Site banner

Trâu, bò thẩm lậu qua biên giới

Lâu nay tại tuyến biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Nghệ An, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn trâu, bò, gia súc thẩm lậu qua biên giới. Khó khăn này xuất phát từ thói quen, tập quán chăn thả gia súc của đồng bào dân tộc, cư dân 2 bên biên giới.


Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia làm việc với lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An

 Trước thông tin về việc trâu, bò thẩm lậu với số lượng lớn qua địa bàn xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có sự tiếp tay của cán bộ để hợp thức hóa trâu, bò nhập lậu, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Nghệ An xác minh, làm rõ thông tin.

Theo ghi nhận của phóng viên tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An mới đây, các lực lượng chức năng trên địa bàn gồm: Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Sở Thú y và Cơ quan Thú y vùng 3 đều xác nhận lâu nay có tình trạng trâu, bò nhập lậu qua biên giới Việt - Lào trên địa bàn xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Nguyên nhân là do thói quen chăn thả, mua bán, trao đổi trâu, bò của đồng bào người H’Mông tại biên giới Việt - Lào. Mặc dù, cơ quan chức năng đã nhiều lần bắt giữ nhưng việc xử lý rất khó khăn, thường bị người dân khiếu nại nên phải trao trả lại cho dân.

Theo ông Lý Bá Thái - Trưởng phòng Phòng chống ma túy - Bộ đội Biên phòng Nghệ An: Do biên giới Việt - Lào tại tỉnh Nghệ An dài và nhiều lối mở, rừng bao phủ rộng nên lượng trâu, bò từ Lào về khá nhiều, có thể thành đàn. Theo tập quán, cư dân hai bên biên giới sau khi thăm thân thường mua 1-2 con về chăn thả tại trang trại gần đường biên. Mặc dù phát hiện được nhưng để xử lý triệt để vấn đề này rất khó vì nếu đưa vào khung hình phạt (gồm vượt biên trái phép và buôn lậu gia súc) thì sẽ rất nặng trong khi tiền mua bò của người dân chủ yếu là tiền vay vốn ngân hàng. Mặt khác, nếu quyết tâm xử lý triệt để, lực lượng Bộ đội Biên phòng với đặc thù 3 cùng (cùng sống, cùng ăn, cùng ở) với dân, sau khi xử lý vài vụ thì khi đi vào các bản, làng nắm tình hình đồng bào không muốn cho ăn, ở cùng. Do vậy, thời gian qua, sau khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng vẫn phải trả lại trâu, bò cho dân dẫn đến tình trạng trâu, bò tiếp tục thẩm lậu qua biên giới.

Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến việc trâu, bò thẩm lậu qua biên giới là do nhu cầu tiêu thụ trâu, bò, gia súc tại Việt Nam quá lớn, trong khi đó không có doanh nghiệp nào đứng ra thu, mua trâu, bò, gia súc từ Lào.

Một phần là do thủ tục XNK trâu, bò đòi hỏi nhiều thủ tục, yêu cầu về bến bãi, kiểm dịch. Theo tìm hiểu của phóng viên, để NK được trâu, bò về Việt Nam, doanh nghiệp phải có đăng ký hoạt động XNK, có bãi tập kết, khu cách ly bên nước bạn để kiểm dịch trước khi đưa vào Việt Nam. Đó là chưa kể, nếu phát hiện ra bệnh trên gia súc, cơ quan Thú y sẽ phải tiêm phòng, cách ly 15 ngày để theo dõi diễn biến bệnh trên gia súc, kinh phí chăm sóc lại tăng cao. Thực tế trước năm 2009, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã có doanh nghiệp mở tờ khai để NK trâu, bò về Việt Nam. Đơn vị này đã tiến hành xây dựng khu cách ly, nhập trâu, bò qua cửa khẩu nhưng do làm ăn không có lãi nên đã dừng hoạt động.

Theo ông Chu Quang Hải - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Nghệ An: Từ năm 2009 đến nay, trên cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn không phát sinh các hoạt động XNK trâu, bò, dê và các loại động vật khác.

Để xác minh thông tin về việc cán bộ địa phương hợp thức hóa trâu, bò không rõ nguồn gốc từ Lào sang Việt Nam trên địa bàn, Đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã có buổi làm việc với UBND xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Tại buổi làm việc, ông Hờ Chống Nhìa - Chủ tịch xã Nậm Cắn không thừa nhận việc tiếp tay cho buôn lậu, nhưng thừa nhận có tình trạng thương lái trong nội địa trực tiếp sang Lào tìm mua gom trâu, bò sau đó thuê người dân dắt về. Đồng thời, ông này cũng cho biết có tình trạng người dân lợi dụng vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội của xã rồi sang Lào tìm trâu, bò dẫn về vỗ béo rồi bán cho thương lái kiếm tiền chênh lệch 1-2 triệu đồng.

Để nắm rõ hơn tình hình, Đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đã làm việc với UBND huyện Kỳ Sơn. Tại buổi làm việc, ông Moong Phò Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn lại khẳng định: Số bò của dân nuôi mang bán tại Nậm Cắn khoảng 200 con chưa được 10% lượng trâu, bò xuất đi từ xã Nậm Cắn. Ông Ngọc cho biết thêm, trong 10 năm nay, tại xã Nậm Cắn vẫn tồn tại 6 đầu nậu người địa phương, chuyên thu gom bò Lào rồi thuê người H’Mông dắt về Việt Nam (mỗi chuyến 50.000 đồng/con).

Ông Vi Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cũng khẳng định 90% số trâu, bò từ Nậm Cắn hàng ngày được thương lái sử dụng xe tải vận chuyển về xuôi (từ 20 đến 30 con/xe) đều là trâu, bò Lào. Ông Hùng cho biết, ngày nào cũng có 2-3 xe tải chở trâu, bò từ Nậm Cắn về!?

Qua ý kiến của cơ quan chức năng, cũng như chính quyền địa phương cho thấy các đơn vị đều thừa nhận việc trâu, bò nhập lậu qua biên giới hiện nay vẫn tồn tại. Do đó, Đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã đề nghị chính quyền địa phương trước mắt thống kê, kiểm soát lượng trâu, bò, dê, ngựa hiện có trên địa bàn, nhất là các xã biên giới. Đồng thời, lực lượng Thú y phải kiểm tra lâm sàng và tiến hành bấm số tai cho trâu, bò được mua, bán ngay tại từng xã giúp cơ quan chức năng kiểm soát và đấu tranh tốt hơn tình hình buôn lậu.

Theo Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An: “Tại Nghệ An tồn tại chợ Ú (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) được đánh giá là một trong những chợ trâu, bò lớn nhất Việt Nam. Chợ Ú đã tồn tại hơn 100 năm, đây không chỉ là nơi tập trung trâu, bò của Nghệ An mà còn của cả Việt Nam và Đông Nam Á. Trung bình một phiên chợ Ú có từ 1.500 - 2.000 trâu, bò, gia súc được bán. Trong đó, năm 2013 có 465 chuyến, với 7.964 con trâu, bò, dê được vận chuyển từ huyện Kỳ Sơn về chợ Ú để tiêu thụ; năm 2014 là 468 chuyến, 6.454 con; 3 tháng đầu năm 2015 cũng đã có 62 chuyến, 866 con trâu, bò được đưa về xuôi tiêu thụ.

Nguồn: baohaiquan.vn