Site banner

Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam

Là một trong ba huyện duyên hải của tỉnh Bến Tre, Thạnh Phú nằm ở cuối cù lao Minh, phía tây giáp huyện Mỏ Cày Nam, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía bắc giáp huyện Ba Tri, có ranh giới chung là con sông Hàm Luông. Thạnh Phú có địa hình gồm những cánh đồng bằng phẳng xen kẽ với những giồng cát, nổng cát và những khu rừng ngập mặn. Với chiều dài bờ biển khoảng 25 km, ở ven biển, ven sông là những dải rừng ráng, chà là, dừa nước, …nên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thạnh Phú là căn cứ an toàn của tỉnh, của Khu 8, với nhiều cơ quan, bệnh viện, trường học, công binh xưởng,… đóng trên địa bàn huyện. Nhân dân Thạnh Phú có truyền thống yêu nước, chống xâm lược.

Từ năm 1946 đến năm 1970, đã có trên 20 chuyến tàu của những đoàn tàu không số, chở hàng ngàn tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam cập bến vùng căn cứ Thạnh Phong và được chuyển tiếp đến các chiến trường miền Đông và miền Tây Nam bộ. Vì vậy, khu di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam ở xã Thạnh Phong được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23-12-1995, và xã Thạnh Phong cũng đã được Nhà nước tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Khu di tích Đầu cầu tiếp nhận chi viện vũ khí Bắc Nam thuộc xã Thạnh Phong, gồm vàm Khâu Băng, cồn Bửng, cồn Lợi, cồn Lớn, nằm cách thị trấn Thạnh Phú 25 km, cách thành phố Bến Tre khoảng 70 km. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây đã diễn ra hai lần vượt biển của đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre từ xã Thạnh Phong ra Hà Nội để gặp Trung ương Đảng và Bác Hồ, báo cáo tình hình và xin chi viện cho chiến trường miền Nam. Lần thứ nhất là vào đầu tháng 4-1946 và lần thứ hai diễn ra vào ngày 1-6-1961.

Sau một thời gian chuẩn bị, vào một ngày cuối tháng 3-1946, chiếc thuyền chở đoàn cán bộ tỉnh Bến Tre xuất phát từ Cồn Lợi, xã Thạnh Phong ra Bắc được khởi hành. Sau những ngày vượt biển đầy khó khăn gian khổ, cuối cùng đoàn cũng đến được thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Đoàn được chính quyền cách mạng địa phương đón tiếp và sau đó đoàn đi xe lửa ra Hà Nội, được gặp Trung ương Đảng và Bác Hồ. Sau một thời gian đến Hà Nội, hai người đi trong đoàn là ông Ca Văn Thỉnh và bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được Trung ương quyết định ở lại nhận nhiệm vụ mới, còn bà Nguyễn Thị Định được giao nhiệm vụ trở về Nam bộ. Từ bờ biển tỉnh Phú Yên, bà Ba Ðịnh đã cùng với anh em thủy thủ đưa về Bến Tre một thuyền chở đầy vũ khí do Trung ương chi viện. Chuyến đi thắng lợi này mang ý nghĩa mở đường, cắm một cột mốc lịch sử về một con đường tiếp tế trên biển Đông từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường Nam và cũng đã để lại bao nhiêu huyền thoại.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 ký kết, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tiến hành các chiến dịch khủng bố, đánh phá phong trào cách mạng miền Nam. Nhân dân miền Nam sống dưới ách thống trị tàn bạo của bọn Mỹ-Diệm, nhất là khi Luật 10/59 ra đời, không còn con đường nào khác nên đồng bào ta phải vùng lên đấu tranh để bảo vệ quyền sống, giải phóng quê hương, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Cuộc Đồng khởi mà điểm xuất phát đầu tiên diễn ra tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre vào ngày 17-1-1960, đã mở ra cao trào của cách mạng miền Nam từ năm 1960 và đã đưa đến việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 20-12-1960. Bước vào năm 1961, cách mạng miền Nam đã chuyển từ khởi nghĩa từng phần ở nông thôn lên chiến tranh cách mạng. Nhu cầu phát triển phong trào cách mạng của Bến Tre đòi hỏi cần có sự chi viện về vũ khí để trang bị cho những đội vũ trang mới thành lập đủ mạnh để đối phó âm mưu và thủ đoạn của địch. Cũng lúc này, Tỉnh ủy nhận được chỉ thị của Trung ương và Xứ ủy Nam bộ cần cử một đoàn cán bộ ra Bắc để báo cáo với Trung ương Đảng về tình hình của phong trào Đồng khởi của tỉnh nhà, và đồng thời mở cuộc khảo sát, thăm dò xây dựng một hành lang chi viện bằng đường biển Bắc - Nam để tiếp tế vũ khí, đạn dược, phương tiện kỹ thuật cho cách mạng miền Nam.

