Site banner

Bình Đại đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Hơn 7 năm qua, huyện Bình Đại đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện Bình Đại đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, góp phần làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn.

Trong đó, kết quả nổi bật nhất trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn,  là những công trình giao thông, các tuyến đường vào trục chính của các xã, tuyến đường liên ấp. Đến nay,  100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã với chiều dài 54,797km.  Nhựa hóa và pê tông hóa 399 tuyến đường từ xã đến ấp, liên ấp, liên xóm, liên tổ với tổng chiều dài 200,7km, xây dựng mới 132 cây cầu bê tông cốt thép, 1 cây cầu thép với 1.070md. Tổng kinh phí thực hiện trên 210 tỷ đồng. Đã đưa vào sử dụng 109 cầu trên đường tỉnh 883, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển, đi lại, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mời gọi đầu tư phát triển kinh tế nông thôn.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện trung, hạ thế và trạm phân phối với tổng chiều dài 589km. hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình đường dây 110KV (Giồng Trôm – Bình Đại) và Trạm biến áp 110KV Bình Đại, đảm bảo nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt. Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,9%. Đã khởi công hạng mục nhà điều hành dự án xây dựng Nhà máy điện gió tại xã thừa Đức, Thới thuận và Thạnh Phước.

Mạng lưới bưu chính viễn thông từng bước được nâng cấp, hiện đại hóa, phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đến nay, 100% xã có thư báo đến trong ngày. Mạng lưới viễn thông di động đã phủ sóng rộng khắp toàn huyện, đáp ứng nhu cầu liên lạc của người dân, dịch vụ Internet phát triển mạnh đến tận các ấp, kinh phí đầu tư phát triển mạng lưới viễn thông trong 10 năm qua trên 14,45 tỷ đồng.

10 năm qua, huyện Bình Đại tiếp tục chú trọng vấn đề nước sạch cho người dân nông thôn. Theo đó, hạ tầng nước được quan tâm đầu tư, từng bước khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt. Đến nay, từ nhiều nguồn ngân sách, huyện giải quyết đạt 100% điểm trường chính và 100% trạm y tế xã trong huyện có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.  Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, huyện đã vận động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho các công trình cấp nước sạch nông thôn với nhiều chính sách hỗ trợ như cho vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, mặt bằng xây dựng công trình. Theo đó, huyện huy động mọi nguồn lực để giải quyết nước ngọt hợp vệ sinh cho nhân dân, nhất là nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà máy nước hiện có, mở rộng hoạt động nhà máy dẫn nước ngọt thô từ hồ chứa Ba Lai để dần khắc phục tình trạng thiếu ngọt vào mùa khô.  Hiện nay, huyện có 4 nhà máy cung cấp nước sạch và 1 nhà máy nước thô đang hoạt động. Đã triển khai xây dựng nhà máy nước Phú Long. Chuyển đổi công năng nhà máy nước thô Ba Lai phục vụ sinh hoạt. Sau khi công trình hoàn thành, nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân huyện sẽ được đảm bảo. Hiện, toàn huyện có 97,7% số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 54,6% hộ dân sử dụng nước máy.

Tuyết Mai