"Hôm nay Thạnh Phú quê em, điện giăng giăng chiếu sáng khắp làng quê. Tàu ra khơi tôm cá khoang đầy, nhà ai xây tươi màu ngói mới..." Những giai điệu mượt mà, vui tươi đầy tha thiết trong bài hát "Về thăm Thạnh Phú quê em" của nhạc sĩ Quốc Nam mỗi khi vang lên, như phần nào gột tả hết sức sống mới của một miền quê trù phú, cường thịnh, đúng như tên gọi của nó, Thạnh Phú!
Thật vậy, trong dòng chảy hội nhập và phát triển chung của tỉnh nhà, Thạnh Phú đang từng bước chuyển mình, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và bước đầu đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Hàng trăm công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng, đời sống của người dân ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm đáng kể… Có được những thành quả như hôm nay là cả một chặng đường dài phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng tiền đề cho sự phát triển đó, là cả một truyền thống qua hàng trăm năm về lớp người Thạnh Phú cần cù trong lao động, dũng cảm không khuất phục trước thiên nhiên và cường quyền, sẵn sàng quên mình vì tự do, độc lập.
Để minh chứng cho điều đó, có thể ngược dòng lịch sử thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, những cư dân miền Trung và miền Bắc đầu tiên đặt chân lên vùng đất Thạnh Phú vốn còn nhiều hoang vu, rậm rạp, nhiều thú dữ… đã nhanh chóng thích nghi, mưu trí đối mặt với những khó khăn, gian khổ để tồn tại, biến nơi đây thành vùng đất đầy sức sống bằng màu xanh của lúa, của những vườn cây trĩu quả… Có lẽ cũng chính từ chống chọi với sự hà khắc của thiên nhiên đã tôi luyện nên tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, lòng dũng cảm của người dân Thạnh Phú qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều người dân trong huyện đã hăng hái tham gia cách mạng, góp mặt trong các đội nghĩa quân chống Pháp của tỉnh từ những ngày đầu chúng có mặt trên vùng đất ba dãy cù lao này. Với địa hình có nhiều rừng và sông rạch hiểm trở, Thạnh Phú trở thành căn cứ địa cách mạng của tỉnh và vinh dự là nơi xuất phát của chuyến vượt biển đầu tiên của đoàn đại biểu tỉnh ra miền Bắc gặp Bác Hồ đầu năm 1946, mở đường chi viện của Trung ương cho chiến trường miền Nam. Cũng chính từ con đường huyền thoại này lại là nơi xuất phát đầu tiên của những "con tàu không số" vượt thời gian, trở thành "đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với ý nghĩa chiến lược đó, nơi đây từng là một trong những trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt nhất, tàn khốc nhất, nhưng đấy cũng chính là nơi mà quân và dân ta đã viết nên những trang sử hào hùng của huyện, khi liên tiếp đánh bại nhiều cuộc hành quân lớn của địch như: Phượng Hoàng TG1, Cửu Long 1, Sóng thần 5…
Lãnh đạo các cấp và nhân dân trong huyện dự lễ khởi công Dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Thạnh Hải ngày 17/01/2013
Tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của huyện, không thể không nhắc đến Tiểu đoàn 307 là đơn vị nổi tiếng "đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy" trong 9 năm chống Pháp đã làm lễ xuất quân đầu tiên trên đất Đại Điền. Nhân dân An Qui nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành thắng lợi vào ngày 17/1, cổ vũ các địa phương trong huyện làm nên cuộc Đồng Khởi chung trong toàn tỉnh năm 1960. Chiến thuật "phục kích vận động" được ghi dấu bằng chiến thắng trong trận đánh Giá Thẻ, xã An Nhơn năm 1961 hay như tinh thần chiến đấu dũng cảm oanh liệt của gần 100 chiến sĩ chống lại hai tiểu đoàn chính qui, tinh nhuệ và một đại đội bảo an của Ngụy quân trong trận 30/10/1967 tại Thị trấn Thạnh Phú (nay là xã Mỹ Hưng)... Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Thị Nữ - Bí thư Huyện ủy, quân và dân trong huyện đã cùng với miền Nam tấn công và nổi dậy, góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử, thống nhất nước nhà.
