Đoàn cán bộ Quản lý tri thức và Truyền thông của Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD) do ông James Heer – Trưởng phòng truyền thông của IFAD tại Ý phối hợp với Ban Quản lý Dự án DBRP Bến Tre vừa có chuyến khảo sát, tìm hiểu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre.
Với mục tiêu là hỗ trợ ban đầu về quản lý tri thức và truyền thông biến đổi khí hậu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre trong khuôn khổ Dự án "Thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long" (AMD), trong ba ngày (9 và 13-14/3/2014), đoàn đã đến các xã: Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày Bắc), Bảo Thuận (huyện Ba Tri) và Phú Đức (huyện Châu Thành) tiến hành khảo sát thực địa, thực hiện phóng sự, ghi hình, trao đổi với lãnh đạo và người dân địa phương về những tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống và sản xuất; đồng thời trao đổi với Ban Quản lý Dự án về nhu cầu và kế hoạch quản lý tri thức trong khuôn khổ triển khai Dự án AMD về biến đổi khí hậu.
Trao đổi với lãnh đạo xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri) về tác động của biến đổi khí hậu.
Tỉnh Bến Tre nằm ở hạ lưu sông Mê Kông tiếp giáp biển Đông, với chiều dài bờ biển là 65km và có hệ thống sông rạch chằng chịt, cao độ địa hình từ 1-2m so với mực nước biển; trong đó, vùng thấp ven sông, biển chỉ dưới 1m nên thường xuyên bị ngập khi triều cường. Do đó, Bến Tre được nhận định là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo các kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Bến Tre thì các ngành dễ bị tổn thương nhất là nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, hệ sinh thái tự nhiên ven biển (các khu bảo tồn đa dạng sinh học, rừng ngập mặn) trong đó có rừng phòng hộ có nguy cơ tổn thương cao. Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, áp thấp, xâm nhập mặn, hạn hán, triều cường thường xuyên xảy ra với cường độ mạnh hơn.
Dự án "Thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21 tháng 11 năm 2013, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre là cơ quản chủ quản của dự án. Dự án được thực hiện trong thời gian 6 năm (2014-2020) tại 30 xã của 8 huyện: Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và Chợ Lách.
Hạn mức vốn của Dự án tại Bến Tre là 24,66 triệu USD, trong đó vốn ODA là 17 triệu USD, vốn đối ứng là vốn đối ứng là 7,76 triệu USD.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai trong tháng 5/2014 và sẽ góp phần giúp Bến Tre xây dựng năng lực thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời đem lại sự thịnh vượng bền vững cho người nghèo nông thôn, thông qua việc cải thiện chất lượng cuộc sống và thu nhập từ việc tham gia vào các hoạt động kinh tế để có thể ứng phó với rủi ro của biến đổi khí hậu.
Tin, ảnh: P.Trần