Site banner

Tài liệu định hướng công tác tuyên huấn về Biển đảo - Kỳ 4

Kỳ 4: Vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế và khu vực

  1. Vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn đa phương

Trước những diễn biến phức tạp, đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, năm 1992, ASEAN đã thông qua Tuyên bố về Biển Đông kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế không làm căng thẳng tình hình. Sau sự kiện Vành Khăn năm 1995, các nước ASEAN đẩy mạnh nỗ lực để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Sau quá trình thương lượng, ngày 4/11/2002 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Căm-pu-chia, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Kể từ năm 2009, với việc Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” khiến tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, vấn đề Biển Đông đã thu hút sự quan tâm của dư luận và cộng đồng quốc tế. Vấn đề Biển Đông đã không chỉ liên quan đến các bên tranh chấp cố yêu sách về chủ quyền mà còn liên quan tới lợi ích của các quốc gia khác cả trong và ngoài khu vực. Điểm nhấn là tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị liên quan tại Hà Nội tháng 7/2010, lần đầu tiên sau nhiều năm, vấn đề Biển Đông nổi lên, trở thành một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất. Trong những năm sau đó, tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là các diễn đàn ASEAN, ARF, EAS, Shangri-la v.v…, diễn biến tình hình Biển Đông nhận được sư quan tâm và được giao thảo luận sôi nổi. Các nước nhìn chung đều nhấn mạnh ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vữc, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; phản đối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển; kêu gọi thực hiện hiệu quả và đầy đủ DOC cũng như sớm đạt được COC v.v…

Sau  khi ký kết DOC vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC vào tháng 7/2011. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 11 năm 2012, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm ký kết DOC, khẳng định giá trị và các nguyên tắc DOC, hướng tới xây dựng COC (xem hình số 7). Đáng chú ý là, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 5/2014, lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, các Ngoại trưởng ASEAN ra một Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông (Xem phần A.IV.4), trong đó bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, đồng thời tái khẳng định các cam kết của ASEAN (Xem hình số 8)

  1. Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)

Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được các nước ASEAN và Trung Quốc ký ngày 04 tháng 11 năm 2002 tại Căm-pu-chia nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Nội dung cơ bản của DOC 2002:

  1. Các Bên khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, năm nguyên tắc chung sống hòa bình và các nguyên tắc chung sống hòa bình và các nguyên tắc được công nhận rộng rãi khác của pháp luật quốc tế, coi đây là các quy phạm cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.
  2. Các Bên cam kết giải quyết mọi trah chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982.
  3. Các Bên khẳng định tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không ở Biển Đông phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển 1982.
  4. Các Bên cam kết kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, trong đó kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện nay không có người ở.
  5. Trong khi tìm kiếm giải pháp lâu dài, các Bên cam kết tăng cường nỗ lực để xây dựng lòng tin như:
  • Tiến hành đối thoại quốc phòng,
  • Đối xử nhân đạo với người bị nạn trên biển,
  • Thông báo, trên cơ sở tự nguyện, cho các bên liên quan vể các cuộc diễn tập quân sự,
  • Trao đổi thông tin liên quan trên cơ sở tự nguyện.
  1. Trong khi tìm kiếm giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, các Bên có thể tìm kiếm và tiến hành các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như:
  • Bảo vệ môi trường biển,
  • Nghiên cứu khoa học biển,
  • An toàn và an ninh hàng hải,
  • Tìm kiếm, cứu nạn trên biển
  • Đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán ma túy, cướp biển, cướp có vũ trang trên biển và buôn lậu vũ khí.

Các Bên sẽ thỏa thuận phương thức, địa điểm và phạm vi của các hoạt động hợp tác này.

  1. Các Bên khẳng định việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vục và đồng ý sẽ cùng nhau làm việc để đạt mục tiêu này.

Vấn đề quan trọng hiện nay là cần phải tích cực triển khai cụ thể các thỏa thuận của DOC trên tinh thần đa phương, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

  1. Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông

Sau khi Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN AMM 45 tại Căm-pu-chia tháng 7 năm 2012 không ra được Thông cáo chung, ngày 20 tháng 7 năm 2012, các nước ASEAN đã ra tuyên bố riêng 6 điểm về Biển Đông (lần đầu tiên ASEAN có Tuyên bố riêng kể từ 1995 khi Việt Nam chưa phải là thành viên của ASEAN). Tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông tái khẳng định cam kết của các nước Đông Nam Á trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, tập hợp những điểm mà các nước ASEAN đã đạt được đồng thuận bao gồm cả vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển. Theo đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN xác nhận lại và tái khẳng định cam kết của các nước thành viên ASEAN là:

  1. Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) (2002);
  2. Nguyên tắc chỉ đạo thực hiện DOC (2011);
  3. Sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC);
  4. Tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS);
  5. Tất cả các bên tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực;
  6. Giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982.
  1. Tuyên bố riêng của các Ngoại trưởng ASEAN về tình hình Biển Đông

Ngày 10/5/2014, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ở Nây-pi-tô, Mi-an-ma, các Ngoại trưởng ASEAN đã thông qua Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông. Đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ 1995), ASEAN ra Tuyên bố riêng bày tỏ quan ngại về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình và ổn định, tự do và an ninh an toàn hàng hải ở khu vực. Tuyên bố đồng thời thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và của khu vực nói chung; khẳng định mạnh mẽ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và các cam kết của ASEAN. Nội dung Tuyên bố như sau:

  • Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông đã làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực.
  • Các Bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
  • Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng như Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 Kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về DOC.
  • Các Bộ trưởng đồng thời kêu gọi tất cả các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được COC. 
Bộ Ngoại giao - UB Biên giới Quốc gia