Lễ chào cờ - Lễ tưởng niệm ở Trường Sa
Trong thời gian chúng tôi đang ở vùng biển quần đảo Trường Sa thì Trung Quốc cho giàn khoan Hải Dương - 981 đến vùng biển Hoàng Sa. Từ ngày đầu tháng 5-2014, họ đã ngang nhiên, trái phép đặt giàn khoan này trên vùng biển Hoàng Sa, thuộc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trở về đất liền Bến Tre, tôi điện ra cho một người con Bến Tre quê xã Lương Quới (Giồng Trôm) đang canh giữ biển trời, thuộc quần đảo Trường Sa - Trung úy Lê Đình Quân, 29 tuổi đời, 10 tuổi quân, chưa vợ, thì nhận được câu trả lời kiên định: "Chúng cháu ngày đêm sẵn sàng làm nhiệm vụ. Bà con quê mình an tâm" - Quân dứt khoát.
Đoàn công tác chúng tôi ra Trường Sa vào những ngày cuối tháng 3 âm lịch. Theo ngư dân, thời tiết tháng 3 âm lịch "bà già đi biển". Biển Trường Sa những ngày này trời quang, tầm nhìn xa, sóng dập dềnh, tưng tưng nhẹ. Anh Đỗ Đình Hoằng - Phó Giám đốc Trung tâm Công tác thông tin tư tưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng phòng với tôi trên tàu HQ 561, cảm nhận: "Biển Trường Sa nhiều hôm nay sóng như ở Hồ Tây - Hà Nội". Và tôi đã điện cho gia đình ở Bến Tre cái chuyện "sóng Hồ Tây... ở Biển Đông ấy", để gia đình giảm lo chuyến đi biển dài ngày nhất trong "lịch sử" đời tôi. Nhưng những ngày đầu tháng 5-2014, vùng biển Hoàng Sa thật sự nổi sóng - sóng dữ không phải do thời tiết xấu mà do nước láng giềng từ phương Bắc khuấy quậy lên khi họ ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương - 981 xuống biển, vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Sóng yêu nước bừng dậy trong tim mỗi người Việt Nam, cùng bạn bè quốc tế gần xa.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng tất vào năm 1956 và năm 1974. Một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa - Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực vào tháng 3-1988. Quần đảo Trường Sa đang là đối tượng tranh chấp 5 nước, 6 bên (gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Phi-líp-pin, Ma-lai-xia, Bru-nây và một bên là Đài Loan).
Bài học máu xương của chiến trận Hoàng Sa cùng Gạc Ma chưa khô ráo máu, mãi mãi với người Việt Nam đang sống và con cháu muôn đời sau.
Tác nghiệp của phóng viên báo chí, cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền trên đảo Đá Tây. Ảnh: Minh Trấn
Lễ chào cờ
Tôi đã từng leo lên tháp cột cờ Lũng Cú ở biên giới Việt - Trung, nhìn toàn cảnh biên giới núi non trùng điệp, lòng thật nhiều cảm xúc về biên giới trên bộ. Nhưng hôm nay, trong những ngày lịch sử, giữa Biển Đông, trên đảo Sơn Ca, tôi được hát bài "Tiến quân ca" - đầu tiên, đầu đời giữa biển trời mênh mông nắng gió. Khi Trung tá Đảo trưởng Sơn Ca Đỗ Thế Tuyến, dõng dạc hô khẩu lệnh chào cờ, đọc 10 lời tuyên thệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam trước cờ đỏ sao vàng phất phới bay, lòng tôi rộn lên bao xúc động, niềm tự hào về quê hương, đất nước, biển trời Việt Nam. Cả sân hành lễ chào cờ ở đảo Sơn Ca như dừng yên. Dòng máu đỏ da vàng tô màu cờ sao lưu chảy mạnh trong bao người thiêng liêng bất tận. Trước cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Sơn Ca, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, trưởng đoàn công tác phát biểu ngắn gọn: Các đồng chí đã nỗ lực phi thường để bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Đoàn chúng tôi có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền để cho mọi người hiểu rõ. Vị trưởng đoàn nhắc lại nguyên văn câu nói của nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Lê Đức Anh vào tháng 3-1988, khi đến thăm đảo Trường Sa Lớn: "... Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".
Lãnh đạo tàu HQ 561 có thông báo tối trước đó, con tàu đưa chúng tôi đã ngang qua đảo Ba Bình, đảo nổi to nhất của quần đảo Trường Sa, do phía Đài Loan chiếm giữ (diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo Trường Sa khoảng 3km2, trong đó đảo Ba Bình lớn nhất, rộng khoảng 0,5km2).
