Site banner

Phát huy thương hiệu làng nghề ven biển

Tỉnh Bến Tre hiện có hàng chục làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Nhiều làng nghề sau khi được công nhận, người dân biết cách phát huy thương hiệu để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như Làng nghề sản xuất chế biến cá khô An Thủy, xã An Thủy, huyện Ba Tri.

Xã An Thủy, huyện Ba Tri có trên 3.700 hộ dân, 85% bà con nơi đây sống nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, nghề đánh bắt thủy sản và nghề sản xuất chế biến cá khô ở xã đã gắn kết với nhau trong việc góp phần nâng cao mức sống người dân ven biển An Thủy.

Làng nghề sản xuất chế biến cá khô An Thủy có 67 hộ dân, chủ yếu tập trung ở ấp An Thuận, được công nhận là nghề truyền thống năm 2007. Sau khi được công nhận làng nghề, người dân được tham gia nhiều lớp tập huấn về công tác khuyến công, khuyến ngư và được hướng dẫn chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nhờ đó tay nghề của bà con được nâng cao, sản phẩm không ngừng cải tiến về mẫu mã, chất lượng đáp ứng thị hiếu thị trường và nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã tích cực, dành thời gian giới thiệu sản phẩm của mình đến với khách hàng để tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu như năm 2007, làng nghề sản xuất khoảng 555 tấn cá khô, tôm khô thì đến năm 2012 sản lượng tăng lên trên 1.150 tấn.

Sản xuất cá khô ở làng nghề ven biển xã An Thủy

Từ khi được công nhận làng nghề, ông Phan Văn Rành, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cá khô Tư Rành ở ấp An Thới, xã An Thủy gặp được nhiều thuận lợi trong sản xuất kinh doanh cá khô. Ông tham gia nhiều hội chợ thương mại, nông nghiệp trong và ngoài tỉnh chào mời, giới thiệu sản phẩm cá khô của cơ sở với khách hàng. Nhờ vậy mà sản phẩm cá khô Tư Rành ở làng nghề chế biến ca khô An Thủy nhanh chóng được nhiều nơi biết đến, đặt mua số lượng ngày càng tăng. Khoảng 3 năm trở lại đây, với diện tích 2.000 m2 mặt bằng, cơ sở của ông Tư Rành sản xuất, chế biến từ 6 đến 9 tấn cá khô các loại như cá mói, cá đỏng, cá linh, lù đù, cá hố… Sản phẩm làm ra được cung cấp cho các vựa cá khô ở các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm ông thu lãi trên 150 triệu đồng.

Đầu năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre cũng đã chọn cơ sở sản xuất, kinh doanh cá khô của ông Tư Rành đầu tư thực hiện dự án Chế biến cá khô từ nguồn nguyên liệu địa phương theo qui mô bán công nghiệp. Dự án đã hỗ trợ ông kinh phí đầu tư xây dựng kho lạnh công suất 40 tấn thành phẩm để bảo quản cá tươi và cá khô, tạo điều kiện tốt hơn để cơ sở dự trữ nguyên liệu, giúp sản phẩm cá khô giữ nguyên chất lượng khi xuất bán; hỗ trợ máy đánh vảy cá công suất 300kg/giờ; hoàn thiện qui trình sử dụng kho sấy cá 500kg/mẻ, giúp cơ sở sản xuất thuận lợi trong mùa mưa … Với những quy trình trên, đã giúp cho cơ sở sản xuất chế biến rất hiệu quả. Đặc biệt, nhiều sản phẩm trước đây chất lượng không cao, tiêu thụ chậm, nay trở thành đặc sản của cơ sở như: cá khô tẩm vị, cá khô mặn, cá khô lạt... Ông Rành cũng đã xây dựng thương hiệu vựa khô Tư Rành cho cơ sở của mình. Ông Rành cho biết : "Được đầu tư các thiết bị đã giúp cơ sở của tôi sản xuất chế biến rất hiệu quả, năng suất chế biến đạt trên 200kg/ngày. Đặc biệt, nhiều sản phẩm trước đây chất lượng không cao, tiêu thụ chậm, nay trở thành đặc sản của cơ sở, như: mặt hàng cá khô tẩm vị, cá khô mặn, cá khô lạt".