Còn nhiều, nhiều hơn nữa những chiến công hiển hách đã được lịch sử ghi lại qua hai cuộc đấu tranh cách mạng, là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, lòng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, không ngại hi sinh của quân và dân trong huyện. Với con số gần 3.270 liệt sĩ, hơn 1.800 gia đình có công với cách mạng đã nói lên điều đó. Năm 1996, huyện vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Sau hòa bình lập lại, mặc dù còn những tàn dư của chiến tranh, nhưng với truyền thống anh hùng, Đảng bộ, quân và dân Thạnh Phú đã kiên cường vượt qua muôn vàn gian khó, kiến thiết lại quê hương ngày một văn minh, giàu đẹp. Hiện nay, huyện có 17 xã và 01 thị trấn có tổng diện tích tự nhiên hơn 42.500 ha với dân số trên 127.000 người. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được hình thành và phát huy hiệu quả ở cả ba tiểu vùng với kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản… Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án đã và đang được triển khai xây dựng sẽ là nền móng vững chắc để huyện tiếp tục hướng đến những mục tiêu xa hơn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, gần đây huyện đã đưa vào sử dụng công trình cầu Cầu Ván, nối liền hai bên bờ sông Eo Lói, phá thế biệt lập của ba xã ven biển với các xã còn lại, mở ra nhiều hướng phát triển kinh tế đối với vùng căn cứ cách mạng năm xưa. Đây cũng là mục đích khi huyện được tỉnh đầu tư xây dựng đường về trung tâm ba xã Thạnh Hải, An Điền và Mỹ An. Hiện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đang tập trung dồn sức đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nhằm từng bước thay đổi bộ mặt làng quê, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống nhân dân.
Hiện tại và tương lai đang mở ra cho huyện nhiều triển vọng phát triển mới, nhưng thế hệ người Thạnh Phú hôm nay vẫn không quên công lao to lớn của những người đã ngã xuống, đem xương máu tô thắm cho ngọn cờ độc lập. Truyền thống "uống nước nhớ nguồn" đó đã xây dựng lên hàng trăm ngôi nhà cho gia đình chính sách, nhiều con em gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh, người có công được quan tâm, tạo mọi điều kiện trong học tập, sản xuất. Đặc biệt, thời gian qua, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây dựng, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ huyện và Nghĩa trang liệt sĩ Hồ Cỏ thật trang nghiêm, thể hiện lòng thành kính tri ân những người đã khuất… Hơn thế nữa, huyện còn được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng "Dự án bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển" tại hai xã Thạnh Hải và Thạnh Phong với tổng diện tích hơn 630 ha. Mục đích của dự án nhằm tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông huyền thoại. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu dân tộc, đoàn kết vượt mọi khó khăn, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ tiếp theo. Khi dự án hoàn thành sẽ mở ra cơ hội cho Thạnh Phú phát triển du lịch theo hướng bền vững, trở về chiến trường xưa, tham quan rừng ngập mặn, du lịch sinh thái... Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ gìn, bảo vệ an ninh quốc phòng ở các xã biên giới biển.
Tháng 10 năm 2010, trong lần về dự lễ đặt viên đá khởi động dự án "Công viên nghĩa trang – đường mòn Hồ Chí Minh trên biển" tại Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trương Vĩnh Trọng - người đã từng có những năm tháng gắn bó với vùng căn cứ cách mạng này đã xúc động, khẳng định: Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhân dân huyện Thạnh Phú đã đổ biết bao máu xương để bảo vệ nền độc lập dân tộc; nơi đây còn là căn cứ địa cách mạng, từng nuôi dấu, chở che cán bộ; luôn sống trọn nghĩa vẹn tình... Tuy nhiên, đời sống của người dân hai xã ven biển nói riêng, huyện Thạnh Phú nói chung đến nay vẫn còn lắm khó khăn, vất vã. Phó Thủ tướng không quên căn dặn chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực – là nhân tố quyết định góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với công lao của những người đã ngã xuống.
Vâng! Để xứng đáng với công lao của những người đã ngã xuống, xứng đáng với truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực từng ngày, từng giờ trong lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Đồng Khởi mới… Thiết nghĩ, song song với hội nhập và phát triển, huyện cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau thêm tự hào về quê hương, con người xứ Thạnh; tích cực ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là nói đúng, làm đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh cả nước đang hướng về biển, đảo quê hương như hiện nay…
Thạnh Phú xưa anh dũng kiên cường, Thạnh Phú nay nhất định sẽ chuyển mình vươn lên phát triển toàn diện, nhất định sẽ gặt hái thành công trong công cuộc Đồng Khởi mới, để mãi cho "Hôm nay Thạnh Phú quê em, điện giăng giăng chiếu sáng khắp làng quê. Tàu ra khơi tôm cá khoang đầy, nhà ai xây tươi màu ngói mới...".
Quốc Vinh