Site banner

Sò huyết được giá, mất mùa

"Nuôi sò huyết bao giờ cũng có tỷ lệ hao hụt nhất định"- anh Nguyễn Văn Sơn, ấp 7, xã Thạnh Phước (Bình Đại) cho biết như thế, nhưng hiện tượng sò chết hàng loạt, liên tiếp nhiều sân như năm nay là bất bình thường. Nguyên nhân có thể là do thời tiết, ô nhiễm nguồn nước xả thải, nắng nóng, chất lượng con giống ngoài thị trường không tốt hoặc cũng có thể do dịch bệnh…

Tháng 8 là thời điểm thích hợp để thả giống cho niên vụ 2014 (nuôi sò huyết kéo dài từ 8 tháng đến 1 năm mới thu hoạch), nhưng hiện tại nông dân đang gặp khó do nguồn giống khan hiếm tại địa phương, giống nhập từ ngoài tỉnh thì không đảm bảo chất lượng (chết nhiều). Mặt khác, bà con nuôi sò huyết ven sông ở hạ lưu sông Ba Lai rất e dè bởi lịch xả cống bất thường (theo lịch, mỗi tháng xả hai lần) làm sò chết hàng loạt (như tháng 3 và tháng 4 vừa qua), nguồn nước không đảm bảo "đủ độ" (do xả cống nhiều lần làm nước biển không kịp trung hòa, nước ngọt thì sò chết).

Nuôi sò huyết trong đập ở xã Thạnh Phước.

Anh Nguyễn Văn Trung - ấp Thạnh Lộc, xã Bảo Thạnh (Ba Tri) cho biết, trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, để xả nước tháo chua, rửa phèn, mặn phục vụ canh tác lúa vụ Hè - Thu, cống Ba Lai xả nhiều lần trong tháng làm thiệt hại hàng trăm héc - ta sò của bà con gần cửa cống. Hộ anh Trung có 2ha nuôi sò cách cửa cống 3km cũng bị thiệt hại nặng, trong lần khai thác "thăm dò sân" mới đây, anh chỉ thu được 500kg. Anh Trung cho biết thêm, trữ lượng sò còn lại không nhiều, nếu như mọi năm, lần khai thác này có thể thu vài chục tấn. Bà Phạm Thị Thanh Nga - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết, diện tích nuôi sò toàn huyện có 130ha, tập trung chủ yếu ở xã Bảo Thạnh (110ha), Bảo Thuận (20ha). Trong những năm gần đây, diện tích thả nuôi chỉ đạt khoảng 50%, sản lượng thu hoạch không nhiều. Ông Khổng Minh Tặng - cán bộ văn phòng UBND xã Bảo Thuận cho biết, diện tích sò của địa phương chủ yếu được bà con sử dụng nuôi thuần sò giống rồi bán đi, rất ít người nuôi sò thịt. Tại xã Bảo Thạnh, theo ông Trịnh Hoàng Be - Phó Chủ tịch UBND xã, việc nuôi sò của bà con địa phương là tự phát, bởi vùng đất bãi bồi ven hạ lưu sông Ba Lai không có chủ trương cho phép nuôi. Thực tế những năm về trước, do môi trường nước còn tốt, bà con nuôi có hiệu quả, bình quân có thể thu hoạch hàng chục tấn sò/ha. Mấy năm gần đây, nguồn nước bị ô nhiễm nên việc nuôi sò không có hiệu quả.

Bình Đại có hơn 800ha nuôi sò, tập trung chủ yếu ở các xã: Thạnh Phước (310ha), Thừa Đức (346ha), Thới Thuận (177ha), sản lượng khai thác hàng năm đạt gần 7.000 tấn. Ông Lê Văn La - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, bà con nuôi sò ở địa phương chủ yếu tập trung ở vùng đất bãi bồi ven sông, rạch và nuôi trong đập. Đặc biệt, nuôi trong đập đạt sản lượng rất cao. Những năm gần đây, việc nuôi sò của bà con gặp nhiều khó khăn, có nhiều hộ thất trắng vì sò chết hàng loạt. Theo kinh nghiệm của bà con, nguồn giống tại chỗ (giống sò Thừa Đức) cho năng suất cao hơn các nguồn giống nhập từ ngoài tỉnh vào Kiên Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Giờ. Anh Nguyễn Văn Sơn cho biết, nếu như mấy năm về trước, một công đất bà con nuôi đạt hơn 3 tấn sò thì năm nay, 3 công gom lại mới được 3 tấn. Sò đang có giá cao (từ 30-40con/kg có giá 50.000 đồng/kg, từ 40 con/kg trở lên có giá 65.000-70.000 đồng/kg. Nếu với giá này mà sản lượng cao như mấy năm trước, bà con nuôi sò sẽ có lợi nhuận cao.

Bài, ảnh: Thành Lập
Nguồn: baodongkhoi.com.vn