Site banner

Phóng sự: Cồn Bửng ngày ấy - bây giờ

Bài 1: "Kẹt xe cứ như thành phố"

Ông Hồ Văn Thâu - Tư Thâu, 60 tuổi, người dân ở cồn Bửng (xã Thạnh Hải - Thạnh Phú) phấn khởi chỉ tay về dãy xe ô-tô bị kẹt cứng trước nhà mình, nói với chúng tôi như vậy. Và trong niềm hứng khởi ấy, ông thú thật: "Nếu nửa năm trước, có ai nói là ở đây có ngày kẹt xe hơi thì có chết tôi cũng cãi. Nhưng, những điều không tưởng đó nay đã xảy ra rồi… Quê tôi cứ như thành phố!".

Kẹt xe dài hàng km, rất hỗn loạn nhưng đó là niềm vui sướng tột cùng của người dân. Ảnh: M.P

Ngược dòng thời gian

Ông Tư Thâu dẫn chúng tôi vào căn chòi nhỏ nằm nép mình bên cánh rừng đước. Đây là căn chòi cũ, hiện ông Tư xây căn nhà tường mới ngay bên cạnh. Với mớ cua biển luộc và sò huyết trụng nước sôi ngút khói, đương nhiên không thiếu chai rượu (thuốc) đục ngầu bên cạnh, ông Tư hào phóng mời chúng tôi!

Mở đầu câu chuyện, ông nhớ về những ngày tháng vất vả của người dân cồn Bửng, như nỗi niềm hoài cổ. Sau vài ly ngà ngà, ông Tư đưa chúng tôi về dĩ vãng, về với vùng đất mà ông đã gắn bó trong 60 năm qua. Ông kể: Chiến tranh đi qua, rồi lại những khó khăn kinh tế do thiên nhiên khắc nghiệt… Sau những lúc chăm sóc đám sắn mệt mỏi, chiều chiều là tui ra ngồi trên bờ cát cao nhìn xuống biển mênh mông… nghĩ đời mình sao buồn tẻ, làng xóm quạnh hiu, nhiều khi rơi nước mắt không hay! Chúng tôi thầm chia sẻ sự chịu đựng của ông suốt mấy mươi năm qua. Một chi tiết khiến người lạc quan nhất cũng phải xúc động, theo lời ông, "ngày ấy có gia đình nghèo đến nỗi không có cái lu chứa nước uống. Phần lớn người dân bỏ xứ đi nơi khác làm ăn, không thấy về".

Theo ông Phan Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải, ngày trước, dân ở khu vực này phần đông là hộ nghèo, ít được học hành đến nơi đến chốn, nếu không muốn nói là nhiều người mù chữ. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng khoai, sắn nhưng thất bát quanh năm, thanh niên thì đánh lưới, đẩy xệp, cào nghêu, sò… đời sống bấp bênh. Từ ngày làm cầu Cồn Tra thì đã khác hẳn…

"Cởi bỏ áo cơ hàn, bàng hoàng nhận tiền tỷ"

"Vẫn còn nhớ như in, vào đầu năm 2009, tui bị thất bại vụ tôm sú thâm canh và 1 vụ sò huyết, do thương lái Trung Quốc ép giá, không mua nên gia đình lâm vào cảnh nợ nần tứ tung. Đứa con gái của tui chịu khó học để đổi đời, vừa vào đại học nhưng vì chữ hiếu đã bỏ quê hương đi xuất khẩu lao động, kiếm tiền trả nợ cho cha! Nợ ngân hàng đã sắp quá hạn, buộc lòng tui phải bán đi hầu hết số đất của mình để trả nợ. May mà 3 công đất sát biển này bán 80 triệu đồng, nhưng chẳng ai đoái hoài, giờ người ta kêu giá lên đến 3 tỷ".

Theo người dân nơi đây, trước kia bà con ở vùng này làm ăn khổ sở và buồn tẻ, vì cả năm hầu như ít có người nơi khác đến, ngoại trừ ngày cúng cá Ông sau Tết Nguyên đán. Hơn nửa năm nay, đời sống nhộn nhịp, nhưng những căn nhà cũ bà con vẫn còn giữ lại, có thể để làm kỷ niệm hoặc chưa có thời gian dỡ bỏ do cả ngày phải rong ruổi ngoài bãi biển để bán hàng cho khách du lịch.

Cái nghèo đã bị kinh tế du lịch biển đè bẹp và phủ lên đời sống người dân sự sung túc. Sẽ không quá lời khi nhìn nhận người dân xứ này giờ đã là những tỷ phú hoặc triệu phú. Nhưng, hệ quả là nhiều hộ đã bán đất quá vội vàng, nên thấp hơn giá thị trường thực tế nhiều. Cầm trong tay bạc tỷ nhiều tháng qua, nhưng hiện tại họ vẫn còn bàng hoàng, sửng sốt chưa tin là mình lại có nhiều tiền như vậy. Có người không biết sử dụng nó làm gì, buôn bán gì cá biệt để thu hút khách… Rất nhiều điều bế tắc đang hiện hữu trong đầu những tỷ phú này.

Nông dân làm dịch vụ

Hầu hết bà con nơi đây đã bắt đầu thay đổi cách sống cũng như cách kiếm tiền. Những nông dân chân chất ngày nào nay đã là các cô hàng xén, hay cô chủ quán nhậu, quán ăn, hoặc ra bãi biển để mời khách mua hàng của mình…

"Những con nghêu, con sò lúc trước bán chưa được 20 ngàn đồng/kg, nay đã lên 60, 70 ngàn đồng/kg còn không có mà bán, vậy mà khách còn bất ngờ vì quá rẻ. Vậy nên tui cũng yên tâm với nghề nuôi sò huyết. Nói thiệt, có khi… chết nửa đầm sò nuôi, cũng còn có lãi" - anh Hải, nông dân nuôi sò huyết nói đùa.

Trước, làm nghề nhổ cỏ sắn hay đến mùa thì đi cào nghêu, bắt sò thuê… nay đường hoàng làm bà chủ một quán nhậu nho nhỏ. Đó là trường hợp của chị Duyên.

Ông  Phan Thanh Tùng cho biết thêm, từ ngày Dự án triển khai xây dựng, đời sống kinh tế dịch vụ đã lấn át hoàn toàn những suy tính làm ăn khác của bà con nơi đây. Họ đang hồ hởi đón nhận một cuộc đời mới. Một miền đất hoang vu bởi những cánh rừng ngập mặn, chịu nhiều bom đạn chiến tranh, nép bên bờ biển Đông bỗng trở thành "bãi Thùy Vân" trong trí tưởng tượng của mỗi người.

"Những tháng qua, lượng du khách đến tham quan nghỉ mát rất đông. Kết quả này đến từ Dự án "Bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị Di tích Lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển".

(Ông Phan Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải)

Mã Phương
Nguồn: baodongkhoi.com.vn