Bình Đại là một trong chín huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre. Thị trấn Bình Đại được xác định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng của huyện biển anh hùng. Đô thị của huyện lỵ có đường 883 đi qua. Đây là đầu mối giao thương quan trọng tỏa đi các địa phương khác, và là tuyến chủ đạo trong trục kinh tế nằm dọc bên dòng Tiền Giang.
Trên con đường tăng tốc phát triển đó – như một tất yếu – đều có sự tập trung dồn sức, đầu tư toàn diện của các ngành, các cấp, của quần chúng nhân dân. Qua đó, những con số khá ấn tượng đã lần lượt song hành với quá trình chuyển biến đi lên của một đô thị bên bờ biển Đông: Năm 2012, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14%. So với năm 2001, số cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ tăng đến 50%, với tổng vốn đầu tư trên 91 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm cho người dân theo hướng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt khoảng 32 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo cũng đã được kéo giảm về con số thấp nhất. Chỉ trong một thời gian ngắn, các hộ dân trên địa bàn thị trấn đã nhựa hóa, bêtông hóa các lộ hẻm, xây dựng giao thông nông thôn, bó láng vỉa hè, hoàn chỉnh hệ thống thoát nước… với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Năm 2012, giá trị thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 40% GDP, Hiện thị trấn có gần 1.200 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ với nhiều loại hình dịch vụ mới, chất lượng cao như: ngân hàng, bảo hiểm, tín dụng, vận tải công cộng, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng mua sắm… Tất cả như những mảnh ghép quan trọng cho một mô hình thu nhỏ nhưng rất đặc trưng và đầy năng động của chốn thị thành.
Một góc nội ô thị trấn Bình Đại. Ảnh: Cao Đạt
Từ trên cao nhìn xuống, khu nội ô thị trấn khá sầm uất, nhịp sống như hối hả nhưng vẫn toát lên và phủ đều những điểm sáng văn minh: đường thông, hè thoáng, cảnh quan xanh - sạch - đẹp và thân thiện. Các trục đường chính trên địa bàn thị trấn hầu như không phải chịu cảnh ứ đọng và ngập nước do thủy triều lên hay mưa kéo dài. Riêng về nước sạch, qua nhiều lần cải tạo, nâng cấp, công suất của Nhà máy nước Đan Mạch đã được nâng lên khá lớn, hệ thống ống chính dài và đều khắp, đảm bảo khả năng cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho gần 99% hộ dân ở khu vực nội thị và các điểm vùng ven. Hiện tại, thị trấn đang sử dụng lưới điện Quốc gia. Nhờ nguồn điện năng được duy trì và cung cấp đầy đủ nên tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn đạt gần 100%, trong đó tất cả đường phố công viên đều được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Bước vào cuộc chỉnh trang đô thị, tất cả các đường phố, các khu vực phục vụ cho mục đích công đều được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Trên những con đường nội ô hay những tuyến đường mới mở - về đêm - hệ thống đèn chiếu sáng như thi nhau ánh lên những sắc màu rực rỡ, góp phần điểm tô diện mạo đô thị.
Hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông trên địa bàn thị trấn được đầu tư xây dựng đồng bộ và đang bước vào thời kỳ "tăng tốc". Với những trang thiết bị kỹ thật số hiện đại, người dân được đáp ứng đầy đủ về nhu cầu thông tin liên lạc. Các cơ sở trường học cũng được đầu tư theo hướng đạt chuẩn Quốc gia, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên, tỷ lệ trẻ đến trường đạt trên 90%, trẻ dưới 6 tuổi đạt 100%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở luôn đứng ở mức cao và dẫn đầu toàn huyện. Ngoài Trung tâm Y tế huyện tọa lạc trên địa bàn, các phòng khám y học cổ truyền, Trạm Y tế của thị trấn đã làm tốt vai trò chăm sóc sức khoẻ nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia.
