Chúng tôi về xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre trong cái nắng khô khốc, rát rạt của miền quê biển để tìm hiểu về cuộc sống của hàng trăm hộ dân đã gắn chặt đời mình với nghề làm muối hàng trăm năm qua theo phương thức “ Cha truyền con nối”. Đây là nguồn muối chủ yếu cung cấp cho trên 1.500 ghe tàu đánh bắt hải sản của huyện Ba Tri.
Một ruộng muối ở xã Bảo Thạnh
Bà Lê Thị Chao, 72 tuổi ngụ ấp 9 xã Bảo Thạnh kể “…gia đình tui sống bằng nghề làm muối nầy đã 4 đời, hồi đó kiếm ăn được lắm, mấy năm gần đây thì khó khăn bởi giá muối rớt “ te tua”, bán “ trần thân”, cực dữ lắm những chỉ từ “ huề” đến lỗ, nhưng không làm thì biết làm gì bởi vùng nầy nước mặn chát, chỉ có làm muối thôi…”.
Nếu như diện tích sản xuất muối toàn huyện Ba Tri gần 890 hectavới trên 1.500 hộ làm muối thì xã Bảo Thạnh đã chiếm diện tích trên 600 hecta với trên 1200 hộ,sản lượng muối thu hoạch hàng năm qua từ 58.000 đến 60.000 tấn.
Nhiều “ diêm dân” kể lại : với diện tích 1 hecta ( 10.000 mét vuông), trung bình mỗi vụ, người làm muối sẽ thu về từ 1.200 đến 1.500 giạ muối, những năm nước mặn nhiều, lượng mưa ít thì sản lượng lên đến 1.800 giạ. Điều dặc biệt là việc mua bán được thông qua đơn vị đo lường bằng giạ ( mỗi giạ 45 kg muối hột). Hiện nay giá bán mỗi giạ từ 27.000 đến 30.000 đồng/giạ đồng nghĩa với giá bán mỗi ký muối chỉ khoãng 600 đến 650 đồng, rẽ nhất từ trước đến nay.
Ông Trần Văn Xéo, ngụ ấp Thạnh Nghĩa xã Bảo Thạnh chua chát nói “…tui làm muối trên 40 năm, chưa khi nào giá lại rớt đến vậy, thương lái còn ép giá đủ thứ bởi biết mình không thể chứa muối được lâu. Tui dự định đổi nghề qua nuôi tôm nước mặn nhưng chưa có vốn và kinh nghiệm nuôi nên chịu thua…”
Nghề làm muối ở Bảo Thạnh tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch, người dân ở đây còn gọi là mùa khô. Nước mặn từ của biển Hàm Luông sẽ được dẫn vào các “ khuôn muối” sau đó nước được di chuyển luân phiên của các khuôn được các con lăn làm phẳng lì. Dưới ánh nắng mặt trời, nước mặn sẽ bốc hơi và để lại muột hạt trên mặt ruộng, người làm sẽ cào lại từng đóng to và bán cho thương lái.
Ngoài việc giúp cho hàng ngàn hộ dân có điều kiện cải thiện kinh tế từ nguồn lợi tự nhiên, nghề làm muối nầy đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động khác không có đất sản xuất thông qua các công việc : tháo nước, ủi ruộng cho phẳng, cân muối cho thương lái…
Ông Trần Văn Xê, ngụ ấp 9, xã Bảo Thạnh cho biết “…mỗi ngày lao động, cánh đàn ông được chủ ruộng trả 180.000 đồng, phụ nữ chỉ 150.000 đồng, cơm nước mình tự lo. Tuy không nhiều nhưng sống ổn. Tuy nhiên mình chỉ có việc làm nầy khoãng 6 tháng vào mùa khô, còn mùa mưa mình phải kiếm chuyện khác để sống…”.
Hiện nay nhiều diêm dân ở đây lo lắng bởi giá muối chưa có tín hiệu tăng lên, đầu ra vẫn còn rất bấp bênh, trong khi một số người phải vay nợ ngân hàng để trả tiền thuê đất làm muối. Nhiều người vẫn đang loay hoay tìm mọi cách để giữ lại cái nghề truyền thống có tự trăm năm nhưng xem ra lời giải của bài toán khó khăn nầy vẫn chưa được tìm ra.