Site banner

Bình Đại: Nhiều hộ nuôi tôm đạt hiệu quả nhờ chế phẩm bột bã mía

Huyện Bình Đại có tổng diện tích nuôi thủy sản quay vòng mỗi năm khoảng 18.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh chiếm trên 5.000ha. Thời gian trước năm 2012, nghề nuôi tôm của huyện phát triển rất mạnh, người nuôi tôm sau thu hoạch hầu hết đều có lợi nhuận cao.

Tuy nhiên những năm gần đây, do thời tiết biến đổi, môi trường thường xuyên bị ô nhiễm, nghề nuôi tôm biển của huyện gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, nhất là hội chứng tôm chết sớm do gan tụy cấp tính (EMS), dẫn đến nhiều rủi ro trong nuôi tôm, trung bình mỗi năm toàn huyện có hơn 600ha tôm nuôi bị chết, đa số các hộ nuôi tôm bị thua lỗ nặng. Và chế phẩm sinh học bột bã mía do anh Trần Phúc Hậu, ở ấp Bình Thuận, Thị Trấn Bình Đại tạo ra được xem là cứu cánh cho nhiều hộ nuôi tôm vực dậy sao thất bại, hiện bột bã mía đang được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao.

     

Anh Hậu (đeo kính) đóng thùng bột bã mía giao cho khách hàng

Sinh ra và lớn lên tại huyện biển, nhận thấy tiềm năng kinh tế trong phát triển nghề nuôi tôm biển của địa phương. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học kinh tế Thành Phố Hồ Chí Minh và có 2 năm tham gia học lớp y dược. Năm 2014, chàng trai trẻ sinh năm 1988 Trần Phúc Hậu quyết định trở về quê để khởi nghiệp, bước đầu anh thành lập Cửa hàng thuốc thủy sản mang thương hiệu Đại Thành, sau một năm cung cấp thuốc thủy sản cho một số nông dân trong và ngoài huyện, anh thấy nếu sử dụng các loại thuốc thủy sản trên thị trường thì chi phí rất cao người nuôi sẽ ít có lãi, mặt khác môi trường nuôi tôm từng bước bị suy giảm. Với ý chí năng động của tuổi trẻ nhằm giúp người nuôi tôm giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, năm 2015, anh đã tìm tòi và nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học bột bã mía bằng cách tận dụng từ bã của cây mía trình được ủ lên men trong 72 tiếng, với các thành phần như: mật đường, nước sạch, các dòng vi sinh có lợi và các nguyên liệu khác. Đầu tiên, anh Hậu mua một máy xay bã mía để chế biến thành bột bã mía cung cấp cho nông dân nuôi tôm biển thâm canh và bán thâm canh, bán với giá 5.000 đồng/kg. Lúc đầu, do sản phẩm còn mới nên người nuôi e dè trong sử dụng, nhưng chỉ sau 2 tháng, nhiều người nuôi tôm đã mạnh dạn tìm đến sản phẩm bột bã mía của anh Hậu, nên sản phẩm không đủ cung cấp, từ đó anh Hậu chuyển sang nhập nguyên liệu bột bã mía có sẵn từ nhà máy đường. Đến nay, mỗi ngày anh cung cấp từ 400 – 500 kg bột bã mía cho các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh như: Cà Mau, Trà Vinh.

Anh Hậu cho biết: “bột bã mía là sản phẩm có nguồn gốc từ thiên được, giúp phân hủy mùn bã hữu cơ ở đáy ao, kích thích tảo có lợi, ổn định màu nước, giảm thiểu độ đục của ao nuôi, xử lý phèn, kim loại nặng trong ao nuôi, át chế vi khuẩn gây bệnh cho tôm, ngăn ngừa tốt khí độc NH3, NO2, cung cấp hệ vi sinh đường ruột giúp tôm phát triển mạnh,giảm hệ số thức ăn. Do đó, đối với nuôi tôm thâm canh, sau khi cải tạo ao, cấp nước, tiến hành bón bã mía vào ao bằng cách hòa loãng với nước tát đều trên mặt ao, liều lượng 10kg/1.000m3 nước khi trời nắng tốt, định kỳ 5-7 ngày bón 1 lần. Đối với tôm bán thâm canh thì liều lượng bón vào ao nuôi bằng một nửa dùng cho nuôi thâm canh. Khi bột bã mía bón trực tiếp vào ao nuôi thì từ khâu cải tạo ao cho đến ngày thu hoạch, người nuôi chỉ cần bón bột bã mía trong ao mà không cần dùng đến bất kỳ một loại hóa chất nuôi trồng thủy sản nào khác như: vôi, các loại thuốc diệt khuẩn, mà sẽ giúp cho hệ sinh vật phát triển tốt, độ kiềm trong nước ổn định, tảo có ích phát triển mạnh, kiểm soát được lượng amoniac tích tụ dưới đáy ao, cải thiện tốt môi trường nuôi, giúp người nuôi tôm giảm chi phí đầu tư, giảm nguy cơ rủi ro trong nuôi tôm, nhất là giúp tái tạo môi trường ở những ao nuôi nhiễm hóa chất từ những vụ tôm trước”.

Anh Võ Quốc Phong, hộ nuôi tôm ở xã Bình Thới, có trên 10 năm nuôi tôm biển với diện tích 30.000m2 và là một trong những người đầu tiên thử nghiệm sản phẩm bột bã mía để nuôi tôm cho biết tôm phát triển rất tốt, đặc biệt nuôi tôm bằng bột bã mía tiết giảm được 50% chi phí và môi trường nuôi ổn định.

Thời gian qua có nhiều người nuôi tôm biển dùng bột bã mía của anh Hậu, đa số các hộ sử dụng đều đánh giá cao sản phẩm là cho hiệu quả và mang lại lợi nhuận cao, điển hình như: hộ ông Nguyễn Văn Phụng, ông Võ Văn Nhàn, bà Kiều Thi Xinh ở ấp Bình Chiến, Thị trấn Bình Đạt, anh Nguyễn Phú Thọ, ở xã Phú Long, là những hộ nuôi đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng bột bã mía. Anh Nguyễn Phú Thọ bộc bạch: “ anh chỉ mới sử dụng bột bã mía nuôi tôm trong 3 vụ nhưng cảm thấy hiệu quả mang lại rất rõ, nhất là màu nước nuôi rất đẹp, thức ăn cũng được tiết giảm đáng kể,....”.     

Hiện sản phẩm của anh đã được trên 100 hộ nuôi ở nhiều địa phương sử dụng. Từ phương pháp hướng người dân nuôi tôm an toàn, anh Hậu đã được Tỉnh Đoàn Bến Tre trao tặng danh hiệu “ Thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi” và phương pháp ứng dụng của anh đã được các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh, Nhóm sáng tạo trẻ Bến Tre và Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Linh tham quan và đánh giá cao mô hình. Đây là tiền đề để anh Hậu tiếp tục nâng cao khởi nghiệp của tuổi trẻ trong thời gian tới. Phương pháp nuôi tôm sử dụng chế phẩm bột bã mía từng bước đã đem lại hiệu quả và tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Có thể nói, đây là hướng đi mới góp phần giải quyết tình trạng treo ao vì ô nhiễm môi trường của nhiều nông dân hiện nay./.

          

Thanh Hương