Sau 2 năm thực hiện, Dự án Xây dựng khả năng ứng phó, phục hồi và thích nghi với rủi ro thảm họa và biến đổi khí hậu cho phụ nữ và nam giới tại Bến Tre giai đoạn 2012-2017, bước đầu đã mang lại kết quả tích cực cho người nghèo của 15 xã ven biển trong Dự án thuộc 3 huyện: Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại.
Dự án xóa đói giảm nghèo hiệu quả
Bến Tre là một trong những tỉnh ven biển chịu tác động nặng nề nhất của quá trình biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề xâm nhập mặn, nước biển dâng… hàng năm diễn biến hết sức phức tạp. Hậu quả của nó đã phá hủy nhiều mô hình sinh kế của bà con vùng ven biển ở các xã: Thừa Đức, Thới Thuận (Bình Đại); Bảo Thạnh, Bảo Thuận (Ba Tri); Thạnh Hải (Thạnh Phú)…
Được sự tài trợ và phối hợp của Tổ chức phi chính phủ Oxfam (có trụ sở tại Vương quốc Anh), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Dự án này. Dự án tập trung vào 3 lĩnh vực chính: tăng cường công tác quản lý rủi ro thảm họa có sự tham gia có hiệu quả cho cộng đồng địa phương; tăng thêm nguồn thu nhập và góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho người nghèo, củng cố vai trò làm kinh tế cho phụ nữ thông qua thực hiện các hoạt động thích ứng sinh kế đa dạng; và giảm thiểu được bệnh lây truyền do nguồn nước thông qua những hệ thống cung cấp nước.
Dự án có tổng kinh phí hơn 4 triệu USD. Theo ông Trần Anh Khoa - điều phối viên của Ban quản lý Dự án, hiện đã thành lập được 4 nhóm quản lý chất lượng nước của 4/15 xã thuộc Dự án. "Trách nhiệm của các nhóm này là kiểm tra quản lý chất lượng nguồn nước của các chủ đổi nước, nguồn giếng khoan, nguồn giếng tầng nông. Sở đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện việc tuyên truyền và tập huấn cho những hộ này về khả năng ứng phó, biết cách giảm nhẹ với thiên tai và biển đổi khí hậu" - ông Khoa nói.
Các đối tượng được chọn tham gia sẽ tự bàn bạc, thống nhất với nhau trong tổ, nhóm sở thích để yêu cầu hình thức hỗ trợ theo đúng nguyện vọng của mình. Trong địa bàn 15 xã, đã có 777 hộ nghèo được chọn tham gia mô hình sinh kế, trong đó 37 hộ chọn được hỗ trợ mô hình phủ bạt dưa hấu, 20 hộ chọn mô hình lúa và 720 hộ còn lại chọn nuôi dê sinh sản. 4,6 triệu đồng là số tiền tương ứng cho mỗi hộ được chọn.
Đây là Dự án có quy trình đào tạo rất quy mô và bài bản. Điều cuối cùng mà Dự án hướng tới là thông qua sự lồng ghép giữa hỗ trợ nguồn sinh kế và hướng dẫn những kỹ năng cần thiết để khi Dự án kết thúc thì đó cũng là lúc người tham gia dự án có đủ kỹ năng để làm ăn, thoát nghèo bền vững. "Nếu trao cho họ hiện vật là tiền thì khó mang lại hiệu quả lâu dài, và Tổ chức Oxfam đã thấy rõ điều này. Thông qua các đợt tập huấn, bà con sẽ ngày càng tiến bộ và hiểu biết cách thức làm ăn, cán bộ địa phương cũng được đào tạo bài bản để đảm đương công việc này " - ông Khoa cho biết thêm.
Chỉ có thể tặng cần câu
Niềm phấn khởi hiện rõ trên những nụ cười rạng rỡ của bà con ở vùng ven biển xã Thạnh Hải (Thạnh Phú) khi được Dự án trao tặng bồn chứa nước dung lượng 2.000 lít. Bà Bùi Thị Bé Tư (ấp Thạnh Lợi 1) rưng rưng nước mắt nói: "Nhà nghèo, đông con, cháu chít còn bé xíu mà cứ phải sử dụng nước mặn hay nước mưa được chứa trong lu tạm bợ nhiều năm nay. Khi nghe tập huấn về hậu quả của việc sử dụng nước không hợp vệ sinh, cả nhà rất lo lắng. Được nhận cái bồn chứa nước to vậy, tôi không biết tả cái niềm vui sướng này như thế nào nữa".
Đi làm về, vợ ông Giữ vui vẻ chăm sóc đàn dê
Tại các xã ven biển thuộc 3 huyện này, do bị tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng ngày càng khốc liệt trong nhiều năm qua, nên nhiều khu vực đất chỉ có những cây không có giá trị kinh tế như lức, tra, sậy… mọc um tùm. Bà con đã bỏ hẳn nhiều khu đất bởi không thể trồng cây có giá trị. Gia đình ông bà Văng Công Giữ (ấp 1 - xã Thạnh Hải) neo đơn và nghèo khó, lại có 3 công đất bị nhiễm mặn phải bỏ không nhiều năm qua, cả nhà đi làm thuê kiếm sống. "Từ ngày có con dê đất đó, tôi mừng dữ lắm. Sáng, trước khi đi làm mướn, tôi dắt dê đi cột, trưa về cho uống nước, chiều dắt dê về" - ông Giữ phấn khởi nói.
"Dê ăn tạp được nhiều loại cây, chịu mặn tốt; gặp thời tiết khắc nghiệt, dê vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Đây là vật nuôi rất có hiệu quả trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu" - ông Khoa cho biết.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Giám đốc Dự án, cho biết: Ngoài những điều phấn khởi đã đạt được thì mô hình sinh kế thực hiện cho các hộ nghèo là một lựa chọn khó khăn, bởi hộ nghèo thường có ít hoặc không có đất sản xuất, trong khi vốn hỗ trợ chỉ khoảng 4,6 triệu đồng/hộ. "Cái cần" để hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững còn hạn chế vì chỉ có thể chọn những vật nuôi có chi phí thấp. Dự án chỉ đi được giai đoạn đầu, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là bức thiết để hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Bài, ảnh: Mã Phương
Nguồn: baodongkhoi.com.vn