Site banner

Xã An Đức: Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Tận dụng đất gò cao, người dân  An Đức trồng cỏ nuôi bò

An Đức (huyện Ba Tri) là một xã bãi ngang, còn nhiều khó khăn. Năm 2013, An Đức có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, hơn 23%. Được sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực, phấn đấu trong lãnh đạo, điều hành, sự đoàn kết của hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở, năm 2014, An Đức đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo hơn 3%, hiện còn 19,94%.

An Đức có địa bàn khá rộng, với 7 ấp, hơn 8,5 ngàn nhân khẩu. Gần 90% đất nông nghiệp của địa phương dành trồng lúa trên đất gò cao vốn bị nhiễm phèn, mặn. Khoảng năm 2000, trong chuyến về thăm An Đức, một đồng chí lãnh đạo tỉnh nhận định An Đức còn rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, cần một dự án đầu tư giúp thoát nghèo. Dự án này được các ngành, các cấp vạch ra - trồng mía trên nền đất ruộng. Thế nhưng, An Đức vẫn nghèo. "Từ năm 2004, bà con An Đức đã bắt đầu chuyển dịch mạnh mẽ sang nuôi tôm công nghiệp (tự phát), bước đầu rất có hiệu quả. Nhưng về sau này thì không còn bền vững, rủi ro cao trong nuôi tôm công nghiệp khiến nhiều hộ dân "chùn tay" vì vốn. Đa số ao nuôi đều là của các doanh nghiệp, hộ dân từ các xã lân cận đến thuê đất, đào ao. Người dân An Đức thì chẳng có bao nhiêu" - đồng chí Huỳnh Đức Nhân, Quyền Bí thư Đảng ủy xã cho biết.

Đúc kết nhiều kinh nghiệm từ những thực tế ấy, Đảng bộ xã nhận ra rằng, phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện canh tác của vùng đất An Đức. Sự chuyển dịch phải có trọng tâm và tiến hành từng bước. Các mô hình vốn dĩ đã có sẵn trong dân và rất hiệu quả từ nhiều năm trước như: đưa cây màu xuống chân ruộng, trồng cỏ nuôi bò, làm lúa hai vụ ăn chắc kết hợp trồng màu và nuôi bò… Qua thời gian thực hiện chủ trương trên, đánh giá bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, sự chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng này được người dân ủng hộ, nhiều mô hình được sớm phát hiện và nhân rộng có hiệu quả như: trồng khổ qua, dưa leo, bắp, bầu, bí trên chân ruộng lúa. Bà con tận dụng đất bìa chéo, đất gò cao để trồng cỏ nuôi bò. Bên cạnh đó, địa phương cũng nhận được hỗ trợ của các dự án, chương trình Heifer, gia đình cố Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Khánh, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh về con giống như bò, dê… cho hộ nghèo. Sự hỗ trợ này được phát huy hiệu quả, giúp cho nhiều hộ nghèo của địa phương vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Huỳnh Đức Nhân nhận xét: Năm 2014, Đảng bộ xã tập trung vào ba vấn đề trọng tâm là phát triển kinh tế bền vững, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong xây dựng hệ thống chính trị, xã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng cho các đồng chí bí thư chi bộ ấp. Trong lãnh đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã, tập trung đẩy mạnh các hoạt động giám sát; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất để các thành viên, đoàn thể hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả; nêu cao tính gương mẫu và vai trò của người đứng đầu; tăng cường, phát huy sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ Đảng quyết định sự thành công, thực hiện thắng lợi Nghị quyết

Theo baodongkhoi.com.vn