Site banner

Hiệu quả vùng nuôi tôm biển an toàn dịch bệnh

Trong vụ nuôi tôm biển năm 2014, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam cùng với doanh nghiệp tư nhân Tuấn Khanh phối hợp thực hiện liên kết xây dựng vùng nuôi tôm biển an toàn dịch bệnh tại xã An Đức, huyện Ba Tri.

Vùng nuôi có quy mô 100 ha, trong đó 65 ha mặt nước với gần 150 hộ tham gia. Hộ ông Trần Văn Dũng ở ấp Giồng Xoài đã thực hiện thành công mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh. Mô hình không chỉ đạt hiệu quả về sản lượng mà còn đảm bảo yêu cầu về chất lượng, đồng thời giúp bảo vệ môi trường nuôi. Thành công của mô hình đã tạo bước ngoặc quan trọng cho ngành nuôi tôm biển tại Ba Tri.

Ông Dũng đã sử dụng 1.200m2 mặt nước trong diện tích 25.000m2 khu nuôi tôm công nghiệp của gia đình để thực hiện mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh. Giống được ông chọn nuôi là tôm thẻ chân trắng. Đây là quy trình nuôi hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh, chỉ sử dụng vi sinh để làm sạch môi trường và cho tôm ăn thức ăn tăng sức đề kháng, phòng trừ bệnh hại. Ông Dũng cho biết khi thực hiện quy trình nhận thấy tảo ổn định, tôm khỏe mạnh, nhanh lớn.

Qua thực hiện mô hình cho thấy, quy trình có tác dụng làm môi trường ao nuôi trong sạch, khống chế vi khuẩn gây bệnh cho tôm nuôi. Kết quả, sau 75 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ tôm 52 con/kg. Tổng sản lượng tôm trong mô hình đạt 1,85 tấn. Năng suất đạt 15,5 tấn/ha, cao hơn diện tích sản xuất thông thường gần 5 tấn/ha.

Từ thành công này, trong vụ nuôi sắp tới huyện Ba Tri sẽ vận động nhân dân mở rộng vùng nuôi. Việc xây dựng vùng nuôi tôm biển an toàn dịch bệnh không chỉ giúp người nuôi đạt hiệu quả về năng xuất, sản lượng, chất lượng tôm thịt mà còn hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung để có thể nâng cao giá thị sản phẩm. Đồng thời hướng đến việc xây dựng vùng nuôi an toàn, thân thiện với môi trường và cung cấp được hàng hóa an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo thbt.vn