Site banner

Bình Đại họp mặt bà con đánh bắt, chế biến thủy sản để kịp thời giải quyết những bức xúc của ngư dân

Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán là lãnh đạo huyện Bình Đại lại tổ chức buổi gặp mặt ngư dân đánh bắt và chế biến thủy hải sản để thăm hỏi, lắng nghe, ghi nhận và chia sẻ những thành công, chưa thành công, những bức xúc của ngư dân để kịp thời có giải pháp cùng tháo gỡ.

Năm nay, tại UBND xã Bình Thắng, ông Cao Văn Viết - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Huỳnh Quang Triệu - Bí thư Huyện ủy, ông Nguyễn Văn Măn - Chủ tịch UBND huyện, đại diện các ngành tỉnh, huyện, ngư dân đánh bắt, chế biến ở các xã đã về dự đông đủ, càng làm cho buổi họp mặt thêm trang trọng, ý nghĩa.

Dịch vụ chế biến thủy sản ngày càng phát triển ở Cảng cá Bình Đại. Ảnh: H.H

Tại buổi họp mặt, các đại biểu nghe lãnh đạo huyện báo cáo thành quả của huyện năm 2013, cùng những định hướng phát triển ngành thủy sản năm 2014; nghe các khó khăn, kiến nghị bức xúc của ngư dân. Năm qua, huyện đã tạo điều kiện huy động các nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển nghề chế biến thủy sản, công nhận làng nghề chế biến cá khô truyền thống với 11 hộ tham gia, sản lượng hàng năm là 8.696 tấn. Làng nghề đánh bắt thủy sản Bình Thắng đã tạo điều kiện liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong đánh bắt, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân. Đã có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư như Trường Hải, An Phát, An Đông, Nam Dương. Lĩnh vực hậu cần nghề cá cũng được quan tâm đầu tư, đã triển khai dự án mở rộng Cảng cá thành cảng khu vực, với tổng nguồn vốn đầu tư 114 tỷ đồng. Nghề đóng tàu biển cũng được chú trọng đầu tư, hiện có 7 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động với công suất từ 8-12 chiếc/năm/cơ sở. Năm 2013, đã đóng mới 34 chiếc tàu, với tổng công suất 25.504 CV, cải hoán 6 tàu.

Huyện cũng đã hình thành phát triển mới 9 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước đá, công suất 100-200 tấn/ngày, sản lượng bình quân hàng năm 271.648 tấn cùng với 26 cơ sở thu mua nguyên liệu từ các tàu khai thác. Nhiều loại hình dịch vụ khác như đan lưới, đánh dây, cơ khí, xăng dầu, cưa xẻ gỗ hình thành. Đặc biệt, có 12 tàu chuyển tải sản phẩm từ biển vào đất liền để phục vụ cho các tàu khai thác xa bờ, bám biển dài ngày. Ngành ngân hàng cũng đã tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn, đến nay tổng dư nợ của ngư dân đánh bắt tại các chi nhánh ngân hàng trong huyện là 286 tỷ đồng. Đã hình thành 28 tổ, đội đánh bắt trên biển, có 95 tàu tham gia với 288 phương tiện. Huyện đã thống kê các thuyền viên đi trên các tàu tham gia tổ, đội để Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn, trang bị áo phao. Tỉnh cũng đã đầu tư đưa vào sử dụng 2 khu vực neo đậu tàu tại sông Bình Châu, dài luồng 5.100m, sức chứa 500 tàu có công suất từ 60 CV trở lên, với 147 trụ neo tàu; 1 đường công vụ dài 1.080m và rạch Thừa Mỹ có chiều dài luồng 1.850m, sức chứa 500 tàu có công suất từ 60 CV trở xuống. Huyện cũng chú trọng gắn phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng, đã thành lập 2 đội tàu xung kích sẵn sàng cứu hộ trên biển, huy động và ký cam kết 13 tàu/130 thuyền viên, tàu có công suất từ 250 CV trở lên để hỗ trợ khi có sự cố. Hệ thống thông tin liên lạc cũng được trang bị mới 54 máy kết nối vệ tinh thuộc Dự án Movimar cho các tàu trong tổ, đội đánh bắt xa bờ. Các xã Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước cũng đã thành lập Nghiệp đoàn nghề cá (với 313 công đoàn viên), Nghiệp đoàn bốc xếp (với 111 công đoàn viên), nhằm từng bước củng cố tổ chức có sự quản lý của Nhà nước đối với ngư dân, lao động trên biển.

Tại cuộc họp, nhiều ngư dân đã phản ảnh về chính sách cho vay ưu đãi nghề đánh bắt, chế độ bảo hiểm tàu thuyền, việc đăng ký đăng kiểm, an ninh trật tự trên biển; ý kiến giải trình của các cơ quan có liên quan.

Ông Huỳnh Quang Triệu ghi nhận thành quả của ngành khai thác đánh bắt thủy sản đã đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cho ngư dân và giải quyết lao động tại địa phương. Tuy nhiên, hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa có qui hoạch phát triển, cơ cấu nghề chưa hợp lý, năng suất khai thác hàng năm giảm, chưa kiểm soát được hoạt động khai thác trên biển, lao động thiếu hụt nghiêm trọng, nguyên liệu thủy sản còn dạng thô, giá trị thấp. Bí thư Huyện ủy lưu ý, cần tiếp tục tổ chức đánh bắt theo mô hình tổ, đội liên kết sản xuất, khuyến khích ngư dân tiếp tục đầu tư cải hoán, nâng công suất tàu thuyền theo hướng xa bờ; tăng cường tuyên truyền cho ngư dân về Luật Biển; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội tàu xung kích; hỗ trợ ngư dân đầu tư công nghệ hiện đại trong khai thác nghề cá, đóng mới và cải hoán nâng công suất tàu đánh bắt xa bờ; vận động ngư dân liên kết trong quá trình đánh bắt trên biển, kịp thời giải quyết thỏa đáng bức xúc của ngư dân.

HH-ST
Nguồn: baodongkhoi.com.vn