Site banner

Vĩnh Hòa phát triển phong trào nuôi dê

Vĩnh Hòa (Ba Tri) là xã thuần nông, kinh tế nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, trong những năm trước đây nông dân ở Vĩnh Hòa đã đầu tư nuôi bò. Do giá bò không ổn định, năm 2008, người dân mạnh dạn chuyển sang nuôi dê.

Lúc đầu, do chưa có con giống người dân phải đến các địa phương khác mua dê về nuôi vỗ béo. Dê nuôi vỗ béo vốn đầu tư thấp, thức ăn chủ yếu là tận dụng cây cỏ thiên nhiên, ít xảy ra dịch bệnh. Dê mua về nuôi để vỗ béo có trọng lượng bình quân 15 kg/con. Sau 3 tháng rưỡi nuôi, mỗi con dê cân nặng 35 kg, đạt trọng lượng xuất chuồng. Bình quân mỗi năm nông dân nuôi được 2 đợt dê. Có lợi nhuận, nông dân nuôi theo hình thức khép kín là đầu tư nuôi dê sinh sản để đẻ dê con nuôi lớn rồi bán,  vừa hạn chế chi phí, vừa đảm bảo chất lượng dê nuôi. Dê con khi đẻ ra nuôi gần 1 năm đạt trọng lượng xuất chuồng. Hiện tại giá dê hơi là 110.000 đồng/kg, tăng 25.000 đồng so với 3 năm trước.

Nông dân tích cực chăm sóc đàn dê

Điều đáng nói là những hộ nuôi dê ở Vĩnh Hòa đã thành lập tổ liên kết chăn nuôi để mua giống dê có chất lượng cao, trao đổi kỹ thuật nuôi, tìm đầu ra sản phẩm hạn chế bị thương láy ép giá. Nhờ chuyển đổi cơ cấu vật nuôi đúng hướng, phù hợp với điều kiện ở địa phương, giá tăng cao, ổn định nên hầu hết người nuôi dê ở Vĩnh Hòa đều mang lại hiệu quả cao. Anh Trương Văn Dòm, một trong những người nuôi dê sớm nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao và cũng là người vừa vinh dự được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2013 cho biết: "Ngoài thức ăn chính là cây, cỏ, tôi còn dùng tấm, cám và thức ăn công nghiệp bổ sung để dê tăng nhanh trọng lượng, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế chi phí. Hiện nay đàn dê của tôi có 30 con, trong đó có 10 con sinh sản. Cứ dê con đẻ ra nuôi lớn lên đạt trọng lượng thì xuất chuồng. Bình quân mỗi năm sau khi xuất chuồng, trừ chi phí tôi còn lãi trên 80 triệu đồng".

Ngoài phát triển kinh tế cho gia đình, những hộ nuôi dê ở Vĩnh Hòa còn cho các hộ nghèo mượn con giống nuôi để tạo thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, năm 2012, nông dân còn được dự án phát triển kinh doanh với người nghèo tỉnh Bến Tre hỗ trợ vốn để nuôi dê quay vòng cho 5 hộ với số tiền trên 20 triệu đồng. Nhờ vậy, từ vài hộ nuôi ban đầu đến nay Vĩnh Hòa có gần 100 hộ nuôi dê. Trong đó có hơn 60 hộ nuôi qui mô từ 20 con trở lên. Bình quân mỗi năm các hộ này sau khi bán dê trừ chi phí còn lãi trên 50 triệu đồng. Từ phong trào này, trong những năm qua, trong số 20 hộ nghèo nuôi dê của xã có 15 hộ vươn lên thoát nghèo, đặc biệt có 5 hộ trở nên khá giàu.

Không dừng lại ở đó, hiện nay Vĩnh Hòa đang tiến hành thành lập tổ hợp tác nuôi dê theo tiêu chí của xã nông thôn mới.

Ông Trần Ngọc Được, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Hòa: "Sắp tới xã sẽ vận động nông dân, đặc biệt là hộ nghèo đầu tư nuôi dê để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với ngành chức năng tiến hành thành lập tổ hợp tác nuôi dê để nông dân có thêm điều kiện phát triển mạnh phong trào này, đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí của xã nông thôn mới".

Tin rằng trong thời gian tới, phong trào nuôi dê ở Vĩnh Hòa sẽ tiếp tục phát triển. Qua đó tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là hoàn thành tiêu chí của xã nông thôn mới.

Trần Xiện