Site banner

Một tấm gương người có công tiêu biểu

Sau những ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, người lính năm xưa luôn nêu cao bản chất Bộ đội cụ Hồ, mặc dù trên người mang nhiều vết thương nhưng ông tiếp tục tham gia công tác, phát triển kinh tế gia đình, gương mẫu trong công tác, lao động sản xuất cho thế hệ trẻ noi theo, đó là tấm gương ông Trần Công Lý, sinh năm 1950, quê ở ấp Bến Đình, xã An Đức, hiện sinh sống ở Khu Phố 3, Thị Trấn (Ba Tri), thương binh ¼, là một điển hình tiêu biểu.

Ông Trần Công Lý kinh doanh nghề bán hoa để có thêm  thu nhập

Ông tham gia cách mạng năm 1968, mới vừa 18 tuổi với vai trò là giao liên cho Huyện ủy Ba Tri. Đến năm 1972, làm công tác bảo vệ Văn phòng Huyện ủy Ba Tri cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông được giao nhiều nhiệm vụ, với tinh thần dũng cảm, luôn nêu cao tinh thần chiến đấu vì quê hương, đất nước. Trong lúc đang làm nhiệm vụ, ông bị địch bắn bị thương để lại trên mình thương tật hạng ¼. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, mặc dù sức khỏe giảm nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia công tác và được giao nhiều nhiệm vụ như Giám đốc Công ty Thương nghiệp huyện, Phó Chi cục quản lý Thị trường tỉnh cho đến năm 2004 nghỉ hưu. Trong quá trình công tác, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3, được Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen; Công ty Thương nghiệp huyện được Nhà nước tặng huân chương Lao động hạng 3, trong đó có công lao đóng góp của ông với vai trò là người lãnh đạo.

Mặc dù sức khỏe bị hạn chế nhưng ông luôn cố gắng trong việc phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình với 5.000 m2 đất sản xuất lúa một vụ trong năm hiệu quả thấp. Với ý chí của người lính, ông không cam chịu số phận, luôn phấn đấu vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Ông không ngừng nghiên cứu khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả, đồng thời từ số tiền tích lũy được đầu tư chăn nuôi dê để tăng thu nhập. Đến năm 2004, ông chuyển sang nghề kinh doanh, bán hoa tươi và mở dịch vụ cầm đồ, hiện tại mỗi tháng thu nhập về cho gia đình gần 10 triệu đồng. Từ đó ông cất được nhà kiên cố, nuôi 4 người con ăn học đến nơi đến chốn và thành đạt. Song điều đáng ghi nhận ở ông là sau chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường mặc dù bị nhiều thương tật, gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng ông vẫn cố gắng phát triển kinh tế, tạo dựng cuộc sống, không trông chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước. Ông Trần Công Lý tâm sự: “Vì muốn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nên khi được giao nhiệm vụ nào tôi đều cố gắng hoàn thành. Khi về cuộc sống đời thường, tôi nghĩ mình phải cố gắng vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, tự tạo dựng cuộc sống cho bản thân”.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị trấn cho biết: “Thời trai trẻ, ông đã có nhiều hy sinh đóng góp cho cuộc đấu tranh, giải phóng đất nước. Khi trở về cuộc sống đời thường, ông không ngại khó trong phát triển kinh tế và đã xây dựng cuộc sống gia đình no ấm. Điều đáng ghi nhận ở ông là ông đã tự phấn đấu vươn lên, không trông chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước”.

Với thành tích này, ông Trần Công Lý được huyện Ba Tri chọn đi dự hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018 trong dịp kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7.

Trần Xiện