Site banner

Đổi mới trên quê hương An Điền

Cây cầu dây văng An Điền được thông xe năm 2005 trong niềm vui khó tả của người dân quê biển vốn đã quen với những chuyến đò ngang mỗi khi đi, về An Điền. Sau cầu An Điền, nhiều công trình giao thông, thủy lợi được đầu tư đã đưa An Điền thay da, đổi thịt từng ngày.

Vùng đất phèn mặn, hoang hóa ngày nào bây giờ đã khác xa 10 năm về trước. Từ địa phương từng được đánh giá là một trong những xã khó khăn bậc nhất của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, đời sống vật chất tinh thần của người dân còn nhiều hạn chế, khó khăn thì diện mạo của xã An Điền hôm nay đã khởi sắc toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng nâng lên.

Có được điều này là nhờ những năm qua cơ sở hạ tầng nơi đây được Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Đường vào xã và hệ thống giao thông nông thôn đến các ấp thời gian qua được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, tạo sự phấn khởi trong nhân dân, góp phần tích cực tạo nên diện mạo nông thôn mới An Điền.

Ông Trần Huy Phượng, Chủ tịch UBND xã An Điền cho biết: Toàn xã An Điền hiện có trên 18 km đường giao thông được trải nhựa và bê-tông, 28 cây cầu được xây dựng kiên cố tạo điều kiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân được dễ dàng. Riêng trong năm 2013, xã An Điền có nhiều công trình xây dựng hoàn thành mới như tuyến đường ô tô vào trung tâm 3 xã An Điền, Thạnh Hải, Mỹ An và các tuyến đường từ vào các ấp, các công trình cầu… với kinh phí hàng tỷ đồng. Ngoài hạ tầng giao thông, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cũng được triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động được nguồn nước nuôi thủy sản và trồng lúa. Bên cạnh đó, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất nông nghiệp với các chuyên đề trồng lúa, nuôi tôm sú, cua biển…. dựa trên điều kiện đặc thù của địa phương cũng được địa phương và ngành chuyên môn thường xuyên thực hiện.

Cầu An Điền được xây dựng đã góp phần đưa xã An Điền ngày càng phát triển

Kinh tế thủy sản là thế mạnh của An Điền, toàn xã hiện có 2.250 hecta nuôi tôm biển; trong số này có 360 hecta tôm thâm canh, còn lại tôm quảng canh. Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống mà liên tục trong nhiều năm qua, người dân An Điền thu lãi cao, ổn định với mô hình tôm – lúa.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ở ấp An Khương B, xã An Điền phấn khởi thổ lộ: "Gia đình tôi có 3,4 hecta diện tích, trong đó 1,6 hecta đất lúa, 1,8 hecta mặt nước, hàng năm tôi thực hiện mô hình tổng hợp nuôi tôm và cua biển trên ruộng lúa theo hình thức quảng canh. Vào mùa nắng nước mặn tôi thả nuôi sú, mùa mưa nước ngọt thả tôm càng xanh và trồng lúa, đồng thời thả cua biển nuôi thường xuyên. Với 15.000 cua biển giống; 200.000 post tôm sú; 150.000 post tôm càng xanh thả nuôi, sau khi thu hoạch tất cả các loại này, trong năm 2012 – 2013 tôi đạt thu nhập trên 600 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ cây lúa và cá tép tự nhiên trên ao nuôi quảng canh của mình. Nhờ Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mà việc sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của gia đình tôi và người dân nơi đây những năm gần đây rất thuận lợi"

Đi đôi với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội ở An Điền những năm qua cũng có nhiều khởi sắc. Hệ thống trường lớp được nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới ngày một hoàn thiện, khang trang. Toàn xã hiện có 4 điểm trường Mẫu giáo, Tiểu học và Trung học cơ sở. Nếu như An Điền trước những năm 2000 tỷ lệ học sinh bỏ học đứng ở tốp đầu của huyện Thạnh Phú, thì trong những năm gần đây được kéo giảm đáng kể. Ở năm học 2013 – 2014, tỷ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn xã chỉ còn 1,7%. Chất lượng giáo dục cũng được nâng lên hàng năm, tỷ lệ học sinh xét tuyển tốt nghiệp Tiểu học và Trung học cơ sở đạt 100%. Đáng ghi nhận là xã An Điền được xét đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Trạm Y tế xã An Điền được công nhận đạt chuẩn y tế Quốc gia; các chương trình y tế quốc gia vệ sinh phòng dịch được thực hiện khá tốt, trên địa bàn nhiều năm không xảy ra dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng hàng năm đạt tỷ lệ 100%. Mạng lưới điện phủ khắp địa bàn, toàn xã hiện có trên 99 % hộ có điện thắp sáng. Nhà kiên cố có 610 căn; bán kiên cố 587 căn và 121 căn nhà cây lá cất tương đối vững chắc.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được địa phương quan tâm. Những năm qua bằng sự hỗ trợ của Nhà nước, các mạnh thường quân, An Điền đã cất 157 căn nhà tình nghĩa - tình thương cho gia đình chính sách và hộ nghèo. Riêng trong năm 2013, đã cất 11 căn nhà tình thương và tình nghĩa cho gia đình chính sách, hộ nghèo có nhà mới đón tết Giáo Ngọ. Ngoài ra, trong năm 2013 địa phương còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ hàng trăm phần quà trị giá trên 100 triệu đồng cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Đường về xã An Điền, huyện Thạnh Phú

Từ địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, mức sống người dân thấp, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ý thức, sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân đã giúp bà con từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Đến cuối năm 2013, An Điền có 1.128 trong tổng số 1.475 hộ dân của xã có đời sống kinh tế ổn định, trong số này có 541 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, gần 400 hộ sản xuất đạt thu nhập trên 50 triệu đồng/hecta/năm. Toàn xã có 376 hộ giàu, 411 hộ khá, 341 hộ trung bình, 96 hộ cận nghèo và 251 hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2013 đạt 18,5 triệu đồng, cao hơn mức thu nhập bình quân của huyện 0,13%. Giữa năm 2013, An Điền đã được đạt danh hiệu xã Văn Hóa. 

Không dừng lại với những kết quả đạt được, An Điền đang tập trung dồn sức xây dựng xã nông thôn mới, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa đời sống người dân. Sau hơn một năm phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đã đạt 5/19 tiêu chí; nhiều tiệu chí đạt tỷ lệ từ 50 đến 80%.

Ông Trần Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã An Điền cho biết: Chúng tôi đề ra nghị quyết trong năm 2014 xã sẽ thực hiện đạt thêm 4 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí còn lại 10 tiêu chí chúng tôi sẽ chia ra thực hiện trong 2 năm 2015 và 2016 và đến năm 2017 được công nhận xã nông thôn mới. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi tập trung thực hiện các giải pháp như: thường xuyên tuyên truyền sâu rộng cho người dân trên địa bàn nhận thức sâu sắc về nâng cao chất lượng xã văn hóa và các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới để người dân thấy mình là một chủ thể, góp sức cùng chính quyền chung tay xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, các mạnh thường quân và huy động cả hệ thống chính trị làm gương mẫu để cùng nhân dân tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.      

An Điền vốn nghèo khó, cách trở đò giang ngày nào đã lùi dần vào quá khứ mà đổi thay thành một vùng đất đầy hứa hẹn với tiềm năng về phát triển kinh tế thủy sản. Những công trình giao thông, mà đặc biệt là con đường Cồn Rừng đi ngang sẽ góp phần đưa An Điền ngày càng phát triển đi lên.

Cao Dương