Site banner

Bình Đại: Người Thầy tâm huyết truyền đạt kiến thức sử học đến học trò

Với phương châm “Dân ta phải biết sử ta”, hơn 20 năm gắn bó với nghề sư phạm, thầy Lương Trọng Nghĩa, giáo viên dạy môn Lịch sử trường THCS xã Bình Thắng, huyện Bình Đại đã đem tâm huyết của người thầy giáo truyền đạt kiến thức lịch sử vàrèn luyện các em học sinh thành con ngoan, trò giỏi.

Theo thầy Nghĩa chia sẻ: “Ước mơ trở thành người thầy giáo theo đuổi ngay từ những năm học Trung học cơ sở, nhất là vớimong muốn đem kiến thức lịch sử truyền đạt cho các thế hệ sau. Vì thế, sau khi tốt nghiệp cấp III, thầy theo học khoa Sử trường Cao đẳng sư phạm Bến Tre.  Năm 1993, thầy ra trường và về công tác tại trường THCS xã thạnh Phước. Sau 18 năm cho đến nay, thầy về công tác tại trường THCS xã Bình Thắng. Dù ở ngôi trường nào, thầy Trọng cũng xác định lấy học sinh làm trọng tâm , bám sát năng lực học sinh để tìm phương pháp dạy học phù hợp. Qua đó, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách nhanh nhất và hiệu quả học tập nâng cao”.


Ảnh: Thầy Lương Trọng Nghĩa 

Tiếp xúc và trao đổi với thầy, nhận thấy bên ngoài là một người giản dị, hiền hậu nhưng trong bản thân thầy là nghị lựcvà sự phấn đấu, tâm huyếtvới sự nghiệp giáo dục. Để nâng cao kiến thức, Thầy tìm tòi học hỏi, cập nhật thông tin để bổ sung kiến thức và ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng. Tích cực học bồi dưỡng thường xuyên, nghiên cứu tài liệu, truy cập thông tin… tham gia học tập ngoại ngữ, tin học để áp dụng trong công tác soạn giảng. Tích cực học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp, tham gia các lớp tập huấn, chuyên đề… từ đó tích lũy kinh nghiệm cho bản thân để phục vụ tốt cho giảng dạy.

Nổi bật trong bề dày thành tích của thầy đó là sự tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tìm tòi và sáng tạo nhiều biện pháp hữu ích, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng bộ môn và bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi môn sử. Trong đó, từ năm học 2009 đến 2015, thầy đã thực hiện viết các đề tài sáng kiến kinh nghiệm được huyện, tỉnh công nhận và đưa vào phổ biến thực tế tại các trường. Nhất là nhiều sáng kinh nghiệm nâng cao công tác giảng dạy bộ môn lịch sử. Bởi theo thầy nhận thấynhững năm gần đây, do tác động của các yếu tố xã hội nên xuất hiện quan niệm coi bộ môn Lịch sử là “môn phụ”.

Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên chỉ truyền thụ đơn điệu kiến thức đã ghi trong sách giáo khoa, nên việc phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh trong việc chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức có hiệu quả vào thực tiễn chưa cao, việc dạy và học bộ môn Lịch sử trở nên khô khan. Do đó, việc tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn càng thêm khó khăn, chất lượng giải chưa cao và không ổn định.

Nắm bắt được những vấn đề thực tế về môn học này, thầy luôn trăn trở và tìm ra nhiều sáng kiến cải thiện tình hình dạy và học môn Lịch sử trong trường. Trong đó, bí quyết của thầy đó là chon cách dạy theo sơ đồ hóa đối với bộ môn lịch sử. Vì với khối lượng kiến thức lớn và không thể nhầm lẫn các sự kiện là một điều rất khó đối với học sinh THCS. Trong khi đó, sơ đồ hóa lại mang tính khái quát cao, có khi bao hàm cả một chương hay khóa trình lịch sử, vì thế sử dụng sơ đồ hóa sẽ là một biện pháp hữu hiệu để giúp học sinh tái hiện lại kiến thức lịch sử.

Cùng với các nguồn sử liệu, các kênh chữ trong sách giáo khoa, thiết bị và phương tiện dạy học khác như: Sa bàn, mô hình phục chế, phim tư liệu… thì các kênh hình và lược đồ là một nguồn nhận thức lịch sử, nó có tác dụng rất hiệu quả trong việc phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh trong học tập bộ môn, nhất là đối với học sinh năng khiếu.

Khai thác tốt các kênh hình và lược đồ sẽ kích thích sự say mê, tìm tòi và nghiên cứu ở các em, qua đó việc khai thác kiến thức và rèn luyện kĩ năng bộ môn cũng được nâng cao đáng kể. Sử dụng kiến thức liên môn để tăng thêm hiệu quả, giúp học sinh hiểu được tính toàn diện của lịch sử. Từ việc tiếp cận những sự kiện lịch sử, phải hướng dẫn học sinh rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích trong cuộc sống hiện tại. Qua phương pháp của thầy, học sinh hứng thú và tích cực trong học tập, lớp học sôi nổi, chất lượng trong mỗi buổi học hiệu quả hơn. Các em biết khai thác và vận dụng kiến thức khá nhuần nhuyễn, kĩ năng thực hành bộ môn cũng được nâng cao rõ rệt. Theo đó, chất lượng giảng dạy bộ môn Lịch sửtại trường đạt nhiều kết quả, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng, tỷ lệ học sinh yếu giảm.

Riêng đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Nghĩa nhận thấy rằng: “Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng thiết thực, là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng mũi nhọn ở các đơn vị. Sau khi được nhận nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy  tìm kiếm những giải pháp nhằm góp phần nâng cao tính hiệu quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn Lịch sử là rất cần thiết”.

Để việc bồi dưỡng học sinh có chất lượng và đạt hiệu quả, thầy xây dựng kế hoạch cụ thể.Đồng thời, phối hợp với giáo viên bộ môn sàn lọc và tuyển chọn học sinh năng khiếu. Động viên, khuyến khích học sinh mạnh dạn đăng kí các môn học mà mình yêu thích. Phối hợp với Ban Giám hiệu ra đề, tổ chức thi tuyển, lập đội tuyển và tiến hành bồi dưỡng. Kết quả nhiều năm qua, trường THCS xã Bình Thắng có nhiều học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh bộ môn lịch sử.

Với sự nỗ lực trong nghề giáo, nhiều năm liền, thầy đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cơ sở; Các ngành tỉnh, huyện tặng nhiều Bằng khen, giấy khen. Riêng năm 2014, Thầy được Bộ trưởng Bộ giáo dục tặng Bằng khen. Năm học 2014-2015, thầy vinh dự được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Tuyết Mai