Lễ chào cờ cuối cùng của chúng tôi là trên đảo Trường Sa Lớn, sau hải lộ dài khoảng 800 hải lý. Sau những hoạt động trên đảo Trường Sa, chúng tôi đến các nhà giàn thuộc vùng biển Phúc Tần, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Buổi chào cờ Tổ quốc hôm ấy, cũng tiếng khẩu lệnh hùng dũng, đọc 10 lời tuyên thệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, duyệt đội ngũ chào mừng quý đại biểu của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn. Xong phần nghi thức, những bài hát về tình yêu biển đảo, những lời hát thật sự thấm ngấm vào máu thịt từng người: "Ôi, thiêng liêng Tổ quốc! Ôi, thiêng liêng biển đảo quê hương! Nam quốc sơn hà Nam đế cư..." vang vọng giữa biển trời đảo Trường Sa xanh.
Tại đảo Trường Sa Lớn, đoàn công tác chúng tôi chứng kiến những sự kiện vô cùng phấn khởi: máy bay chiến đấu hiện đại và thủy phi cơ hạ cánh; khánh thành Bưu điện văn hóa thị trấn Trường Sa và triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử". Trên đảo Trường Sa đã có những công trình văn hóa, như: Nhà văn hóa, trường học, Nhà lưu niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ...
Một số công trình được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, sự đóng góp của nhiều người trong và ngoài nước.
Lễ tưởng niệm
Từ xã đảo Sinh Tồn, chúng tôi đến vùng biển thuộc đảo Cô Lin. Cô Lin cách đảo Gạc Ma, bị Trung Quốc chiếm giữ không xa. Xế chiều, tàu HQ 561 thả neo gần Gạc Ma, để cán bộ, chiến sĩ, đại biểu có mặt trên tàu làm lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hải quân ta anh dũng hy sinh bảo vệ Gạc Ma. Vào những ngày đầu tháng 3-1988, Trung Quốc tấn công đánh chiếm 3 điểm đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin. Ngày 14-3-1988, họ đã tàn sát 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân ta, chiếm lấy điểm đảo chìm Gạc Ma. Tôi đứng trên boong tàu HQ 561, nhìn qua ống kính télé máy ảnh, thấy nhiều tàu to, các lực lượng khác của Trung Quốc đang ra sức xây dựng, củng cố đảo Gạc Ma. Không biết ý đồ, mục đích của họ là gì tiếp theo ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa này. Gạc Ma - nỗi nhức nhối không nguôi trong mỗi con người Việt Nam yêu nước.
Những vòng hoa, vật phẩm, khói hương phảng phất được các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ tàu chúng tôi thả trôi bồng bềnh trên biển. Một bài văn tế được lãnh đạo đoàn công tác đọc trầm vang, nhiều mái đầu xanh, đầu bạc; các sắc phục cùng kính cẩn tưởng niệm. Đối với một số người đang tưởng niệm "đảo là nhà, biển cả là quê hương" - 64 cán bộ, chiến sĩ nằm xuống trên đảo Gạc Ma, biển đảo mãi mãi, nghìn thu là nhà, quê hương thấm máu xương bất diệt!
Trước cửa chùa ở xã đảo Sinh Tồn, gần cây bồ đề mà đoàn kiều bào ta vừa trồng lưu niệm, bia tưởng niệm, ghi tên từng Anh hùng hy sinh ở Gạc Ma vẫn khói hương nghi ngút. Và trước cổng chùa Trường Sa, từ hôm qua, dòng khẩu hiệu chữ đỏ, nền vàng to được căng treo trịnh trọng: "Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm anh linh các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và đồng bào, bạn bè quốc tế tử nạn trên Biển Đông".
Cách Vũng Tàu vài trăm hải lý, ở vùng biển thềm lục địa phía Nam, đoàn công tác chúng tôi dự lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ chúng ta đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ xây dựng, bảo vệ các nhà giàn DK. Biển xanh buổi sớm nhuộm vàng rực ánh bình minh. Những vòng hoa, vật phẩm cùng nhiều hoa tươi được từng đại biểu thả xuống từ boong tàu. Lúc hành lễ tưởng niệm, tàu HQ 561 kéo hồi còi dài. Tàu kiểm ngư Việt Nam đang hoạt động gần đó cũng hưởng ứng bằng còi vang cả một vùng biển. Sau lễ tưởng niệm, đoàn công tác chúng tôi dùng xuồng máy lên thăm các nhà giàn DK 16 và DK 17. Việc lên nhà giàn không phải dễ dàng cho những đại biểu nào cao huyết áp và sợ độ cao. Tại nhà giàn DK 16, cán bộ, chiến sĩ ở đây đã nêu một kiến nghị đầy xúc động: "Các chú, các anh chị thường xuyên ra thăm để thật sự rút ngắn khoảng cách giữa đất liền và nhà giàn DK".