Vào một ngày đầu tháng 6-1961, chiếc thuyền giương buồm xuất phát từ Cồn Lợi thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú đưa đoàn cán bộ vượt biển ra miền Bắc. Sau năm ngày đêm lênh đênh trên biển, chiếc thuyền chở đoàn gồm 6 người đã cập bãi biển Hà Tĩnh. Hai ngày sau khi liên lạc được với Trung ương, đoàn đến Hà Nội an toàn. Đoàn đã báo cáo với Hồ Chủ tịch, các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư quá trình diễn biến của phong trào Đồng khởi cùng những thắng lợi đã giành được, đồng thời nói rõ những nhu cầu của chiến trường để Trung ương nghiên cứu, giải quyết. Những báo cáo thực tế của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã giúp cho Trung ương có cơ sở để đánh giá đúng tình hình, từ đó có những biện pháp, chủ trương chỉ đạo cụ thể, nhằm đẩy mạnh cao trào cách mạng miền Nam lên một bước mới.

Đêm 18-9-1961, chuyến tàu đầu tiên từ hậu phương mang 35 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ đã cập bến an toàn tại một vùng ven biển Cà Mau. Trong thủy thủ đoàn của chuyến đi ấy có một số đồng chí trong đoàn của Bến Tre đã ra trước đó. Tiếp theo chuyến đi mở đường thắng lợi ấy, các chuyến tàu chi viện vũ khí cho miền Nam tiếp tục cập bến nhiều tỉnh ở ven biển, trong đó có Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau... để tăng cường sức chiến đấu cho cách mạng miền Nam.

Chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ, những người lính đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ cùng đoàn tàu không số đã trở thành những huyền thoại, huyền thoại về những người anh hùng đã hiến đời mình cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Mà giờ đây thịt xương của các anh đã hòa vào biển cả bao la, trên mỗi dòng sông, trên từng nắm đất, trên những bờ bãi mà đoàn tàu các anh đi qua dường như còn lưu giữ một phần thân thể các anh.

Ngày nay, tại Vàm Khâu Băng có một bia lưu niệm do ngành Hải quân xây dựng, và tại ngã ba quốc lộ 57 - đường vào xã Thạnh Hải, UBND tỉnh Bến Tre đã xây dựng một bia lưu niệm để tưởng nhớ đến những người anh hùng đã hy sinh cho đất nước. Bia lưu niệm Đường Hồ Chí Minh trên biển tại vàm Khâu Băng được xây dựng trên diện tích rộng khoảng 1.000 m2. Bia có biểu tượng hình cánh buồm, chiều cao 9 m, ngang 3,2 m, gồm 5 bậc cấp đi lên. Cánh buồm vươn lên tượng trưng cho quyển sách được mở ra, ghi lại sự kiện lịch sử vận chuyển vũ khí. Trên đỉnh cánh buồm có ngôi sao vàng 5 cánh tượng trưng cho quốc kỳ, bên dưới khắc chữ: "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Chính giữa cánh buồm có biểu tượng vô-lăng và neo tàu của lực lượng hải quân Việt Nam.

Còn bia lưu niệm do tỉnh Bến Tre xây dựng vào năm 2002, tại ngã ba, trên trục lộ xã Thạnh Hải. Bia lưu niệm có hình dáng chiếc thuyền chỡ vũ khí, chiều cao 10 m, dài 11 m, mặt trước có nhiều chiếc thuyền nhỏ lần lượt chỡ vũ khí và cách điệu những cơn sóng nhấp nhô đưa thuyền lướt về bến. Cột buồm tượng trưng cho vũ khí được thể hiện hình khẩu súng, cánh buồm tượng trưng cho lá cờ. Trên lá cờ có bức phù điêu được chia thành hai tầng. Tầng trên miêu tả những chiến sĩ của đoàn tàu không số đang vận chuyển vũ khí từ trên tàu xuống, còn tầng dưới là cảnh sơ tán vũ khí vào địa điểm an toàn.

Nhìn chung, hai bia lưu niệm được dựng lên tại Thạnh Phong được xây dựng bằng bêtông cốt thép, nhưng đường nét sắc sảo, thể hiện được chất anh dũng của những chiến sĩ hải quân Việt Nam cũng như truyền thống yêu nước của người dân Bến Tre trong công cuộc đấu, giành độc lập cho đất nước.

Để tưởng nhớ và ghi công những chiến sĩ của đoàn tàu không số đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ, tỉnh Bến Tre đang xây dựng Dự án Công viên nghĩa trang – đường Hồ Chí Minh trên biển tại cồn Bửng thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai, kết hợp với khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước thu hút du khách và phát triển dịch vụ du lịch, giúp mọi người hiểu được quá khứ oai hùng của ông cha nối tiếp truyền thống của quê hương trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thư chúc mừng 35 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển, ngày 23-10-1996 viết rằng: "…Năm tháng sẽ trôi qua, những chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông; của những con tàu không số; của quân và dân các bến bãi làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc ta… Tổ quốc và nhân dân sẽ đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển".  Do đó, bến Thạnh Phong trên bờ biển Thạnh Phú mãi mãi được nhắc đến trong lịch sử đấu tranh anh dũng và hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam ở xã Thạnh Phong là một bằng chứng về một thời kỳ đấu tranh anh dũng, kiên cường bất khuất, chống lại các thế lực xâm lược. Việc xây dựng Công viên nghĩa trang – Đường Hồ Chí Minh trên biển ở Thạnh Phú góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tưởng nhớ những người đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, đồng thời phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Thạnh Phú trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay.

N.D