Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng là làng nghề truyền thống khai thác thủy hải sản và chế biến cá khô đã hoạt động cách nay khoảng 50 năm. Làng nghề có diện tích khoảng 120 hecta trong tổng số 1.300 hecta diện tích toàn xã. Xã Bình Thắng có 70% dân số, với 1.899 hộ dân sống bằng nghề thu mua và chế biến thủy hải sản, tập trung chủ yếu ở làng nghề.
Sản xuất cá khô ở làng nghề Bình Thắng góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hàng tháng, các tàu đánh bắt thủy sản đã mang về cảng cá Bình Đại nằm trên địa bàn xã Bình Thắng hàng ngàn tấn thủy sản các loại. Lượng thủy sản này một phần tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, phần lớn được người dân nơi đây thu mua làm nguyên liệu chế biến cá khô.
Các sản phẩm kinh doanh chủ lực của làng nghề là tôm khô biển, khô lù đù, khô mực, khô cá đuối, cá khoai, cá chỉ vàng,... Sự phát triển của làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng đã góp phần giải quyết hàng ngàn lao động tại địa phương và các vùng lân cận, đem về cuộc sống sung túc cho người dân nơi đây.
Đi kèm sự phát triển của làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng là vấn đề ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Rác thải sản xuất, sinh hoạt, nước thải từ hoạt động của làng nghề theo thời gian làm tắc nghẽn dòng chảy các mương rãnh thoát nước, gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Mặt khác, hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại làng nghề do chưa được đầu tư xây dựng theo quy mô sản xuất hiện tại nên nước thải luôn ứ đọng trong khu dân cư. Bình quân, mỗi ngày hoạt động sản xuất từ làng nghề xả thải ra môi trường khoảng 300m3 chất thải chưa qua xứ lý thích hợp, đã làm ô nhiễm cục bộ trong làng nghề, nhiều khu vực bốc lên mùi nôi nồng nặc.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng (khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Bình Thắng) nhằm góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nguồn nước thải, nước sinh hoạt từ làng nghề thải ra.
Các công trình chính của dự án gồm: Xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 300m3/ngày đêm; xây dựng gần 2.110 mét đường cống để thu gom nước thải; xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa dài trên 3.900m dọc theo tuyến lộ trung tâm làng nghề; cải tạo môi trường và cảnh quan rạch Bà Khoai trong khu vực làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng để phục vụ tiêu thoát nước tự nhiên cho làng nghề.
Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng được đầu tư hoàn chỉnh sẽ góp phần giải quyết trình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nguồn nước thải sản xuất và sinh hoạt từ làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng gây ra. Qua đó, góp phần kiểm soát ô nhiễm, cân bằng lợi ích môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường bằng việc xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt của làng nghề bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ, đảm bảo thu gom và xử lý nước thải triệt để, đạt các tiêu chuẩn và quy định về môi trường, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương, giúp chính quyền và cơ quan quản lý môi trường tại địa phương có những định hướng phát triển trong công tác quản lý nước thải, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường.
Thông tin dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng được triển khai xây dựng, người dân khu vực làng nghề rất phấn khởi vì bà con sản xuất thuận lợi hơn.
Ông Đào Văn Lộc - Chủ tịch UBND xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, cho biết: "Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng hoàn thành sẽ tạo ra tại vùng dự án và vùng lân cận nhiều hoạt động hậu cần - dịch vụ khai thác và chế biến thủy hải sản xung quanh và phát sinh thêm nhiều ngành nghề khác phát triển, giải quyết việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động. Mùa mưa, nhờ có hệ thống cống thoát nước và kênh Bà Khoai sẽ là hệ thống tiêu thoát nước mưa triệt để, cải thiện môi trường, giảm thiểu khả năng phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng dân cư; đồng thời tạo môi trường thông thoáng, góp phần ngăn triều cường trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Về mặt xã hội, dự án sẽ tạo ra cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch đẹp, thúc đẩy phát triển các trục giao thông nội vùng, liên vùng, góp phần làm thay đổi bộ mặt văn hoá, tinh thần, tập quán sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực làng nghề, xoá dần sự cách biệt đối với những vùng phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống nhân dân lao động vùng sâu, vùng xa".
Ông Trần Tấn Công - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại, Trưởng Ban quản lý dự án cho biết: "Dự án xây dựng Hệ thống xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng có tổng kinh phí thực hiện là 77,6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; trong số này Trung ương hỗ trợ gần 65 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Dự án được thực hiện từ năm 2013 đến 2017. Đến nay, chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để tiến hành mời thầu đối với hạng mục Nhà máy xử lý nước thải và kế hoạch trong đầu tháng 7/2014 khởi công công trình, sau đó sẽ thực hiện hạng mục thứ hai là nạo vét kênh Bà Khoai".
Bên cạnh việc đem lại nhiều lợi ích về các mặt kinh tế - xã hội, Dự án Hệ thống xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng còn góp phần thuận lợi cho người dân làng nghề trong việc tạo ra giá trị tổng sản lượng hàng năm khoảng 6.000 tấn sản phẩm tôm, cá khô các loại, làm tăng tổng sản phẩm xã hội của khu vực. Kinh tế phát triển đồng bộ sẽ tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết nạn thất nghiệp, giảm thiểu các tệ nạn xã hội phát sinh, tạo nếp sống văn hoá mới cho người dân Bình Thắng tiến lên đô thị ven biển.
Bài, ảnh: Cao Dương