Sau 5 năm triển khai Đề án phát triển toàn diện ba huyện ven biển, các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú đã có nhiều kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện, bước đầu đem lại nhiều kết quả khả quan.
Bến Tre có bờ biển dài trên 65km với khoảng 20.000km2 vùng biển đặc quyền trong tổng số diện tích tự nhiên trên 263.000ha, chiếm 51% tại 3 huyện biển với tiềm năng kinh tế biển phong phú, đa dạng. Trong đó, thế mạnh kinh tế thủy sản luôn được quan tâm đầu tư khai thác có hiệu quả. Diện tích nuôi thủy sản tập trung tại 3 huyện là 37.000ha, đạt 75% so với mục tiêu đề án đặt ra đến năm 2020. Đánh bắt thủy sản ngày càng được đầu tư phát triển, với 3.886 tàu; trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 1.759 chiếc, đã hình thành 140 tổ đội đánh bắt trên biển với trên 1.000 tàu tham gia, sản lượng khai thác ước đạt 150.000 tấn/năm. Công tác dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư xây dựng gồm hệ thống cảng cá Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú với trên 65 cơ sở sản xuất kinh doanh, thu hút hàng ngàn tàu cá neo đậu, giải quyết trên 1.700 lao động. Đã đưa vào sử dụng khu neo đậu tránh trú bão, có thể tiếp nhận trên 1.000 tàu cá vào neo đậu.
Tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm vùng Thạnh Phước (Bình Đại). Ảnh: H. Hiệp
Công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng được các huyện quản lý và chăm sóc hiệu quả. 5 năm qua, diện tích rừng trồng mới trên 526ha, nâng tổng diện tích hiện nay là 4.000ha, đạt 80% Đề án.
Các lĩnh vực khác đều có sự chuyển biến tích cực, nhất là thương mại, dịch vụ. Các huyện đã hình thành một số cụm công nghiệp như An Hòa Tây 25ha, Thị trấn - An Đức (Ba Tri) 20ha, An Nhơn (Thạnh Phú) 14ha, Bình Thới (Bình Đại) 20ha. Kinh tế các huyện biển có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, hiệu quả. Tỷ trọng khu vực I từ 60,17% (năm 2008) giảm còn 53,09% (năm 2012); khu vực II từ 14,73% tăng lên 16,79%, khu vực III từ 25% tăng lên 30,12%. Cuối năm 2012, thu nhập bình quân đầu người tại Thạnh Phú đạt 18,16 triệu đồng, Bình Đại 23 triệu đồng, Ba Tri 21,17 triệu đồng.
Cùng với phát triển kinh tế, giao thông cũng được tiếp tục đầu tư nâng cấp và mở rộng, kết nối hệ thống Quốc lộ, tỉnh lộ với các huyện biển, như: hoàn thành 10 cầu trên đường tỉnh 883, phà Tam Hiệp, đường Thạnh Phước - Biển Đông (Bình Đại); sắp hoàn thành cầu Cầu Ván, đường vào trung tâm xã Mỹ An, An Điền, Thạnh Hải (Thạnh Phú) và hệ thống đê bao các huyện. Hệ thống cầu đường giao thông nông thôn cũng được đầu tư, với 431km đường và 230 cầu; tổng kinh phí 574 tỷ đồng. Hệ thống nước sạch phục vụ sản suất, đời sống cũng được đầu tư đúng mức. Huyện Ba Tri đã có 10 nhà máy nước phục vụ trên 14.000 hộ dân. Huyện Bình Đại có 2 nhà máy nước tập trung ở 2 xã: Thới Lai, Long Định với tổng công suất 140m3/h; đang triển khai xây dựng nhà máy nước ở xã Thạnh Phước với công suất 120m3/h, phục vụ 5.000 hộ dân. Thạnh Phú có 4 nhà máy nước phục vụ 3.200 hộ dân. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội 3 huyện biển cơ bản ổn định. Hạ tầng bưu chính, viễn thông cơ bản hoàn thiện, 100% thị trấn có bưu điện, 70% tàu khai thác xa bờ có hệ thống thông tin liên lạc với trạm bờ; hộ sử dụng điện đạt 98%.
Tuy vậy, sau 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển toàn diện ba huyện ven biển, các huyện cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh hiện có, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm. Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản tuy có phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững. Hệ thống thủy lợi đầu tư chưa hoàn chỉnh, nhiều công trình đê bao ven biển triển khai thực hiện chậm. Các cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản chưa được đầu tư đúng mức. Đặc biệt, điều rất đáng quan tâm là chưa thu hút đầu tư để phát triển sản xuất, chế biến xuất khẩu đặc sản biển.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn Đề án phát triển toàn diện ba huyện ven biển theo Chương trình hành động số 11 của Tỉnh ủy, các huyện tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, nhất là kinh tế thủy sản, gắn sản xuất, chế biến với dịch vụ hậu cần nghề cá. Kết hợp phát triển kinh tế biển với đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển. Quyết tâm làm chuyển biến kinh tế vùng biển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nâng giá trị gia tăng từ kinh tế biển chiếm 30% GDP của tỉnh.
TA-TH
Nguồn: baodongkhoi.com.vn