Ông Phan Văn Rành đã được nhiều nơi biết đến với thương hiệu cá khô Tư Rành

Anh Lê Văn Thơi, ở ấp An Lợi, xã An Thủy sống làm nghề sản xuất cá khô gần 15 năm nay nói: "Lúc đầu tôi sản xuất quy mô gia đình, lượng cá khô thành phẩm chỉ vài trăm kg mỗi tháng. Từ khi được công nhận làng nghề, tôi mở rộng mặt bằng, thuê trên 10 lao động làm khô các công đoạn cho cơ sở. Bình quân mỗi ngày tôi mua khoảng 500 kg cá nguyên liệu các loại ở cảng cá An Thủy, huyện Ba Tri và cảng cá Bình Thắng, huyện Bình Đại để sản xuất khoảng 150 kg khô thành phẩm. Cá khô được cung cấp cho thương lái trong tỉnh và các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh. Nếu như trước đây, việc sản xuất khô dựa vào thời tiết, phải nghỉ làm khô vào những ngày mưa bão, thời tiết không tốt thì 4 năm nay tôi đã đầu tư máy sấy để sản xuất quanh năm, có cá khô cung cấp cho nhu cầu tăng cao của khách hành trong những tháng mùa mưa. Với nghề sản xuất cá khô, mỗi năm tôi thu lãi trên 100 triệu đồng".

Chị Nguyễn Thị Sia ở ấp An Thuận, xã An Thủy trước đây chủ yếu làm khô mặn bán cho khách hàng, sản lượng ít. Từ khi nghề làm khô của chị và người dân trong khu vực được công nhận làng nghề truyền thống, chị được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội nông dân Việt Nam nên đã mạnh dạn mở rộng quy mô, đầu tư máy sấy sản xuất khoảng 6 tấn khô thành phẩm mỗi tháng. Sản phẩm cá khô của chị Sia hiện nay gồm khô mặn và khô ngọt gồm các loại như: lù đù, cá đổng, cá linh, cá ngát, cá chình…

Tuy có có sự phát triển đi lên nhưng làng nghề sản xuất chế biến cá khô An Thủy hiện nay vẫn chưa phát huy tốt lợi thế của một nghề có bề dày truyền thống. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất chế biến cá khô của người dân làng nghề chưa đồng bộ. Sự liên kết giữa các hộ đánh bắt, thu mua và chế biến cá khô thiếu chặt chẽ nên nguồn nguyên liệu phục vụ làng nghề chưa ổn định. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển, kinh doanh của làng nghề còn yếu, nhiều hộ dân sản xuất khô thiếu mặt bằng nên phải tận dụng diện tích ở những nơi không phù hợp để phơi khô làm ảnh hưởng đến cá khô thành phẩm và gây ô nhiễm môi trường. Quy trình chế biến cá khô còn thực hiện chủ yếu bằng thủ công nên chất lượng còn thấp, cá khô của làng nghề tiêu thụ phần lớn ở trong nước thông qua thương lái và bán lẻ nên giá cả không cao làm ảnh hưởng đến thu nhập của hộ dân làng nghề.

Ông Nguyễn Hữu Học, Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Ba Tri cho biết : "Tới đây UBND xã chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ban quản lý làng nghề hoàn thiện về các cơ chế, đặc biệt là cơ chế quản lý về môi trường, chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại và các cơ chế về chính sách nhà nước như khuyến công, vốn để tiếp tục đầu tư cho làng nghề phát triển. Đồng thời, tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ sản xuất để hoàn thành xây dựng thương hiệu cho làng nghề nhằm xúc tiến thương mại hiệu quả hơn" 

Bài, ảnh: Cao Dương