Nằm cặp biển Đông, Cồn Hố thuộc ấp An Thới xã An Thủy, huyện Ba Tri trước đây là vùng đất cù lao hoang sơ và luôn gắn liền với biết bao câu chuyện kỳ bí về các loài thú dữ. Là vùng đất được bồi tụ từ phù sa biển Đông, với diện tích 1.000 hecta, nên từ xa xưa, Cồn Hố như một thảm rừng thực vật xanh thẳm, ngút ngàn, không một bóng người, chỉ có các loài thú dữ, nhất là cọp chọn làm nơi trú ẩn, do đó địa danh Cồn Hố còn có tên gọi là Cù lao Hổ.
Vào những năm 1960, để lẩn tránh kẻ thù, một số đồng chí cách mạng của xã An Thủy đã đến Cồn Hố ẩn náo và tiếp tục hoạt động, đồng thời khai phá vùng đất này để sản xuất tạo thu nhập cho gia đình. Những người đầu tiên bước chân đến đây là ông Châu Văn Lự, Châu Văn Tư ở ấp An Thới, Phan Văn Hỉ ở ấp An Lợi. Buổi ban đầu đến Cồn Hố, điều kiện sống và sản xuất rất khó khăn.
Ông Phan Văn Hỉ ở ấp An Lợi kể: "Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, để bí mật hoạt động, anh em chúng tôi ra Cồn Hố làm căn cứ. Ban ngày thì chúng tôi chạy ra đó trú ẩn và tranh thủ sản xuất, trồng trọt, tối về trong đất liền công tác. Thời gian sau, để không còn chỗ cho những người hoạt động cách mạng ẩn náo, Mỹ tiến hành rải hóa học để tiêu diệt cây cối. Khi ấy, cây cối chết rất nhiều chỉ còn một vài cụm lưa thưa sống sót. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng chúng tôi vẫn cố gắng ra Cồn Hố để trú ẩn".
Đây là nơi có nguồn nước ngọt dồi dào, rất thích hợp cho người dân trồng các loại rau màu trên vùng đất cồn ven biển. Tận dụng nguồn nước ngọt khai thác từ lòng đất, trong thời gian đầu khai phá vùng đất này, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng người dân vẫn cố gắng bám đất, khai hoang, phục hóa, chịu khó lao động sản xuất để cải tạo vùng đất hoang sơ và tạo thêm thu nhập cho cuộc sống gia đình. Sau ngày hoà bình lập lại, lớp con cháu tiếp tục theo bước cha ông đến đây để khai phá, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.
Đến Cồn Hố bây giờ, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi những đổi thay từ hiệu quả và tiềm năng vùng đất mới. Hiện nay có hơn 100 hộ đến nơi này sản xuất. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, người dân không ngừng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Đặng Văn Hồng, chủ tịch Hội Nông dân xã An Thủy cho biết: Nhận thấy rằng Cồn Hố là vùng đất trù phú có thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng rau màu. Tuy nhiên trước đây do còn hạn chế về kiến thức nên nông dân sản xuất mang lại hiệu quả không cao. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Hội Nông dân xã đã mạnh dạn phối hợp với trung tâm khuyến nông khuyến ngư, trạm bảo vệ thực vật, các công ty giống cây trồng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để áp dụng vào sản xuất. Đồng thời thường xuyên đưa nông dân đi tham quan các mô hình sản xuất rau màu có hiệu quả để rút kinh nghiệm.
Nhờ vậy từ những loại rau màu giá thị thấp ban đầu như đậu, sắn, bầu, bí, cải…, đến nay, người dân đã chọn lọc trồng loại có giá trị cao như dưa hấu. Và hiện nay, loại cây trồng này được bà con trồng luân canh quanh năm và là nơi cung cấp nguồn dưa hấu dồi dào cho các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nhờ thích hợp với vùng đất cùng với sự chăm sóc tích cực của người dân nên dưa hấu phát triển tốt, cho trái nhiều, to và có chất lượng.
Anh Lưu Văn Em, một nông dân đang canh tác trên đất Cồn Hố cho biết: "Đất vùng ven biển Cồn Hố này được thiên nhiên ưu đãi trồng dưa hấu. Tôi đã gắn kết với nơi này trên 20 năm. Nhờ ngành chức năng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nên tôi trồng luôn đạt hiệu quả. Do đây là vùng đất nằm ven biển, gió thổi mạnh, nhất là đến mùa gió mùa đông bắc, để dây dưa không lăn, ảnh hưởng đến sự phát triển, tôi dùng lạt bẻ thành hình chữ A để kẹp chúng lại. Trong vụ hè thu vừa qua do mưa bão thường xuyên xảy ra, lượng nước mưa nhiều, trong khi đó triều cường lên nên nước không thoát đi, làm ngập úng, ảnh hưởng đến sự phát triển của dưa. Để khắc phục tình trạng này, tôi tiến hành cắt bông, nụ của dưa để dưỡng sức và sau đó chúng phát triển trở lại, trổ bông, cho trái bình thường".
