Site banner

Tiền lệ nguy hiểm trên Biển Đông

Tờ Philippine Daily Inquirer ngày 4.3 đưa tin giới chuyên gia Philippines lên tiếng phản đối việc một doanh nghiệp nước này đàm phán thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông với Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC).


Giàn khoan của Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hồi tuần trước, ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết quá trình đàm phán đang diễn ra liên quan tới lô 57 và lô 72 trên Biển Đông. Bản thân Tổng thống Rodrigo Duterte cũng cho biết phía Trung Quốc đã đề xuất thăm dò chung theo kiểu “cùng sở hữu thay vì tranh giành”. Lô 57 nằm cách vùng Busuanga thuộc tỉnh Palawan (Philippines) khoảng 50 km và không bị tranh chấp còn lô 72 nằm ở khu vực đông bắc quần đảo Trường Sa của VN.

Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, cho rằng Manila đang dự định trao cho Bắc Kinh “quá nhiều và quá sớm”, tạo tiền lệ để Trung Quốc ngày càng lấn tới. Lô 57 thuộc chủ quyền của Philippines được giao cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Philippines (PNOC) vào năm 2006. PNOC sau đó lập công ty thăm dò với thành viên là CNOOC và Công ty Mitra Energy của Malaysia. Ông Batongbacal lo ngại nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ nâng CNOOC từ nhà thầu phụ lên vị thế đồng sở hữu. Tại lô 72, Philippines đã dừng khoan thăm dò vào năm 2011 sau khi 2 tàu Trung Quốc quấy rối và đe dọa đâm chìm một tàu thăm dò của nước này. Tương tự, quyền Chánh án Tòa án tối cao Antonio Carpio chỉ trích thỏa thuận nói trên vi phạm hiến pháp vì không khác gì trao cho Trung Quốc một nửa vùng biển phía tây Philippines.

Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế cũng lên tiếng cảnh báo về những mối nguy hiểm tiềm ẩn. Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Malcom Cook thuộc Viện ISEAS - Yusof Ishak (Singapore) nhận định Trung Quốc sẽ thắng lớn với thỏa thuận vì lâu nay nước này luôn hô hào khai thác chung trong khi vẫn thực thi chính sách ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi pháp “nuốt” gần trọn Biển Đông. Ông kêu gọi các nước Đông Nam Á nên dùng tư cách thành viên ASEAN để tác động đến “thái độ dễ dãi” từ phía Philippines đối với tình hình vùng biển đóng vai trò sống còn của cả khu vực.

Nguồn Vietnam.vn