Site banner

Thạnh Hải hôm nay

Thạnh Hải là ấp "sinh sau đẻ muộn" của xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Sau gần 10 năm thành lập, ấp được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đời sống người dân được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người dân ấp Thạnh Hải chăm sóc rau màu

Trước đây, Thạnh Hải còn là vùng đất cồn hoang sơ, bao phủ bởi rừng đước, mắm, chà là gai; đầy rắn, rết, muỗi. Một số ít người dân tiên phong khai phá đất giồng trồng rau màu. Năm 2005, ấp Thạnh Hải được thành lập trên cơ sở tách ra từ ấp Thạnh Khương. Các hộ dân sinh sống trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, việc đi lại hết sức vất vả. Năm 2006, Thạnh Hải có tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 30% dân số.

Ông Dương Ngọc Thanh, ở Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) số 1, có hơn 10 năm gắn bó với vùng đất này cho biết: "Trước đây, vùng đất Thạnh Hải là rừng thiêng nước độc, dân cư thưa thớt. Điện, đường, trường, trạm là ước mơ người dân nơi đây không ai dám nghĩ. Mọi hoạt động của người dân lệ thuộc vào con nước, đi lại bằng ghe, xuồng. Ai không có ghe, xuồng phải lội bộ băng rừng gian nan". Từ vùng đất hoang vu, bốn bề cây cối cỏ dại, người dân phải đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên. Sau gần 10 năm, bằng sự cố gắng, nhẫn nại, người dân bám đất canh tác, chính quyền quan tâm đầu tư, đã tạo đòn bẩy cho Thạnh Hải phát triển.

Năm 2012, hệ thống lưới điện lắp đặt hoàn chỉnh, với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng, đã thắp sáng ước mơ của người dân. 1.600ha đất vốn hoang sơ, phèn mặn đã được đánh thức lợi thế, tiềm năng. Ông Dương Ngọc Thanh nhớ lại: Năm đó, đúng chiều 30 Tết, ánh đèn điện rực sáng cả khu vực. Bà con ai nấy đều phấn khởi không tin vào mắt mình. Có người tối ngủ còn nằm mơ. Từ đó, người dân hăng say lao động, con em cố gắng học hành, đời sống tinh thần từng bước được nâng cao.

Nguồn điện về không dừng lại ở chỗ giải quyết "cơn khát điện" của người dân địa phương mà còn thúc đẩy bộ mặt nông thôn, đời sống khu dân cư thay đổi từng ngày một. Xe lướt trên đoạn đê dài 4km được mở rộng thẳng tắp ra biển, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay của vùng quê biển nghèo khó. Ông Thái Văn Tuyền - Trưởng ấp Thạnh Hải cho biết: Kinh tế khá lên, cuộc sống người dân sung túc hơn. Trung bình mỗi người thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng. Hầu hết các hộ đã xây nhà kiên cố, mua sắm đầy đủ các thiết bị sinh hoạt gia đình.

Năm 2014, xã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng 2 cây cầu nằm trên tuyến đường chính từ trụ sở xã ra ấp và 640m lộ bê-tông góp phần phục vụ tốt việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Ông Đặng Văn Bờ - lão nông Tổ NDTQ số 6 chia sẻ: Giao thông, lưới điện được đầu tư xây dựng là niềm vui của nhiều người dân địa phương, tạo thuận lợi cho sản xuất tại chỗ, vận chuyển hàng hóa, trao đổi mua bán mau lẹ, giá cả ổn định hơn. Nhờ vậy, gia đình tôi có thu nhập ổn định, mua sắm các phương tiện giải trí đảm bảo đời sống tinh thần.

Với diện tích 600ha, ấp Thạnh Hải trở thành nơi có diện tích rau màu lớn nhất xã Bảo Thuận. Người dân trồng nhiều chủng loại rau màu: hành tím, củ cải, sắn, đậu phộng, ngò gai, ngò rí... Năm 2013, xã Bảo Thuận phối hợp mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau màu sạch. Ngoài ra, ấp còn được các cấp quan tâm đầu tư nhà trú bão, quy hoạch khu du lịch sinh thái biển và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông. Trong năm 2015, xã sẽ vận động 17 hộ dân tham gia tổ trồng rau màu, với diện tích khoảng 8ha. Đặc biệt, 1.000ha nằm trong quy hoạch du lịch sinh thái biển, nếu được phê duyệt, sẽ  góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho ấp Thạnh Hải nói riêng và Bảo Thuận nói chung.

Ông Nguyễn Văn Phép - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết: Với tiềm năng của vùng đất phù sa, xã tiếp tục phát huy thế mạnh nông nghiệp, phát triển trồng rau màu và nuôi trồng thủy hải sản. Trước mắt, xã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, thường xuyên tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân phát triển chăn nuôi, sản xuất hiệu quả hơn. 

                                                                                     Theo baodongkhoi.com.vn