Site banner

Thạnh Phú: Ghi nhận về những chuyến phà cuối cùng

Khi những dòng người và xe nối nhau trên cây cầu Cầu Ván thì đó cũng là lúc phà Cầu Ván (huyện Thạnh Phú) kết thúc sứ mệnh lịch sử chuyên chở hàng hóa và đưa rước khách qua sông Eo Lói - nối liền hai xã An Nhơn và Giao Thạnh.

Phà Cầu Ván được thành lập năm 1998. Trong suốt hơn 15 năm hoạt động, phà đã chứng kiến biết bao sự đổi thay trên quê hương xứ biển và từng là niềm vui, niềm hạnh phúc của người dân vùng căn cứ kháng chiến khi đi vào phục vụ. Người và hàng hóa qua sông được thuận tiện hơn khi không còn phải "lụy đò", góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Thế nhưng, trước nhu cầu đổi mới của quê hương, giờ đây cây cầu Cầu ván đã được hoàn thành, mang niềm vui rất lớn đến với người dân nơi đây.

Những chuyến phà cuối cùng

Trên những chuyến phà cuối cùng sáng ngày diễn ra lễ thông xe kỹ thuật  cầu Cầu Ván, dòng người qua lại vẫn khá đông, xe và hàng hóa nối đuôi chờ nhau qua phà. Tuy vậy, không khí có vẻ trầm lắng hơn thường ngày khi biết rằng, lát nữa phà sẽ ngừng hoạt động. Nhiều hành khách không giấu được sự phấn khởi khi nhìn về cây cầu mơ ước, rồi lại suy tư khi nghĩ về những kỷ niệm khó quên bên những chuyến phà trên bước đường mưu sinh của cuộc đời mình. Ông Nguyễn Kim Quang, ở xã An Thuận, là tiểu thương thường xuyên phà Cầu Ván buôn bán tại chợ Giao Thạnh bày tỏ: "Nhiều năm rồi, phà và anh em công nhân viên ở Bến đều rất tận tình, giúp chúng tôi khi qua Phà, nhất là những lúc chở hàng hóa nhiều, cần sự giúp đỡ. Dù giờ đã có cầu Cầu Ván, nhưng tôi vẫn không thể quên được hình ảnh những chuyến phà trước đây" .

Ngoài ông Quang, thì nhiều hành khách đi trên những chuyến phà cuối cùng đều có chung tâm trạng vừa vui vừa xen lẫn nỗi buồn. Vui vì quê hương đổi mới, sau này qua sông không còn phải chờ đợi nữa. Nhưng buồn khi nhớ lại những chuyến phà đã trung thành với họ suốt bao năm. Và rồi họ thầm cảm ơn những chuyến phà, cảm ơn những cán bộ, nhân viên phà Cầu Ván đã luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Phà Cầu Ván chính thức ngừng hoạt động, những người buồn nhất và nhiều cảm xúc nhất có lẽ là những anh thuyền trưởng, những nhân viên của bến. Dù không thể hiện hết sự nuối tiếc trên khuôn mặt, nhưng họ cứ làm việc lặng lẽ, chậm rãi như muốn kéo dài hơn chút nữa thời gian. Và nỗi buồn như càng tăng thêm, khi những hành khách rỉ tai nhau: Đây là những chuyến phà cuối cùng...

Nhân viên phà Cầu Ván trong chuyến phà cuối cùng

Anh Phạm Văn Chí, quê ở huyện Mỏ Cày Nam, là thuyền trưởng phà Cầu Ván, đã gắn bó với phà từ những ngày đầu thành lập xúc động nói: "Buồn lắm chứ anh! Mình đã ở bến hơn 15 năm rồi, đã xem bến như là ngôi nhà thứ hai của mình. Rất nhiều những kỷ niệm khó quên về những lần đưa rước khách sang sông cứ đến với anh em chúng tôi trong mấy ngày qua. Và có lẽ, chúng tôi sẽ nhớ mãi những hình ảnh đó đến suốt cuộc đời mình".

Còn anh Võ Văn Tính, nhân viên phục vụ phà chia sẻ: "Thời điểm này mọi năm, anh em chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục vụ Tết cho nhân dân. Nhưng năm nay không còn cảnh chen chúc, ồn ào của người và xe nữa. Anh em ở bến buồn và nuối tiếc lắm..."

Thắm đượm nỗi buồn trong từng suy nghĩ của mỗi người về ký ức những con phà là những niềm vui khi thấy được niềm hân hoan của người dân, thấy được bộ mặt nông thôn của vùng quê hẻo lánh trước kia ngày một văn minh hơn.

Cắt băng thông xe cầu Cầu Ván

Ông Huỳnh Văn Thuận, Bến trưởng Bến phà Cầu Ván cho biết: "Phà Cầu Ván có tổng cộng 26 nhân viên, trong đó có nhiều người đã gắn bó với Bến từ những ngày đầu thành lập. Sau khi phà ngừng hoạt động, tất cả những công nhân viên chính thức (20 người) đều được giải quyết việc làm. Trong số này có 12 người được chuyển về phà Cổ Chiên tiếp tục hoạt động, 01 người chuyển về Hạt quản lý giao thông thủy bộ (Thạnh Phú). 07 người còn lại có nguyện vọng xin nghỉ và được giải quyết chế độ theo Luật Lao động. Ngoài ra, Trung tâm quản lý phà và bến xe Bến Tre còn khuyến khích công nhân viên nếu có nhu cầu chuyển đổi nghề, sẽ được Trung tâm hỗ trợ 50% chi phí học tập".

 

Như vậy, sau hơn 15 năm hoạt động, phà Cầu Ván đã được thay thế bằng cây cầu Cầu Ván hiện đại, mở ra một tương lai tươi sáng cho sự phát triển kinh tế xã hội của người dân ba xã ven biển. Giờ đây, khi bước chân trên cây cầu mơ ước, nhiều người vẫn nhớ về những kỷ niệm đẹp trên những chuyến phà năm nào - những chuyến phà Cầu Ván đã góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển của huyện Thạnh Phú nói chung.

                                                                            Bài, ảnh: Quốc Vinh