Chùa ở Trường Sa
Ở đảo Trường Sa Lớn và một số đảo nổi khác thuộc quần đảo Trường Sa, chùa và một số công trình văn hóa, tâm linh được xây dựng khá khang trang, xinh đẹp, hài hòa, nhiều công trình nguồn kinh phí xây dựng được xã hội hóa.
Mặt trời chui xuống biển, tiếng chuông chùa Trường Sa nổi lên ngân nga. Anh Đỗ Đình Hoằng bảo tôi đi chùa Trường Sa thắp hương và thăm thầy trụ trì. Khi tới chánh điện của chùa, tôi đã thấy anh Lê Văn Nghiêm - Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, anh Thái Thiên - Cục phó Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có mặt ở đây. Đại đức Thích Pháp Đại - trụ trì chùa Trường Sa tiếp chúng tôi. Dưới ánh đèn điện, bức tượng Phật ngọc bích quý giá được phật tử từ đất liền dâng hiến để thờ nơi đây. Thầy trụ trì cho biết, mỗi mét vuông xây dựng chùa giá 33 triệu đồng, phần chánh điện là 173m2. Bà con trong đất liền, cả kiều bào đã ủng hộ kinh phí nhưng đến nay chùa vẫn chưa thanh toán xong. Trong lúc chúng tôi chuyện trò, một số đại biểu tìm gặp thầy trụ trì xin chữ rước lộc. Thầy trụ trì lấy bút lông, mực, viết tiếng Việt vào những cục đá san hô, vỏ ốc...
Duyệt đội ngũ - chào mừng đại biểu đến thăm đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Minh Trấn
Tại các đảo nổi Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn đều có những cảnh chùa. Chùa ở Trường Sa có dáng kiến trúc cổ Việt Nam; cổng chùa, mái chùa, gác chuông cong vút, trầm mặc... như chính ở đất liền.
Vườn hoa thanh niên ở đảo Sinh Tồn
Cách chùa Trường Sa không xa là tượng đài liệt sĩ Trường Sa. Trước đài liệt sĩ có đặt tượng Phật Quán Thế Âm. Các cụm tượng tạo ra không gian tâm linh hài hòa đạo - đời giữa biển trời trùng khơi sóng gió. Tượng đài liệt sĩ Trường Sa lập dựng toàn bằng đá. Cũng như các cảnh chùa, tượng đài liệt sĩ Trường Sa do ông Hoàng Văn Sáu, quê gốc Thọ Xuân, Thanh Hóa, đang làm ăn sinh sống tại tỉnh Bình Phước, cung tiến kinh phí xây dựng công trình gần 10 tỷ đồng.
Người Bến Tre ở Trường Sa
Các đảo nổi ở Trường Sa mà tôi đến thường được trồng nhiều loại cây: phong ba, bàng vuông, tra... nhưng cũng không thiếu cây dừa. Cây dừa - hình ảnh, biểu tượng của quê hương Bến Tre, càng đặc biệt đối với những người con Bến Tre đang học tập, công tác, làm ăn sinh sống xa quê. Dừa nhiều nhất có thể là ở đảo Nam Yết, rồi Sinh Tồn, Sơn Ca...
Những đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn mà chúng tôi tới, chỉ tìm gặp một người con Bến Tre duy nhất đang trực tiếp canh giữ biển trời quần đảo Trường Sa là Trung úy Lê Đình Quân đang có mặt trên đảo Nam Yết. Tại đảo trồng nhiều dừa (Nam Yết), đồng đội gọi Quân là "người đẹp Bến Tre" là vậy. Cha Đình Quân làm vườn, mẹ dạy học ở Trường THCS xã Lương Quới (Giồng Trôm).
Trẻ em vui đùa trên đảo Trường Sa Lớn.
Lê Đình Quân bộc bạch: Nghe các cô chú quê Bến Tre ra tìm, nhớ quê hương, nhớ kẹo dừa quá! Quân bảo: "Đã là bộ đội ra Trường Sa thì ở đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn đều có những khó khăn, thuận lợi riêng. Vấn đề là mỗi người, đơn vị phải khắc phục, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ". Đình Quân xin chụp ảnh chung cùng đồng đội, cô chú ở Bến Tre đến thăm đơn vị để gửi về làm quà cho cha mẹ tại quê nhà. Chúng tôi đã đáp ứng yêu cầu của Quân trọn vẹn. Trong những tấm ảnh Trường Sa của Quân và đồng đội không thiếu cây bàng vuông, cây phong ba, cây dừa và cây đèn biển (hải đăng) đảo Nam Yết - cây đèn biển vừa mới xây dựng xong cao vời vợi, hàng đêm soi rọi, chỉ đường dẫn lối trên Biển Đông cho tàu bè ta và bạn bè thông suốt, bình yên, hữu nghị.
Ghi chép của Minh Trấn