Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục điều thêm các chiến hạm tiến sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông. Bắc Kinh giận dữ cảnh báo, Washington đừng đùa với lửa, báo Hong Kong South China Morning Post ngày 28/10 đưa tin.
Chiến hạm Mỹ USS Lassen tiến vào khu vực gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép và ảnh vệ tinh đá Vành Khăn (trái) và Xu Bi. Ảnh: SCMP.
Trước khi khu trục hạm tiến vào khu vực 12 hải lý của các đá Xu Bi và Chữ Thập, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bay, hành hải và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc này. Chúng tôi hành hải ở vùng biển quốc tế vào thời gian và địa điểm chúng tôi lựa chọn”, một quan chức Mỹ nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter chỉ thông báo ngắn gọn tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng, hải quân Mỹ đã hoạt động ở biển Đông. Phiên điều trần diễn ra vài giờ sau khi tàu USS Lassen rời khỏi khu vực 12 hải lý quanh đá Xu Bi. Ông Carter trả lời các thượng nghị sĩ: “Chúng tôi sẽ bay, hành hải và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và bất kể khi nào hoạt động của chúng ta đòi hỏi”. “Chiến dịch tuần tra này có vẻ như đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng và được thực thi để giảm thiểu rủi ro”, ông Derek Chollet, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về an ninh quốc tế, nhận định. Ông Chollet cho rằng, chính quyền Mỹ đang muốn để hành động nói lên tất cả thay vì những tuyên bố hùng hồn.
Cứng rắn
Trong khi đó, Trung Quốc phản ứng quyết liệt đối với cuộc tuần tra của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cáo buộc Mỹ đang “cố tình khiêu khích” khi đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại triệu tập Đại sứ Mỹ Max Baucus, cáo buộc Mỹ đã hành động “cực kỳ vô trách nhiệm” về việc tàu khu trục USS Lassen xuất hiện trong khu vực quần đảo Trường Sa sáng 27/10 và đã lưu lại đó nhiều giờ. Ông Lục Khảng chỉ trích Mỹ và tuyên bố, nếu Mỹ tiếp tục “gây căng thẳng trong khu vực, Trung Quốc có thể kết luận rằng, phải tăng cường và củng cố việc xây dựng khả năng thích hợp”. Theo Reuters, phát biểu của ông Lục là chỉ báo Trung Quốc có thể tăng cường quân sự hóa biển Đông.
Lầu Năm Góc cho biết, tàu USS Lassen đã ở trong khu vực 12 hải lý quanh đá Xu Bi trong gần một giờ, và thiết bị trinh sát của Mỹ đã được sử dụng để chụp ảnh đảo nhân tạo Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cho biết, tàu USS Lassen đã đi qua khu vực 12 hải lý gần đá Xu Bi mà không có bất cứ sự cố nào xảy ra. Ông Rory Medcalf, Hiệu trưởng Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc, cho rằng, chiến dịch tuần tra biển Đông của Mỹ là “lời cảnh báo Trung Quốc đừng quá đáng khi tỏ thái độ cho thấy Mỹ không được chào đón ở biển Đông”.
Chuyên gia Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận định: “Vấn đề thực sự hiện nay với Trung Quốc là sẽ đáp trả Mỹ như thế nào. Nếu Trung Quốc sử dụng các lực lượng hải cảnh, hải quân để tìm cách ngăn chặn Mỹ tuần tra gần đảo nhân tạo, nguy cơ đụng độ hoặc tồi tệ hơn thế sẽ xảy ra”.
Cựu đô đốc hải quân Yang Yi, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc Ở Bắc Kinh, cho rằng, hoạt động tuần tra của Mỹ sẽ hủy hoại quan hệ Mỹ - Trung và thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường xây dựng trên đảo nhân tạo, thậm chí quân sự hóa chúng và tiến tới thiết lập vùng nhận diện phòng không ở biển Đông.
Theo ông Yang, sắp tới, Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng hải cảnh, thậm chí là tàu hải quân, để phong tỏa, ngăn chặn tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. Trung Quốc có thể đẩy nhanh quân sự hóa các đảo nhân tạo, triển khai thêm lực lượng, bao gồm máy bay chiến đấu, tới các vị trí này, tạo tiền đề thiết lập vùng nhận diện phòng không bao trùm lên biển Đông, ông Malcolm David, phó giáo sư về quan hệ Trung Quốc-phương Tây ở Đại học Bond (Úc), cảnh báo.
Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết, tàu USS Lassen bị một tàu Trung Quốc bám theo nhưng không có sự cố nào xảy ra trong suốt hành trình 115 km. “Tôi mong việc này trở nên thường xuyên ở biển Đông. Kiểu hoạt động này không nên bị coi là khiêu khích”, một quan chức Mỹ nói.
Các chuyên gia an ninh cho rằng, các cuộc tuần tra thực thi tự do hàng hải của Washington nên được tiến hành thường xuyên để hiệu quả hơn, nhằm đối phó tham vọng mở rộng quyền lực của Trung Quốc sâu xuống vùng biển Đông Nam Á và xa hơn nữa. Một số cho rằng, Hải quân Trung Quốc có thể tìm cách phong tỏa hoặc cố gắng lượn quanh các tàu Mỹ, tạo nguy cơ leo thang căng thẳng.
Wall Street Journal ngày 28/10 đưa tin, sau Mỹ, Úc đang cân nhắc khả năng điều tàu chiến tuần tra áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Một quan chức quốc phòng Úc (có nhiệm vụ soạn thảo chiến lược quân sự trên biển Đông cho Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne), xác nhận, kế hoạch điều tàu và máy bay Úc tuần tra trên biển Đông đã được chuẩn bị.
“Vào thời điểm này, chúng tôi chỉ cân nhắc những gì chúng tôi có thể làm” và quân đội Úc trong nhiều tháng qua đã cân nhắc nhiều lựa chọn, bao gồm việc điều tàu chiến áp sát đảo nhân tạo, vị quan chức quốc phòng giấu tên nói.
Theo Tiền Phong