Site banner

Diệu kỳ mái ấm thiên nhiên

"Chim có tổ, người có tông", điều này được kiểm chứng khi đến với hệ sinh thái đất ngập nước sân chim Vàm Hồ vào mùa sinh sản. Sự ngạc nhiên đến bất ngờ - đó là tâm trạng của bất kỳ ai khi đến đây, trước sự đa dạng, kỳ thú của các tổ chim nói riêng và tổ của sinh vật khác nói chung.

Sân chim Vàm Hồ từ lâu đã được xem là nơi lưu giữ hạnh phúc, là nơi góp phần duy trì nòi giống, gia tăng đa dạng sinh học cho các loài chim. Cứ không ai bảo ai, khi mùa mưa đến, dù đi kiếm ăn đâu xa, các loài chim cũng biết tìm về chốn này để cùng nhau quần tụ, xây dựng tổ ấm lứa đôi…

Ở Vàm Hồ, mùa sinh sản của cồng cộc từ tháng 7 đến cuối tháng 9, cả chim trống và chim mái cùng nhau làm tổ bằng những cành cây nhỏ trên những cành cây đước và tràm bông vàng. Mỗi tổ có từ 2 - 6 trứng, ấp trong 15 đến 21 ngày. Sau khoảng 1 tháng chim non đã rời tổ để tự kiếm ăn một mình. Với hình dáng không cầu kỳ hoa mỹ, nhưng nơi đây từ bao đời đã là tổ ấm, cho ra đời biết bao nhiêu cồng cộc, mang vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất ngập nước luôn vang dội tiếng chim non ríu rít gọi bầy.

Khác với hình hơi tròn của cồng cộc, dòng dọc đã xây dựng tổ ấm cho mình vô cùng độc đáo, không thể lẫn với các loài khác. Nhiều tổ chim cầu kỳ với một ống dài ở phía trên, móc vào những nhánh bần và treo lơ lửng trên mặt nước, gần những tổ ong vò vẽ; giúp cho chim tránh được những kẻ săn mồi, nhưng cũng dễ bị phá bởi các loại thằn lằn như cắc ké.

Nhìn tổ chim dòng dọc do chim mái thiết kế và xây dựng, với những đường nét công phu, bền chặt, khiến ta không thể không khâm phục và liên tưởng đến sự tỉ mỉ và tinh tế của người phụ nữ, đảm nhận vai trò "xây tổ ấm" trong gia đình.

Tương phản lại sự công phu tỉ mỉ của tổ chim mái, tổ chim do dòng dọc trống xây dựng thể hiện sự lẹ làng nhưng cẩu thả.

Nếu nói nhìn cách bài trí nhà cửa, bếp núc để đánh giá phần nào tính cách gia chủ, có lẽ đúng khi nhìn qua cấu trúc, hình dáng tổ chim, ta có thể đoán tính cách từng loài cũng như giới tính của chúng. Tổ dòng dọc cầu kỳ khi là tác phẩm của chim mái, đơn giản hay  ẩu tả, lấy lệ lấy có, đích thực là do chim trống. 

Tuy nhiên, tổ dòng dọc trống vẫn còn đẹp hơn nhiều so với tổ vạc. Tổ vạc đơn giản chỉ bằng nhánh cây. Vạc là loài chim có số lượng lớn nhất ở sân chim Vàm Hồ. Tên khoa học của vạc Nycticorax có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp, có nghĩa là loài quạ đêm với thói quen đi kiếm ăn ban đêm của chúng.

Vạc thường làm tổ trên cây đước, cây tràm bông vàng. Ngoài ra, chạc tre cũng là nơi làm tổ an toàn cho vạc, bất chấp gai nhọn, đôi khi đã gây thương tích cho không ít chim bố và mẹ, khi chọn nơi đây để xây tổ ấm.

Mặc dù, với bản chất vốn cẩn thận và đa nghi, xây dựng mái ấm nơi địa hình khó khăn hiểm trở, nhưng vạc ở sân chim Vàm Hồ vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt trộm chim non và trứng trong mùa sinh sản, thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9. Đây là vấn nạn, cần có biện pháp cứng rắn để răn đe, nhằm bảo vệ số lượng vạc nơi đây không bị sụt giảm do tác động của con người.

Điêng điểng là loài chim nước lớn, có một cái cổ rất dài, bộ lông màu nâu đen với nhiều sọc bạc trên lưng và mặt trên cánh. Khi săn mồi, thân chim chìm trong nước, chỉ có cổ nhô lên giống như con rắn, nên còn gọi là chim cổ rắn. Điêng điểng chỉ mới về sống tại Vàm Hồ từ năm 1997, thường đậu trên những nhánh cây cao nhất, cùng với cồng cộc. Tổ điêng điểng cũng đơn giản, gần giống với tổ vạc, rất hiếm bắt gặp trong sân chim.

Không cầu kỳ như tổ dòng dọc cái, cũng giống điên điển và vạc, cò xây dựng tổ ấm cho mình một cách đơn giản, kiểu như "nhà tranh vách đất" đơn sơ. Cả hai chim bố và mẹ cùng làm tổ bằng những nhánh cây nhỏ trên cây đước và một số cây khác. Bằng trách nhiệm và tình thương, chim bố và mẹ thay nhau bảo vệ một vùng lãnh thổ nhỏ bao quanh tổ, mỗi tổ có từ 3 – 5 trứng, được ấp ủ và thành chim non sau 21 đến 25 ngày.

Gia đình là tổ ấm, là nơi lưu giữ tình cảm thiêng liêng nhất của muôn loài. Xin ai đó đừng vì chút lợi ích riêng tư mà phá hoại cuộc sống yên bình của bất kỳ loài nào, dù chỉ là những sinh vật bé nhỏ, không có khả năng tự vệ, đặc biệt trước sự tấn công của con người. Hãy đến Vàm Hồ để chiêm ngưỡng những công trình của các kiến trúc sư tài ba, góp phần tô điểm thêm cho cuộc sống đa dạng trên hành tinh xanh.

KIM  TUYẾN - VĂN BON (Trường Cao đẳng Bến Tre)