Men theo đường tỉnh lộ 883, rẽ về vùng biên giới biển thuộc địa phận xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, chúng tôi về thăm lại vùng đất Cồn Nghêu, nằm cuối dãy vùng biên giới. Nếu như trước đây, Cồn Nghêu khô cằn, hoang sơ, vắng vẻ, giao thông trắc trở và được mệnh danh là nơi "Khỉ ho cò gáy", thì trở lại Cồn Nghêu lần này, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay từ đất đến con người nơi đây, tất cả đã đổi mới và căn tràn nhựa sống.
Cồn Nghêu là vùng đất nằm cuối nguồn vùng biên giới biển, thuộc ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức có diện tích 270 ha với 329 hộ dân sinh sống. Khoảng 10 năm trước đây, Cồn Nghêu là một vùng nghèo nhất nhì của huyện, dân trí thấp, cơ sở hạ tầng không phát triển. Con đường giao thông đến với đất Cồn chỉ có một phương tiện duy nhất đó là qua một cửa sông lớn bằng ghe, tát rán. Đất giồng cát khô cằn, phù sa kém, trồng trọt thường bị mất mùa. Vào những năm ấy, trên 60% hộ dân rơi vào cảnh đói nghèo.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, Cồn Nghêu thực sự đang chuyển mình tích cực. Hiện nay, tất cả những con đường liên xóm ấp đầy bụi cát, lầy lội ngày nào đã được thay thế bằng đường nhựa, bê-tông hóa thông thoáng. Các cây cầu giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, nối liền mạch huyết đường giao thông, đưa đất Cồn đến gần với các địa phương khác và đẩy mạnh tiềm năng kinh tế tại địa phương. Dọc hai bên đường, cây xanh thẳng lối, nhà nhà được xây dựng kiên cố và san sát nhau. Phân trạm y tế được đầu tư xây dựng mới với thiết bị y tế hiện đại, hệ thống giáo dục được quan tâm, điểm trường mẫu giáo, Tiểu học được xây dựng mới, nâng cao chất lượng giáo dục cho con em vùng đất heo hút này. Nổi bật hơn đó là mạng lưới thông tin, mạng Internet được phủ khắp, chất lượng dân trí được nâng lên, người dân quê nghèo thông tin, kỹ thuật đã dần trở nên văn minh, hiện đại, các em học sinh trên gương mặt rạng rỡ cắp sách đến trường. Tất cả những hình ảnh đó đã thể hiện nét đổi thay thật sự từ một vùng quê xa xôi, hẻo lánh.
Phân trạm y tế khang trang đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân
Trên lĩnh vực sản xuất, phát triển kinh tế, người nông dân ở vùng biên giới biển quyết không nản lòng trước khó khăn, bám đất giữ làng, tìm hướng mới trong sản xuất, phát triển kinh tế ngay tại vùng đất đã bao đời cha ông để lại. Và rồi, sau thời gian tìm tòi, học hỏi, nhất là sau khi được Trạm khuyến nông khuyến ngư huyện giới thiệu về mô hình "Trồng dưa hấu trải bạt", với mô hình này có nhiều ưu điểm, thích hợp với vùng đất giồng cát bạc màu. Người nông dân nơi đây như được mở nút thắt trong lòng, gợi ra một tia hy vọng, một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, bà con nông dân mạnh dạn cải tạo đầu tư "Trồng dưa hấu trải bạt" trên đất giồng cát ven biển với quyết tâm vươn lên thay đổi cuộc sống cuả chính mình.
Từ sự cần cù trong lao động và hỗ trợ tích cực của khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi tích cực nền nông nghiệp của vùng đất Cồn, mô hình "Trồng dưa hấu trải bạt" không những thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây, mà năng suất đạt rất cao, tăng lợi nhuận kinh tế cho người dân. Và cũng từ đó, trái dưa hấu dần dần đã trở thành một thương hiệu của vùng đất Cồn. Ngoài việc canh tác với mô hình "Trồng dưa hấu trải bạt", nông dân còn trồng luân canh xen vụ các loại rau màu, tăng thêm thu nhập kinh tế gia đình. Từ mô hình này, nhiều hộ dân có điều kiện cho con ăn học, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như Bà Lê Thị Mỹ Chi, nông dân vùng đất Côn Nghêu, khoảng 5 năm trước, gia đình bà trồng dưa hấu theo hướng canh tác truyền thống, năng suất đạt không cao, chất lượng trái không được thương lái ưa chuộng. Bà Mỹ Chi cho biết: "Sau khi bà áp dụng mô hình "Trồng dưa hấu phủ bạt" trên 2 công đất giồng, hiệu quả tăng gấp hai, gấp ba lần so với kỹ thuật canh tác truyền thống, lợi nhuận tăng cao. Sau nhiều năm chắt chiu, gia đình bà đã thoát nghèo bền vững".
