Site banner

Thạnh Phú: Khởi sắc qua 04 năm xây dựng Nông thôn mới

Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, các mô hình sản xuất được phát triển và nhân rộng, bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, đó là những thành tựu mà huyện Thạnh Phú đã đạt được qua 04 năm xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011-2014.
 
Qua 04 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 04-NQ/HU của Huyện ủy về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020, đến nay Thạnh Phú có 15/16 xã đạt từ 5 đến 10 tiêu chí, trong đó xã điểm Đại Điền đạt 12 tiêu chí.
 
Để chương trình thực sự đi vào cuộc sống cũng như tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, công tác tuyên truyền vận động, công khai, dân chủ luôn được các cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm, từ đó phát huy được sức mạnh, nguồn lực trong nhân dân. Trong 04 năm qua, huyện đã tổ chức tổ chức tuyên truyền trên 100 cuộc và hơn 105 cuộc tọa đàm xoay quanh việc phát huy vai trò của các đoàn thể và người dân trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, giúp cho người dân đã ý thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, qua đó đã tích cực tham gia đóng góp trên 5.600 ngày công để xây dựng giao thông nông thôn, hiến gần 239 km2 đất để làm các công trình phúc lợi công cộng.

Người dân tích cực tham gia xây dựng GTNT

Với xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đất đai manh mún, nhỏ lẽ, việc ứng dụng khoa học công nghệ của người dân còn hạn chế,... Do vậy, để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân, huyện đã tổ chức trên 103 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 195 lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn, cây giống, kỹ thuật canh tác để người dân chủ động đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; tổ chức lại sản xuất với hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung như: mô hình trồng lúa sạch, mô hình nuôi tôm càng xanh luân vụ với tôm sú trên ruộng lúa ở các xã tiểu vùng II, mô hình liên kết mía xã Bình Thạnh, trồng màu ở Thạnh Phong, Thạnh Hải,... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi tôm càng xanh dưới chân ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao
 
Trong huy động nguồn lực, qua 04 năm, Thạnh Phú đã huy động trên 297 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác trên 25 tỷ đồng. Việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả thiết thực. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đi lại của người dân. Trong 04 năm qua, đã đầu tư mới và nâng cấp trên 143 km đường giao thông, xây mới trên 90 cây cầu nông thôn; Hệ thống thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu, đã đầu tư mới, nâng cấp trên 229 km kênh mương, 06 cống và trên 10km đê bao ngăn mặn, góp phần đảm bảo tưới tiêu cho trên 22 ngàn ha đất canh tác. Tỷ lệ hộ sử dụng điện cũng được nâng lên đáng kể, từ 97,5% năm 2011 lên 99,6% năm 2014.
Đường giao thôn được đầu tư xây dựng khang trang
 
Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội, tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Mạng lưới các trường được đầu tư rộng khắp, với trên 53 tỷ đồng để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp các phòng học, đầu tư trang thiết bị dạy và học. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng luôn được quan tâm, phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Về văn hóa, toàn huyện có trên 34.500 hộ được công nhận gia đình văn hóa, 18/18 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa. Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách luôn được quan tâm thực hiện tốt. Trong thời qua, toàn huyện đã huy động trên 59 tỷ đồng thực hiện nâng cấp, xây mới trên 3.800 căn nhà tình nghĩa, tình thương. Đồng thời, nhờ tập trung các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, qua đó đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Từ năm 2011-2014, thu nhập bình quân đầu người từ  tăng từ 16,19 triệu đồng/người lên 22,11 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm đáng kể, từ 20% giảm còn 10,86%.
 
Song song với phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh cũng được các cấp lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm, xem đây là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của việc xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói những kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện, đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn bộc lộ những khó khăn, hạn chế như: Công tác tuyên truyền một số nơi chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp các ngành, các cấp đôi lúc thiếu đồng bộ; một bộ phận người dân còn trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước nên chưa tích cực tham gia; trong những năm đầu cán bộ thực hiện còn lúng túng trong phương pháp, cách làm dẫn đến tiến độ thực hiện các tiêu chí của chương trình còn chậm; công tác rà soát đánh giá thực trạng các tiêu chí chưa sát.
Phát biểu về định hướng xây dựng nông thôn trong năm 2015 và trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Cảnh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới huyện cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung tuyên truyền, vận động theo chiều sâu, để mọi ngành, mọi người biết được những gì mình phải thực hiện trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân; Đẩy mạnh phong trào thi đua Chung sức xây dựng nông thôn mới, gắn với phong trào thi đua Đồng Khởi mới theo Chỉ thị số 16-CT/TU của Tỉnh ủy, phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến; Tăng cường chỉ đạo thực hiện phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền, các ngành đoàn thể từ huyện đến xã và ban phát triển ấp trong xây dựng nông thôn mới; Tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực, nhất là nội lực trong dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ, khuyến khích người dân ứng dụng khoa học kỷ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất và giá trị sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, nhằm ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Năm 2015, Thạnh Phú quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới Đại Điền, tạo tiền đề đến năm 2020, xây dựng thành công xã nông thôn mới Quới Điền, An Nhơn, Phú Khánh, các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên, trong đó phải hoàn thành 4 tiêu chí: Thu nhập, giao thông, môi trường và an ninh trật tự. Tin rằng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, Thạnh Phú sẽ xây dựng thành công nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế xã hội toàn diện của địa phương.
Nguyệt Thanh