Năm 2012, hệ thống đê biển Ba Tri đã hoàn thành giai đoạn I, gồm đê biển dài 31,58km với 11 cống - bắt đầu từ xã Tân Xuân đến An Hòa Tây (đi qua địa bàn 6 xã), có các cống: Giồng Trơn, Rạch Trại, Rạch Cua, Rạch Muối, Rạch Nò, Rạch Già, Mương Đào, Ông Châu, Đường Xuồng, Xẻo Lá, Xẻo Rạo (tổng giá trị gần 150 tỷ đồng).
Việc đưa vào sử dụng hệ thống đê biển này không chỉ có ý nghĩa, trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các xã vùng ven biển…
Theo ông Hồ Văn Thương - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thì đây là công trình thủy lợi lớn trên địa bàn, ngoài ý nghĩa phục vụ nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và diêm nghiệp của bà con, nó còn có chức năng quan trọng trong công tác phòng, chống triều cường khi nước biển dâng và tìm kiếm cứu nạn, tránh trú bão cho các phương tiện tàu thuyền của ngư dân. Riêng phần đê, hiện đã hoàn chỉnh, có tổng chiều dài 31,58km, cao +3,5m, rộng 5m khá kiên cố. Hệ thống đê cũng trở thành trục giao thông rất quan trọng phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông thủy sản của bà con, có ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng vùng biên giới biển. Từ khi đưa vào sử dụng, hệ thống đê biển đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng trọt và diêm nghiệp của bà con. Các xã: Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy, An Hòa Tây, Tân Xuân… nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, người dân chủ động được nguồn nước để trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc, bà con diêm nghiệp cũng canh tác muối trúng mùa hơn. Đặc biệt, hai xã Bảo Thạnh và Bảo Thuận trong hai năm gần đây, diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp tăng rất nhanh.
Cống Giồng Trôm và đê biển trên địa phận ấp 5, xã Bảo Thạnh.
Ông Phạm Văn Rành, 54 tuổi, ngụ ở ấp 5 - xã Bảo Thạnh, cho biết khi chưa xây dựng hệ thống đê biển này, cứ tháng 9, tháng 10 (âm lịch) triều cường dâng lên là phần lớn đất đai trong ấp chìm trong nước, ngay con lộ liên ấp trước cửa nhà, nước dâng lên đến tận đầu gối, hoa màu, vật nuôi, tôm cá gì cũng bị thiệt hại nặng. Kể từ khi có đê biển, nguồn nước rất đảm bảo, bà con chủ động lấy nước, tháo ra cũng dễ dàng. Chăn nuôi, trồng trọt gì cũng thuận lợi, cuộc sống người dân yên tâm hơn.
Ông Hồ Văn Thương cho biết thêm, để tuyến đê thật sự phát huy hiệu quả, phục vụ cho gần 7.000ha đất nông nghiệp, thì cần phải nhanh chóng thi công giai đoạn II, gồm 9 cống nữa (khoảng 200 tỷ đồng), trong đó có cống Tràn Nước phục vụ cho việc tránh trú bão.
"Công trình đê biển có chiều dài gần 10km, đi qua 6/8 ấp, đảm bảo việc ngăn mặn, trữ ngọt và chống triều cường khi nước biển dâng, phục vụ tốt hơn việc nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp cho gần 800ha toàn xã".
(Ông Trịnh Hoàng Be - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh)
Bài, ảnh: Thành Lập
Nguồn: baodongkhoi.com.vn