Site banner

Nông dân Ba Tri chuẩn bị vụ lúa hè thu 2017

Theo dự đoán của các ngành chuyên môn, vụ lúa Hè Thu 2017 tại huyện Ba Tri sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp làm cho các dịch bệnh gây hại phát triển. Vì vậy, để chuẩn bị tốt cho vụ lúa Hè Thu, nông dân cần tập trung xuống giống đồng loạt, kết hợp cải tạo đất, chủ động nguồn nước kịp thời… giảm nguy cơ dịch hại bùng phát và đảm bảo điều kiện phát triển cây lúa phù hợp.

Nhằm canh tác hiệu quả và giảm thiệt hại về năng suất do các yếu tố tự nhiên gây ra, nông dân cần chủ động khâu làm đất ngay từ đầu vụ, vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ sớm, nắm chặt diễn biến thời tiết và theo dõi sát đồng ruộng để chủ động phòng, chống các loại sâu bệnh. Bên cạnh đó cần thực hiện tốt việc rửa phèn, mặn ngay từ giai đoạn mạ, lúa đẻ nhánh. Vùng đất chủ động tưới, tiêu được nông dân cần áp dụng tưới ướt- khô xen kẽ nhằm tiết kiệm chi phí, nước tưới và làm đất thoáng khí; độc tố trong đất thoát ra ngoài giúp rễ mọc nhiều, mạnh làm lúa cứng cây, phát triển tốt. 

Ngoài ra, cần lưu ý khi xuống giống tuân thủ nguyên tắc chung gieo sạ đồng loạt trên từng khu vực, không để cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa. Lịch thời vụ xuống giống tại huyện Ba Tri ấn định là từ ngày 20 tháng 5 đến ngày 30 tháng 5 năm 2017. Theo công văn số 666 ngày 23 tháng 2 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ; tỉnh sẽ không xem xét hỗ trợ thiệt hại khi xảy ra thiên tai đối với những hộ dân không tuân thủ nghiêm lịch thời vụ được tỉnh ban hành.

Về cơ cấu giống lúa phải đảm bảo theo hướng cân đối, an toàn dịch bệnh và phù hợp với điều kiện mùa vụ. Song song đó, nông dân nên chọn giống lúa chủ lực, kháng sâu bệnh, chịu mặn và cho năng suất cao, chất lượng tốt. Theo nhận định của ngành chuyên môn, giống lúa địa phương OC 10 đã chứng tỏ khả năng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng huyện Ba Tri. Đây là giống lúa dễ canh tác, năng suất cao, thị trường tiêu thụ rộng. Giống lúa OC 10 đã được Trung tâm Giống phục tráng theo quy trình sản xuất giống siêu nguyên chủng và cung ứng rộng rãi. Nông dân có thể tiếp tục sử dụng giống lúa này trong vụ Hè Thu 2017. Tuy nhiên cần chú ý chọn giống đạt tiêu chuẩn xác nhận ở các cơ sở sản xuất có uy tín.

Trong canh tác, cần sạ đúng mật độ, tránh sạ dày, tốn chi phí bảo vệ thực vật, hiệu quả sản xuất không cao. Riêng các vùng gieo sạ lúa 3 vụ trước đây nay chuyển sang 2 vụ có thể sử dụng các giống lúa trung vụ để canh tác, nhằm đa dạng hóa cơ cấu giống lúa, giảm rủi ro do canh tác quy nhất một loại giống chiếm tỷ lệ cao như OC 10. Các giống lúa trung vụ đã khẳng định ưu điểm và thích nghi như: OM 1348, OM 1352, OM 1350, thời gian sinh trưởng ở vụ Hè Thu từ 120 - 130 ngày và ở vụ Đông Xuân từ 110 - 115 ngày, năng suất khá cao, kháng bệnh tốt, gạo đẹp, thị trường nhiều nơi trong tỉnh ưa chuộng. Giống lúa OM 6162, OM 4900, OM 9921, OM 9915 canh tác vụ Hè Thu phù hợp, tính thích nghi tốt, thời gian sinh trưởng từ 95 - 105 ngày, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt. Riêng giống OM 9921, OM 9915 có khả năng chịu mặn tốt, có thể gieo sạ ở vùng có nguy cơ nhiễm mặn. Đài Thơm 8 là giống lúa mới đưa vào sản xuất, có thời gian sinh trưởng từ 90 - 95 ngày, cứng cây, năng suất cao, kháng sâu bệnh, gạo mềm, mùi thơm nhẹ, có thể mở rộng diện tích đất gieo sạ trong vụ Hè Thu 2017.

Ngoài ra, nông dân có thể tiếp tục sử dụng các giống lúa chủ lực như: OM 5451, OM 6976, OM 8108... để gieo sạ. Riêng đối với các vùng đất khó khăn nên sử dụng các giống lúa như: OM 9921, OC 10, OM 5451. Đây là các loại giống có năng suất cao, khả năng chống chịu với các điều kiện canh tác khó khăn tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại, phẩm chất gạo tương đối khá.

Để quản lý tốt dịch hại, nông dân cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm các đối tượng dịch hại. Theo nhận định, vụ Hè Thu năm nay có thể ảnh hưởng nhiều từ các đợt nắng nóng, đặc biệt là sự xuất hiện của rầy cánh trắng, sâu cuốn lá, đạo ôn và bệnh cháy bìa lá. Bên cạnh đó cần quan tâm đến việc xử lý ốc bưu vàng.

Đặc biệt cần chú ý việc phòng trừ chuột hại lúa ở vụ này. Hiện nay nạn chuột đồng phá hoại lúa diễn ra khá phức tạp ở nhiều nơi, nhất là vào giai đoạn lúa mới gieo sạ. Diện tích lúa do chuột cắn phá sẽ bị thiệt hại về năng suất, sản lượng. Đây thực sự là nỗi lo của nông dân. Để việc diệt chuột đạt hiệu quả, ngoài các biện pháp cơ học, hóa học thì đòi hỏi phải có sự chung tay của cộng đồng. Cùng với đó, việc bảo tồn thiên địch như rắn, mèo và các loại chim ăn chuột là rất cần thiết. Nông dân không nên sử dụng xung điện để bẩy chuột bởi hình thức này rất nguy hiểm nên không được pháp luật cho phép.

Ngoài việc phun xịt thuốc để phòng trừ sâu bệnh nông dân cần áp tập trung khâu canh tác lúa ngay từ đầu vụ kết hợp bón phân cân đối theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm giảm giá thành, góp phần bảo vệ môi trường.

Minh Đức