Site banner

Nông dân Ba Tri khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

Ba Tri là huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với trên 39.170 ha lúa/3 vụ trong năm. Từ lâu, người dân ở đây đã tận dụng nguồn nguyên liệu rơm, cỏ sẵn có trong sản xuất làm thức ăn để nuôi bò, tăng thu nhập.

Theo năm tháng, do giá cao, ổn định nên con bò không chỉ là nguồn kinh tế phụ mà nó trở thành vật nuôi xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho gia đình. Từ đó người dân mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò và phong trào này ngày càng phát triển. Đến nay, đàn bò của huyện có gần 67.000 con. Bên cạnh đó, chất lượng và giá trị đàn bò cũng không ngừng được nâng lên nhờ người dân luôn thay đổi giống mới. Từ năm 2009 đến năm 2012, trung bình mỗi năm người dân xuất bán khoảng 1.000 con bò với tổng thu nhập 15 tỷ đồng. Đáng nói là phong trào nuôi bò của huyện ngày càng hướng đến qui mô, trang trại. Đến nay, huyện có 60 hộ nuôi bò cái sinh sản được công nhận trang trại.

Nông dân đầu tư phát triển qui mô đàn bò.

Song điều lo ngại đối với việc chăn nuôi bò là hàng ngày nó thải ra một lượng chất thải rất lớn, làm ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, để vừa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, năm 2008 Huyện ủy Ba Tri đề ra chương trình hành động về khắc phục ô nhiễm môi trường và xem là một trong ba chương trình trọng tâm; chỉ đạo phòng Tài nguyên – Môi trường, các ban ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn thực hiện lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong các hội nghị, các lớp tận huấn, buổi sinh hoạt tổ nhân dân tự quản, đồng thời tích cực vận động nhân dân chăn nuôi bò xây dựng hầm biogaz xử lý chất thải.

Hầm biogaz xây dựng xử lý tốt chất thải

Để việc xây dựng hầm biogaz mang lại hiệu quả cao, huyện đầu tư thí điểm xây dựng 7 hầm biogaz cho các hộ dân ở xã Phú Lễ. Theo đó mỗi hộ được huyện hỗ trợ 50% kinh phí. Bên cạnh đó, ngoài kinh phí sự nghiệp môi trường của địa phương, huyện Ba Tri còn được trung ương đầu tư chương trình khí sinh học, chương trình hợp tác phát triển trong lĩnh vực môi trường Việt Nam – Đan Mạch, Ngân hàng thế giới, Chi nhánh công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển công nghệ khí sinh học môi trường xanh hỗ trợ kinh phí cho nông dân xây dựng hầm biogaz không hoàn lại. Đặc biệt đối với những hộ khó khăn, huyện xã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện giải quyết cho vay vốn để xây dựng hầm biogaz với lãi suất thấp. Nhờ vậy đến nay, huyện có hơn 2.400 hộ chăn nuôi bò đã đầu tư xây dựng hầm biogaz. Bên cạnh việc xử lý chất thải, hầm biogaz còn cung cấp lượng khí đốt cho người dân trong đun nấu, thắp sáng, giảm chi phí trong sinh hoạt gia đình hằng ngày.

Cán bộ phòng Tài nguyên – Môi trường kiểm tra chất lượnghầm biogaz được đầu tư xây dựng

Để xử lý tốt chất thải, đồng thời bảo quản tốt khí gia, không để xảy ra rủi ro do cháy, nông dân đã mạnh dạn đầu tư xây hầm biogaz qui mô hơn và thay đổi hình dạnh. Nếu như trước đây, hầm biogaz được xây theo hình ống đứng hoặc ngang và có thể tích chứa chất thải không quá 5 m3, thì nay được thay thế hình dạng cầu vòng và có thể tích chứa nhiều hơn.

Có thể nói, việc phát triển chăn nuôi gắn với khắc phục ô nhiễm môi trường trong thời gian qua ở Ba Tri đã tạo thu nhập không nhỏ cho người dân, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là góp phần đưa kinh tế ở địa phương phát triển bền vững.

 

Trần Xiện