Xã thừa Đức huyện Bình Đại là một xã biển, nhiều khu vực là bãi bồi, bãi lỡ do biển xói mòn. Nhất là khu vực bờ đê biển ấp Thừa Trung, hàng năm, đất đai bị xói mòn và đời sống nhiều hộ dân nơi đây phải chịu ảnh hưởng trực tiếp.Cách đây khoảng 10 năm, sau khi được Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam phát động phong trào "Trồng cây gây rừng". Mặt khác, xác định xã Thừa Đức là vùng ven biển, việc trồng cây lại càng có ý nghĩa lớn lao. Nên từ đó, người cao tuổi xã Thừa Đức thống nhất trồng dương gây rừng chắn bão ngay tại bờ biển địa phương. Hơn hết, việc trồng cây gây rừng có ý nghĩa lớn lao trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ngày đó, vốn trồng rừng do Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Bến Tre rót về 4,5 triệu đồng để mua 3.000 cây dương. Khi có nguồn giống cây, khoảng tháng 6/2005, Hội Người cao tuổi xã và đoàn thể đi trồng rừng với tinh thần tình nguyện. Lúc đó mọi người chỉ nghĩ đơn giản là: Trồng rừng dương để chắn sóng to gió lớn, bảo vệ đất liền chứ đâu biết gì về việc trồng rừng là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhưng đến nay, tình hình biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng nghiêm trọng, mới thấy hết được ý nghĩa lớn lao trong việc trồng rừng.
Từ việc Hội Người cao tuổi xã Thừa Đức trồng rừng dương thành công, Ban Quản lý dự án trồng rừng tỉnh Bến Tre đã đầu tư trồng tiếp phần diện tích bờ biển chưa có cây dương chắn gió, chắn sóng. Từ năm 2005 đến nay, đất bãi bồi bờ biển Cồn Tàu do Ban quản lý dự án trồng rừng của tỉnh quản lý, còn khoảng 3.000 cây dương 7 năm tuổi do Hội Người cao tuổi xã Thừa Đức trồng và bảo vệ. Khu vực rừng trồng được các hội viên thay phiên nhau bảo vệ. Từ đó đến nay rừng dương này một ngày một lớn, không bị người dân chặt phá.
Bà Nguyễn Ngọc Dự, hội viên người cao tuổi trẻ nhất của Hộichia sẻ: "Ngày trước, Hội Người cao tuổi vận động đi trồng rừng thì bản thân chỉ nghĩ đơn thuần là đi làm công tác xã hội, không bao giờ nghĩ đến quyền lợi. 7 năm đã qua, nhìn cánh rừng dương lớn lên theo năm tháng, chắn được gió, sóng biển, bờ biển đã xanh càng thêm xanh nhờ bàn tay mình trồng cây gây rừng. Bây giờ Nhà nước tiếp tục giao thêm đất trồng và bảo vệ rừng, có cực đến mấy hội viên chúng tôi vẫn tham gia hăng hái".
Thời gian qua trôi nhanh, thấm thoát rừng dương đã hơn 10 năm tuổi, cây nào cũng to khỏe, Đến nay, những cây dương nhỏ bé chừng 5 – 6 tất ngày nào đã cao hơn 10m, nối dài như một thành trì vững chắc, hướng thẳng trời xanh mà vút cao. Nhìn rừng dương dài vút mắt, ánh mắt các cụ ánh lên niềm hạnh phúc. Rừng dương người cao tuổi nức tiếng khắp cả nước, được Trung ương người cao tuổi trao bằng khen, vì công trình này không chỉ là những bản thảo, thành tích trên giấy mà thực sự đã đem lại nhiều hữu ích cho cuộc sống người dân nơi đây.Theo Chị Huỳnh Thị Tươi, ấp Thừa Trung, xã Thừa Đức phấn khởi nói: "Nhà của nhiều hộ dân nằm ngay trong khu vực phía sau bãi cồn Tàu, ấp Thừa Trung. Mỗi khi sóng to gió lớn, nhiều hộ dân rất lo lắng. Nhưng từ khi có rừng dương, đã góp phần chắn sóng, gió, người dân thêm phần yên tâm. Từ việc trồng rừng của các cụ lão người cao tuổi đã làm cho người dân, nhất là lớp người trẻ địa phương thêm phần nể phục các cụ và noi gương cac cụ gìn giữ rừng".
Nhìn chung, thiên nhiên vốn dĩ là người bạn thân thiết của con người. Những tác hại của thiên tai cũng từ chính bàn tay của con người gây ra. vì vậy, việc chung tay góp sức cùng bảo vệ môi trường sống của thiên nhiên là việc làm hết sức ý nghĩa. Một lần nữa để ghi nhận về việc trồng cây gây rừng của người cao tuổi xã Thừa Đức là một hành động đẹp, góp phần bảo vệ lá phổi xanh của trái đất, đóng góp tích cực trong việc tạo mỹ quan môi trường tại địa phương.
Tuyết Mai