Đặc biệt, để thay đổi độ màu mỡ của đất, giữ được nhiều nước cho cây trồng, người dân có cách làm mới trong việc xới đất. Nếu như trước đây người dân thực hiện việc xới đất bằng cuốc để xới sau một vụ thu hoạch, với độ sâu 2cm, thì bây giờ sử dụng phương tiện cơ giới, đất trồng được xới sâu hơn, với 6cm, làm đất tơi xốp và tăng thêm độ màu mỡ.
Không chỉ thế, để phát triển sản xuất đảm bảo tính bền vững, người dân còn thực hiện tốt việc khắc phục ô nhiễm môi trường như sử dụng phế phẩm dây, lá từ dưa đem ủ phân hữu cơ bón lại cho cây trồng, đồng thời hạn chế chi phí trong sản xuất.
Bên cạnh rau màu, gần đây, người dân còn mạnh dạn đào đất ở những vùng thấp, ven biển làm ngư trường để trồng cây gây rừng kết hợp nuôi thủy sản. Qua đó vừa phát triển kinh tế, vừa che chắn diện tích sản xuất, bảo vệ thành quả lao động, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để phục vụ phát triển kinh tế, Cồn Hố còn được Dự án di dân của tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, Cồn Hố có 7km đường được trải đá hỗn hợp, 4 cây cầu xây dựng kiên cố nối liền với đất liền, tạo sự lưu thông thuận lợi cho cả xe mô tô và ô tô đến nơi này.
Ông Phan Văn Hỉ ở ấp An Lợi cho biết: Trước đây thì điều kiện sinh sống và sản xuất rất khó khăn. Còn bây giờ thì đường xá được xây dựng rộng thênh thang, xe mô tô và ô tô đều ra tận ngoài đó. Hiện nay bà con ra Cồn Hố sản xuất rất đông. Có điều kiện thuận lợi nên bà con có người thì trồng rau màu, có người thì nuôi thủy sản các loại.
Có điều kiện cộng với chí thú làm ăn nên sản xuất và nuôi trồng của người dân luôn mang lại hiệu quả cao. Trong năm 2013, nông dân Cồn Hố nuôi được trên 3.000 tấn thủy sản các loại, trồng được hơn 3.100 tấn rau màu, giá trị trên 13 tỷ đồng. Điển hình như anh Lưu Văn Em trồng 2 công đất dưa hấu, mỗi năm sau khi thu hoạch 3 vụ trừ chi phí còn lãi trên 300 triệu đồng. Đặc biệt, nơi đây có 90% hộ đều được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó anh Lưu Văn Em được công nhân nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương năm 2012.
Ngoài ra, còn có các ông như ông Lưu Văn Hải, Phan Văn Măng, Đặng Văn Bằng, đều là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, với thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Kết quả này đã khẳng định sự phát triển của một vùng đất cồn, đặc biệt là góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã An Thủy là 25 triệu đồng. Trong số 3.645 hộ của xã có hơn 1.200 hộ khá giàu, chiếm 33,4% tổng số hộ.
Ông Nguyễn Hữu Học, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Thủy cho biết: Để Cồn Hố phát triển, trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, chúng tôi tiếp tục phát triển kinh tế biển gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực Cồn Hố giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án, sự hỗ trợ của trên để xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, mở mới một số tuyến đường ven biển, kéo điện thắp sáng, nước sạch phục vụ sinh hoạt cũng như nước phục vụ sản xuất. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư về đầu tư khai thác tiềm năng du lịch. Phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ, hạt kiểm lâm để quản lý hiệu quả 3 loại rừng, lập kế hoạch trồng mới cây rừng ở các bãi bồi ven biển nhằm chống xói lở, hạn chế ảnh hưởng của gió biển, đồng thời tạo cảnh quang xanh cũng như ôn hòa về môi trường sinh thái.
Chia tay Cồn Hồ, nhìn về cánh đồng dưa hấu xanh tươi, ngút ngàn, nhìn rõ hơn những ngọn dưa hấu đang chuyển mình vươn lên như vui đùa trước làn gió chướng. Mùa xuân đã bắt đầu, chúng tôi như cảm nhận về sức sống mới của người dân nơi đây.
Bài, ảnh: Trần Xiện