Site banner

Bình Đại: Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải, xã Bình Thắng mang đậm nét văn hóa dân gian

Hàng năm, cứ độ ngày rằm tháng 6 (âm lịch), xã Bình Thắng, huyện Bình Đại lại nhộn nhịp với lễ hội Nghinh Ông Nam Hải. Đây là ngày hội truyền thống của người dân xứ biển này, đồng thời đây là lễ hội Nghinh Ông lớn nhất, được tổ chức khá quy mô, tiêu biểu cho lễ hội của vùng biển Bến Tre. Thông qua Lễ hội này, nét sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh trong đời sống con người xứ biển được thể hiện rõ nét, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa dân gian, giáo dục truyền thống văn hóa cho người dân địa phương qua nhiều thế hệ.

Theo lời cụ ông Nguyễn Văn Củi, ấp 2, là một trong những người nhìn thấy cá Ông tại vị tại ven biển của xã kể lại: “Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải của xã Bình Thắng được định hình ngay từ ngày đầu tổ chức lễ hội cách đây nhiều thế hệ và lưu truyền cho đến nay, tuy có biến đổi theo thời gian, nhưng không đáng kể. Còn về tượng cốt đang thờ trong lăng đó là lúc ông khoảng năm 1955 đã nhìn thấy Cá Ông (được người dân địa phương ví như là hiện tượng thần thánh) tại vị và được mọi người đưa đi chôn cất và sau này thỉnh cốt đem về trong Lăng để thờ. Thông lệ, lấy ngày 25/5 hàng năm làm ngày giổ của Ông và ngày diễn ra lễ hội vẫn lấy ngày theo truyền thống vào những ngày rằm tháng 6, âm lịch. Trong những ngày diễn ra Lễ hội Nghinh Ông, nhà nhà ngư dân đều dọn dẹp, trang trí nhà cửa để chuẩn bị bữa cơm cúng nhà, cúng tàu ghe và chiêu đãi khác phương xa về thăm lễ hội. Không khí khắp nơi đều khẩn trương, vui tươi và háo hức chờ đến ngày Lễ hội, ông Củi còn ví von thêm Lễ hội Nghinh Ông vui như những ngày Tết cổ truyền dân tộc”.

Thời gian diễn ra lễ hội vào các ngày 15-16-17/6 âm lịch. Cụ thể như sau: Ngày 15/6 al:  19 giờ- Giao lưu đơn ca tài tử; 21 giờ – Lễ hội cầu an;.Ngày 16/6: 05 giờ – 6 giờ – Tổ chức lễ hội nghinh ông; 10 giờ tế phối tiền vãng; 19 giờ – Xây chầu đại bội; 24 giờ – Chánh tế. Ngày 17/6: Hát bội 2 suất (sáng và chiều); kết thúc lễ hội. Về chiêu đãi khách được tổ chức cả ngày 16 và buổi sáng 17. Trong đó, ngày 16/6: từ 05 giờ – 6 giờ là thời điểm tổ chức lễ hội nghinh ông, các đoàn tàu xuất phát từ cử biển vàm sông Bình Châu chạy dài đến Vàm Bình Mỹ, xã Thừa Đức.

Nếu như trước đây phục vụ lễ hội chỉ có hát bội, múa lân, chào mừng, nay có thêm hoạt động giao lưu đờn ca tài tử, biểu diễn võ thuật và các dịch vụ phục vụ làng nghề của ngành thủy sản...; Ngoài việc tổ chức nghi lễ do ban tế tự tổ chức tại lăng và tổ chức Nghinh Ông trên biển, ngư dân còn tổ chức Nghinh Ông tại gia hoặc trên thuyền đánh bắt cùng vaò thời điểm Nghinh Ông. Trước thời điểm Nghinh Ông các chủ tàu sẵn sàng đón nhận khách tham quan đi cùng và sẵn lòng chiêu đãi khách sau nghi thức Nghinh Ông tại gia.

Đoàn tàu Nghinh Ông

Nhiều năm nay, nghề đánh bắt thủy sản của ngư dân xã Bình Thắng không ngừng phát triển, phương tiện đánh bắt không ngừng cải thiện, sản lượng ngày càng cao, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Hiện nay, xã Bình Thắng có khoảng 1.088 tàu nghe các loại, với công suất từ 90 CVtrở lên, sản lượng đánh bắt tăng lên theo từng năm, ước đạt trên 55.000 tấn. Qua sự phát triển nghề đánh bắt thủy sản địa phương, nhu cầu về đời sống tinh thần, về tổ chức lễ hội ngày càng mở rộng. Nhưng nhìn chung, dù xưa hay nay, thì Lễ hội Nghinh Ông của cộng đồng ngư dân xã Bình Thắng vẫn là hình thức sinh hoạt văn hóa của con người, mang tính thiêng liêng để con người cầu khấn thần linh phù hộ.

Đây là lễ hội của một làng nghề, mà ở đó con người luôn đối mặt với đầu sóng, ngọn gió, phải lênh đênh trên biển cả hàng tháng trời, họ không chỉ mưu cầu cuộc sống cho bản thân và gia đình mình mà cho cả xóm giềng và cho toàn xã hội qua những chuyến tàu đầy ắp cá lúc cập bờ. Sau lễ hội, họ lại tiếp tục ra khơi bằng một niềm tin mới, ước nguyện mới. Theo lời ông Nguyễn Văn Ta – ngư dân có truyền thống nhiều thế hệ làm nghề biển tại xã Bình Thắng chia sẽ: “Đối với ngư dân làm nghề biển, thì Lễ hội Nghinh Ông là một phần tất yếu không thể tách rời trong cuộc sống cộng đồng của người dân nơi đây, bởi đây không chỉ là nét văn hóa đơn thuần mà còn gắn với tâm linh của cộng đồng ngư dân, nét văn hóa này đã in sâu vào máu của những người đi biển như ông. Đó còn là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người ra khơi. Đồng thời, đây còn là dịp để mọi người giao lưu, chia sẽ kinh nghiệm đi biển, thể hiện tính đoàn kết và tính cộng đồng dân tộc khá cao”.

Nhìn chung, Lễ hội nghinh ông, xã Bình Thắng không chỉ thể hiện đời sống tâm linh của người dân địa phương trong lao động đánh bắt hải sản mà còn làm phong phú cuộc sống tinh thần, đem lại niềm vui cho nhân dân, góp phần làm đa dạng nền văn hóa dân tộc. Qua nhiều nét văn hóa độc đáo cũng như những giá trị tinh thần mà lễ hội mang lại, vào ngày 10/3/2016, Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải của cộng đồng ngư dân xã Bình Thắng được BộVăn hóa Thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Nghinh Ông Nam Hải.

Tuyết Mai