Site banner

Ba Tri sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế trang trại

Ba Tri là huyện thuần nông nên sản xuất nông nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế của huyện. Tuy nhiên, trước đây do sản xuất, nuôi trồng của người dân còn nhỏ lẻ, chưa qui mô nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Năm 2003, sau khi tiếp nhận Chỉ thị 08-CT/TU ngày 19/5/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển kinh tế trang trại, huyện Ba Tri tiến hành triển khai chủ trương này cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và chỉ đạo thực hiện trong Nghị quyết 04-NQ/HU ngày 12/4/2006 của Huyện ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.  Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai lồng ghép các cuộc hội nghị, họp dân để nhân dân nhận thức và tham gia thực hiện. Theo đó, Huyện ủy chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan chú trọng phát triển các hình thức hợp tác, hợp tác xã và kinh tế trang trai. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển xã hội của huyện đến năm 2020, huyện lãnh đạo các ngành phân vùng sản xuất trên địa bàn theo thế mạnh về kinh tế và điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Trong đó, kinh tế trang trại được định hướng phát triển các loại hình như trang trại chăn nuôi dê, bò, heo ở vùng ngọt, vùng mặn chủ yếu nuôi thủy sản với các hình thức như nuôi công nghiệp, quảng canh cải tiến.

Nông dân đầu tư nuôi bò qui mô theo hướng trang trại.

Từ đó, người dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, nhất là trang trại chăn nuôi bò. Nếu như năm 2003, đàn bò của huyện chỉ có hơn 32.600 con thì đến nay tăng lên gần 67.000 con. Bên cạnh đó, chất lượng và giá trị đàn bò cũng không ngừng được nâng lên nhờ người dân luôn thay đổi giống mới. Từ năm 2009 đến năm 2012, trung bình mỗi năm người dân xuất bán khoảng 1.000 con bò với tổng thu nhập 15 tỷ đồng. Đặc biệt trong 10 năm qua, trong số 78 hộ đăng ký phát triển kinh tế theo mô hình trang trại của huyện có 64 hộ được công nhận kinh tế trang trại. Trong đó có 60 trang trại nuôi bò cái sinh sản, 1 trang trại heo, 2 trang trại vịt đẻ, 1 trang trại gà thịt.

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế trang trại còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động từ việc chăm sóc đàn bò ở các trang trại, thu gom, bốc dỡ phân bò, tạo thêm thu nhập từ bán phân bò, tăng hiệu quả kinh tế diện tích đất sản xuất các loại cây kém hiệu quả nhờ chuyển sang trồng cỏ làm thức ăn cho bò, giảm thiểu ô nhiễm môi trường qua việc đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Việc phát triển kinh tế trang trại ở Ba Tri đã góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện từ 9,63% năm 2003 tăng lên 13,1% vào năm 2012. Tăng thu nhập bình quân đầu người từ 5,14 triệu đồng năm lên 21,44 triệu đồng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 25% còn 15,06%.

Có thể nói, việc phát triển kinh tế trang trại trong thời gian qua ở Ba Tri đã khởi dậy được tiềm năng về lao động, đất đai, vốn, khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bài  ảnh Trần Xiện