Hiện đô thị xứ biển có diện tích tự nhiên là 952ha, gồm 6 ấp-khu phố, với dân số trên 11.000 người; mật độ dân số khu vực nội ô là 4.000 người/km2 . Do kinh tế phát triển, đặc biệt là lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng nhanh đã thu hút cư dân các nơi về đây sinh sống, học tập và làm việc đã đưa dân số tăng lên đáng kể. Nhân dân thị trấn đã xây mới hàng trăm ngôi nhà kiên cố với nhiều mái nhà sừng sững, chon von, mỗi một ngôi nhà là một công trình kiến trúc. Công tác quản lý đô thị theo quy hoạch và được thực hiện tương đối đồng bộ, bước đầu có chuyển biến tích cực. Tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình phá vỡ quy hoạch đã được khắc phục; trật tự đô thị được tăng cường gìn giữ. Công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác, nước thải đạt kết quả khá tốt. Ở khu vực nội ô, hơn 95% lượng rác thải đã được thu gom và xử lý; số điểm đen về ô nhiễm môi trường đã được cải tạo triệt để.
Sự đồng thuận của Đảng bộ và nhân dân thị trấn Bình Đại trong nỗ lực xây dựng xây dựng thị trấn trở thành đô thị loại IV là điều đáng trân trọng. Ý Đảng với lòng dân đã thuận, thị trấn Bình Đại đã mạnh dạn nâng những bước đi khá dài nhưng rất căn cơ, vững chắc với quyết tâm xây dựng đô thị thực sự văn minh, hiện đại và đúng thực chất. Để chắp cánh cho chặng đường tăng tốc, được sự hỗ trợ từ Trung ương và của tỉnh, huyện Bình Đại đã tổ khởi công xây dựng 10 cây cầu bê-tông cốt thép vĩnh cửu trên đường tỉnh 883 thay cho 10 chiếc cầu sắt yếu oằn, chật hẹp. Mỗi cây cầu mới rộng 10 mét, tổng chiều dài 873 mét. Đường dẫn lên cầu thuộc loại cấp IV đồng bằng với 2 làn xe cơ giới, dài từ 400-600 mét. Tổng mức đầu tư cho 10 cây cầu là 763 tỷ đồng. Hiện công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ, dự kiến Dự án được hoàn thành vào cuối năm 2014. Việc xây dựng các cây cầu trên tuyến đường tỉnh 883 góp phần đảm bảo giao thông được thông suốt, giảm thiểu tai nạn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của quê hương xứ biển, đặc biệt là việc vận chuyển các mặt hàng nông lâm, thủy, hải sản… vốn được xem là thế mạnh của Bình Đại về các khu công nghiệp của tỉnh cũng như các tỉnh – thành trong khu vực.
Theo số liệu thống kê, đến nay trong 49 tiêu chí của đô thị loại IV, thị trấn Bình Đại đã đạt được 31 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đạt từ 50 đến 70%. Nếu đúng như tiến trình thì giai đoạn 2015 – 2020, thị xã Bình Đại sẽ được thành lập, bao gồm thị trấn Bình Đại hiện hữu; ấp 1, 2, 3, 4 xã Bình Thắng một phần diện tích và dân cư của xã Bình Thới, xã Đại Hòa lộc với các khu chức như: Khu công viên văn hóa và khu đô thị Bà Nhựt, với diện tích 80ha; khu dân cư và tái định cư xóm Hàng Còng có diện tích lá 20 ha; Khu thương mại huyện gồm 6ha, đồng thời thành lập thị trấn trung tâm huyện Bình Đại trên cơ sở tách một phần xã Lộc Thuận và xã Phú Vang.
Từ cơ sở của đô thị loại V trên đà phát triển bền vững, cả hệ thống chính trị và nhân dân thị trấn đang tập trung toàn lực và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiến lên đô thị loại IV với những nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, một yêu cầu hết sức cơ bản và bức thiết đối với đô thị mới là năng lực hoạt động của hệ thống chính trị phải đủ mạnh và đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là vai trò quản lý đô thị của hệ thống chính quyền phải ngang tầm với nhiệm vụ mới.
Nhịp sống đang hối hả, nhịp thời gian cũng vùn vụt trôi nhanh. Về "Đô thị bên bờ biển Đông", ban mai vẫn như kế tục, bình minh vẫn luôn đến sớm, sóng biển vẫn cất tiếng rì rầm… Tất cả như phả vào phố biển những hơi thở nồng nàn. Đô thị mới như đang căng đầy sức trẻ, rất năng động, hữu tình và thân thiện .
Trần Cao Đạt
(Đài PT –TH Bến Tre)