Site banner

Thắt chặt quan hệ giữa Việt Nam với các đảng Cộng sản Ấn Độ

Lãnh đạo đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) và đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít (CPI-M) đã tiếp ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn đại biểu Việt Nam trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ.

 

Lãnh đạo CPI (M) tiếp Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Minh Lý-Đăng Chính/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, chiều 21/3, Lãnh đạo đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) và đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít (CPI-M) đã tiếp ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn đại biểu Việt Nam trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ.

Trong các buổi tiếp riêng tại trụ sở của mỗi đảng ở thủ đô New Delhi, ông Shameen Faizee, Ủy viên bộ Chính trị CPI, Tổng biên tập báo New Age (Thời đại mới - cơ quan ngôn luận của Đảng này), ông S. Yechury, Ủy viên bộ Chính trị, Trưởng ban Quốc tế CPI-M, cùng ông Hari Singh Kang, Ủy viên Trung ương CPI-M đã trao đổi với ông Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn đại biểu Việt Nam về tiến trình phát triển của mỗi đảng, tình hình tại Ấn Độ, cũng như những diễn biến đáng quan tâm trong khu vực và trên thế giới.

Lãnh đạo CPI và CPI-M vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống Ấn Độ-Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp, quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước đã phát triển cả bề rộng, lẫn chiều sâu.

Lãnh đạo CPI và CPI-M mong muốn Ấn Độ và Việt Nam nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, vì lợi ích của nhân dân hai nước và sự thịnh vượng của cả khu vực.

Phát biểu tại các cuộc gặp với Lãnh đạo CPI và CPI-M, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng CPI, CPI-M có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác tốt đẹp.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn sâu sắc tình đoàn kết và sự ủng hộ quý báu mà các đảng Cộng sản và nhân dân Ấn Độ đã dành cho Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giải phóng đất nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Ông hy vọng quan hệ giữa đảng Cộng sản Việt Nam với CPI cũng như CPI-M sẽ ngày càng được thắt chặt và phát triển hơn nữa; hy vọng CPI và CPI-M tiếp tục ủng hộ việc phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt và đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Ông Nguyễn Thiện Nhân thông báo với Lãnh đạo CPI và CPI-M về việc đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII vào đầu năm 2016 - sự kiện trọng đại nhằm tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (2010-2015); xác định phương hướng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

* Trước đó, sáng 21/3, ông Nguyễn Thiện Nhân đã dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ-Việt Nam, do Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức.

Đoàn đại biểu doanh nghiệp Việt Nam, do ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI dẫn đầu, đã cùng đại diện hàng chục công ty Ấn Độ trao đổi tiềm năng và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ mô hình kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong giai đoan 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ tăng 77 lần, từ 72,1 triệu USD năm 1995 lên 5,6 tỷ USD năm 2014.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, kim ngạch thương mại Ấn Độ-Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với tiềm năng của hai nước. Các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp hai nước cần tìm ra nguyên nhân và nắm bắt cơ hội để thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Vụ trưởng vụ Phương Nam - Bộ ngoại giao Ấn Độ, Sanjay Bhattacharyya và Giám đốc điều hành CII, Sudhr Kapur cũng cho rằng Việt Nam là một đối tác kinh tế quan trọng của Ấn Độ và hy vọng sẽ có rất nhiều cơ hội mở ra sau khi Ấn Độ và ASEAN triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do về dịch vụ và đầu tư; Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Ấn Độ, tính đến năm 2013, Ấn Độ đã có 77 dự án đầu tư vào Việt Nam trị giá 254 triệu USD, trong khi đầu tư của Việt Nam sang Ấn Độ cũng tăng dần, đạt 24 triệu USD trong cùng năm.

Theo ông Bhattacharyya, có ba yếu tố thúc đẩy quan hệ Việt Nam Ấn Độ: Việt Nam và Ấn Độ là những nước có tốc độ tăng trưởng cao, với GDP năm 2014 của Việt Nam đạt 6%, Ấn Độ là 7%; Việt Nam đang cùng các thành viên ASEAN hướng tới thành lập Cộng đồng kinh tế chung vào cuối năm nay, là cầu nối giữa Ấn Độ với ASEAN; Việt Nam là nền kinh tế năng động, do đó sẽ là cửa ngõ để Ấn Độ làm ăn với các công ty trên thế giới. Sau khi ASEAN-Ấn Độ ký FTA trong lĩnh vực hàng hóa, kim ngạch thương mại Ấn Độ-Việt Nam đã tăng gấp 4 lần và riêng năm ngoái tăng 27%.

Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 20 tỷ USD vào năm 2020 là một kỳ vọng lớn song vẫn thấp hơn tiềm năng. Tiểu ban hỗn hợp về thương mại cấp thứ trưởng đã họp trong tháng 1 vừa qua và xác định bảy lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác thương mại, trong đó có dệt may, da giày, dược phẩm, nông nghiệp, kỹ thuật và nông nghiệp, du lịch. Ấn Độ mong muốn tham gia phát triển lĩnh vực cơ sở hạ tầng, lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam, trong khi tài chính-ngân hàng cũng là lĩnh vực có tiềm năng trong hợp tác hai bên.

Nguồn vietnam.vn