Site banner

Có nên nuôi tôm thẻ trên đất giồng cát?

Vụ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) đang thu hoạch rộ. Nhiều hộ dân nuôi tôm trên đất giồng cát trúng đậm. Vấn đề đặt ra là có nên ngưng trồng rau màu, cây ăn trái, để nuôi tôm thẻ chân trắng?

"Xã Thạnh Phong đang cần ngành hữu quan nghiên cứu điều kiện thực tế để có kết luận mang tính khoa học trong việc nên hay không nên nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất giồng cát". 
(Ông Nguyễn Văn Kháng - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong).

Ông Đặng Văn Êm nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích mặt nước 4.000m2, thu hoạch 5,8 tấn tôm thịt, giá 140.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 500 triệu đồng. Đây là đất giồng cát nhưng trũng thấp, trồng rau màu không hiệu quả. Ông Em đã thuê xáng cạp cải tạo thành ao, nuôi vụ đầu tiên trúng đậm. Ông Lê Văn Tàu thu hoạch được 7,5 tấn tôm trong ao nuôi 5.000m2. Ông Bùi Văn Nhân thu hoạch 2,5 tấn tôm, với diện tích nuôi 1.500m2. Ông Êm, ông Tàu, ông Nhân và một số hộ nông dân khác nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất giồng cát, vụ thu hoạch đầu tiên trúng đậm đã tăng thêm sự phấn khích  cho các hộ dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất giồng cát.

 

Theo ông Nguyễn Văn Tế - cán bộ Kinh tế - Kế hoạch của xã Thạnh Phong, những năm gần đây, hộ dân nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên đất bùn thường bị thiệt hại, có khi hơn 90%. Trong khi đó, một vài hộ dân có ao nuôi nằm cặp theo triên giồng cát thì tôm thả nuôi thiệt hại không nhiều, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng tỷ lệ thành công rất cao. 

Vụ này, có hơn 30ha đất triên giồng và hơn 10ha đất giồng cát trồng rau màu, cây ăn trái được cải tạo để nuôi tôm thẻ chân trắng. 1.000m2 mặt nước thả tôm giống thẻ chân trắng trong thời gian 2 tháng rưỡi, tôm nuôi đạt trọng lượng 45-50 con/kg, thu hoạch được 1-1,5 tấn, giá thương lái thu mua 140.000-145.000 đồng/kg, nhiều hộ dân có lãi. Người nuôi tôm thẻ chân trắng thu hoạch thành công đã so sánh: Một công đất giồng cát nếu trồng rau màu, mỗi năm thu hoạch 3 lần, lợi nhuận cao lắm chỉ 5 triệu đồng. Có vụ gặp phải thời tiết bất lợi thì trắng tay. Nếu nuôi tôm thẻ chân trắng thì lợi nhuận tăng lên rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Kháng - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong, toàn xã có hơn 310ha đất giồng cát, tập trung nhiều nhất ở ấp 6 và ấp 7. Hiện, ấp 6 có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất giồng cát nhiều nhất. Vụ nuôi vừa thu hoạch trúng đậm, nhiều hộ đã đặt vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập, cụ thể là chuyển từ trồng rau màu, cây ăn trái sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Nếu nuôi tôm thẻ thu hoạch đạt sản lượng như các hộ nuôi vừa qua thì lợi nhuận rất cao, giúp hộ dân cải thiện cuộc sống, thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, ông Kháng vẫn lo lắng: Rau màu, cây ăn trái tuy đem lại thu nhập cho hộ dân không cao, nhưng đã khẳng định sự thích nghi với vùng đất giồng cát hàng chục năm nay. Đất giồng cát còn cung cấp nước ngọt phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt cho hộ dân vào thời điểm mặn, hạn gay gắt. Kết thúc mùa mưa, phần lớn hộ dân sử dụng nước mưa dự trữ nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn, còn lại phải sử dụng nước ngọt khai thác từ lớp tầng nông của đất giồng cát. Nếu tất cả diện tích đất giồng cát đều nuôi tôm thẻ chân trắng, thì xã sẽ thiếu nước ngọt. Đất giồng cát muốn nuôi tôm thẻ chân trắng phải đào ao. Một số hộ có đất nằm xa kênh rạch phải đóng cây nước để lấy nước mặn, đảm bảo cho tôm thích nghi. Cho nên về lâu dài, nguồn nước ngọt sẽ khan hiếm dần, cộng với ô nhiễm môi trường do nước thải từ ao nuôi tôm. Ông Kháng cho biết thêm, xã đã kiến nghị vấn đề này về huyện để giúp hướng giải quyết. Huyện cũng đã soạn thảo văn bản, theo hướng cấm hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất giồng cát. Do có nhiều ý kiến khác nhau nên đến thời điểm này, văn bản vẫn chưa ban hành.

Trần Quốc
Nguồn: baodongkhoi.com.vn