàn.
Sáng sớm hôm sau, đối phương hùng hổ "Tiền hỏa, hậu xung" nghênh ngang xông vào trận địa không có người. Sắc lính này đổ lỗi sắc lính kia. Cuối cùng Tư lệnh Vùng 4 ra lệnh bắt giam, đưa ra tòa án binh tên thiếu tá Thiết đoàn trưởng vì cho rằng lính thiết giáp thấy "Việt Cộng" thoát vây mà không dám xử lý, qui tội "ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản".
Khoảng trống của vòng vây mà ta tạo cớ đối phương không bắt tay được và con mương dẫn nước nội đồng của nông dân là đường cứu sinh cho đoàn quân cách mạng. Cuộc đấu trí đấu lực sinh tử cuối cùng chiến thắng vòng vây tử thần Sơn Phú thuộc về quân giải phóng Bến Tre. Chiến lệ thoát vòng vây nhanh chóng được hoan nghênh ở cấp Khu, cấp Miền.
Bước sang giai đoạn 1969 - 1972, cường độ chiến tranh ngày càng cao, tính chất đối đầu ngày càng khốc liệt, thủ đoạn của đối phương càng nham hiểm. Chúng bao vây phong tỏa quyết liệt trên nhiều mặt bằng các chiến dịch "tìm-diệt", "quét-giữ", "bình định", thiết lập hệ thống đồn bót dày đặt khắp 3 dải cù lao. Tình thế cách mạng gặp nhiều khó khăn. Có thể nói đó là giai đoạn mà đối phương cố sức thực hiện chiến dịch bao vây tiêu diệt. Lực lượng cách mạng nói chung, lực lượng vũ trang nói riêng bảo tồn bằng tự lực cánh sinh, có sự giúp đỡ lớn lao của bà con vùng giải phóng và những người yêu nước ở đô thị, từng bước vượt qua khó khăn, tập trung chống bình định, đẩy mạnh 3 mũi giáp công, kiên cường chống trả quân địch ruồng bố lấn chiếm vùng giải phóng, bức hàng bức rút nhiều đồn bót, mở vùng mở mảng nhiều nơi. Lực lượng cách mạng vượt qua vòng vây phong tỏa, phát triển lực lượng nhảy vọt, phát huy sức mạnh tổng hợp, hưởng ứng chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc chiến tranh, giải phóng 3 đảo dừa xanh một thời đau thương tang tóc trong khói lửa chiến tranh.
Sau bao năm gồng mình hàn gắn vết thương chiến tranh, vươn mình trong công cuộc đổi mới, tiếp tục phá vòng vây sông nước của tạo hóa bằng những cây cầu thế kỷ để Bến Tre vững bước hội nhập và phát triển.
Nguyễn Hữu Vị
Nguồn: baodongkhoi.com.vn