Qua thực tế, chúng tôi mới biết rằng, người dân vùng đất cồn này không chỉ giỏi về nông nghiệp mà còn giỏi về việc khai thác lợi thế vùng ven biển để thực hiện mô hình kinh tế biển đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, ngư dân xác định tại các bãi bồi ven sông, dưới mặt nước sâu là lớp đất bùn xen cát, là vùng đất thích hợp để nuôi sò huyết. Với lợi thế trên, người dân tìm tòi học hỏi kỹ thuật qua người thân, báo đài và đã mạnh dạn cải tạo đất ven sông thành ao, vuông mạnh dạn đầu tư nuôi sò huyết thương phẩm.
Hàng năm, khoảng đầu tháng 4 âm lịch, ngoài việc khai thác nguồn giống sò tại vùng ven biển địa phương, người dân còn tìm mua sò giống từ các địa phương khác như: Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang về ươm nuôi trên 10 hecta. Theo nhiều hộ nuôi sò cho biết: Kỹ thuật nuôi sò thương phẩm không khó, nhưng đòi hỏi cao sự cần cù, chịu khó của chính bàn tay lao động con người, thời gian vất vả nhất là khi ươm sò trứng đến sò trung đạt cỡ 1000 con/kg. Qua 10 tháng nuôi, sò huyết đạt khoảng 100 con/kg là có thể thu hoạch. Nhờ con sò huyết này, nhiều hộ dân nơi đây không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Trong đó có ông Nguyễn Văn Tèo, người dân vùng đất Cồn Nghêu, vào năm 2003, ông khởi nghiệp từ 2 công đất nuôi sò ven sông, mỗi năm ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Đến nay, vợ chồng ông đã xây nhà kiên cố, mua thêm 10 ha đất đập ven rừng và 8 công đất giồng. Ông Tèo chia sẻ: "Mô hình nuôi sò huyết thương phẩm đạt hiệu quả cao, sát xuất rủi ro rất thấp, nếu năm nào thời tiết thất thường, sò chết trên 70% diện tích, bà con nông dân nuôi sò huyết thương phẩm vẫn còn lời".
Một góc đường ở Cồn Nghêu
Tiếp tục cuộc hành trình đến bờ biển của đất Cồn, chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh các đoàn tàu, ghe tấp nập ra khơi đánh bắt. Các đoàn tàu nơi đây khởi hành theo con nước lớn vào những ngày rằm, ngày 29, 30 âm lịch hàng tháng. Tùy theo mùa mà người dân ra khơi và thu về các loại chiến lợi phẩm từ biển ban tặng như: tôm, cá, cua, ghẹ và ốc. Từ bao đời nay, biển đã bao bọc và đem lại cuộc sống ấm no cho một bộ phận dân cư ở vùng đất Cồn này. Ông Nguyễn Thanh Vân- trưởng ấp Thừa Lợi cho biết: "Khoảng 5 năm trở lại, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đến xã, đến đất cồn này thì bộ mặt nông thôn thay đổi rất rõ nét, đời sống của người dân ổn định, kinh tế, văn hóa xã hội tại địa phương phát triển nhanh chóng, an ninh quốc phòng được giữ vững".
Tuy Cồn Nghêu có địa hình trắc trở, kinh tế khó khăn nhưng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng sự kiên trì, chịu khó của người nông dân "Một nắng hai sương", đã làm thay đổi cuộc sống nghèo khó trước đây. Vùng đất Cồn Nghêu đã và đang từng ngày thay da đổi thịt, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, giàu đẹp. Tất cả như minh chứng thêm vào điều chân lý, đó là: không có việc gì khó để thay đổi cuộc sống khó khăn khi con người biết vươn lên bằng ý chí, nghị lực, sự lao động và khối óc con người để thay đổi số phận và sự khó khăn trong cuộc sống.
Bài, ảnh: Mai Lê